Theo tìm hiểu của VietTimes, nữ doanh nhân gốc Quy Nhơn, bà Dương Thị Bạch Diệp (sinh năm 1948) là người đại diện theo pháp luật của 4 công ty. Tuy nhiên, dữ liệu cũng cho thấy, 2 công ty trong số đó đã ngừng hoạt động, chỉ còn lại 2 công ty là: Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương (Diệp Bạch Dương) và Công ty TNHH Nam Nam Phương (Nam Nam Phương).
Trong đó, công ty Nam Nam Phương, được thành lập từ năm 2004, đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại Lầu 1, số 28 Lê Văn Hưu, Bến Nghé, Quận 1, TP. HCM. Công ty này ít được giới truyền thông chú ý, một phần có lẽ đến từ việc bà Dương Thị Bạch Diệp mới đảm nhiệm vị trí Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty này từ tháng 10/2016 (theo thay đổi đăng ký kinh doanh do Phòng ĐKKD TP. HCM cấp).
Ở chiều hướng ngược lại, công ty Diệp Bạch Dương cùng nữ “đại gia” này đã trải qua nhiều sóng gió trên thương trường. Theo tìm hiểu của VietTimes, Diệp Bạch Dương được thành lập ngày 24/4/2002, đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại số 179Bis Hai Bà Trưng, Phường 06, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Công ty này hiện có vốn điều lệ hơn 905,6 tỷ đồng, với sự tham gia góp vốn của: bà Dương Thị Bạch Diệp (57,54%) và bà Nguyễn Thị Châu Hà (42,46%).
Trong giai đoạn 2012 - nay, trong khi nhiều “đại gia” bất động sản khác ghi nhận những bước tiến lớn, công ty Diệp Bạch Dương và bà chủ Dương Thị Bạch Diệp lại được đề cập xoay quanh các khoản nợ ngân hàng lên đến cả nghìn tỷ đồng, nợ thuế và các hoạt động chuyển nhượng bất động sản cho các đối tác khác.
Bà Dương Thị Bạch Diệp bên cạnh chiếc Rolls-Royce Phantom biển tứ quý (Ảnh: Internet)
|
Từ gặp khó khi tiếp cận nguồn vốn ngân hàng
Vào năm 2014, thông tin về khoản dư nợ “khủng” của Diệp Bạch Dương có giá trị lên tới hơn 3.700 tỷ đồng (nợ gốc: 2.967,7 tỷ đồng, nợ lãi: 732,3 tỷ đồng) tại Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã gây nhiều sự chú ý của giới truyền thông.
Tuy nhiên, con số này chỉ là một chi tiết trong bản kết luận sau khi Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán tại Agribank vào năm 2012. Các quan hệ tín dụng giữa Diệp Bạch Dương và Agribank Chi nhánh Tp. HCM chỉ được tiết lộ cụ thể hơn khoảng 3 năm sau đó, khi các khoản nợ vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Trong một động thái ít gây chú ý, Diệp Bạch Dương đã có đơn kiến nghị phương án trả nợ số 170427/PA-DBD (ngày 27/4/2017) gửi tới văn phòng chính phủ. Theo đó, Diệp Bạch Dương đã phản ánh về cách tính dư nợ của Agribank, cho rằng ngân hàng này không hỗ trợ công ty này vay vốn để đầu tư, kinh doanh.
Phản hồi kiến nghị của Diệp Bạch Dương, Agribank Chi nhánh TP. HCM cho biết, công ty cần phải tách bạch rõ từng khoản vay và tình hình trả nợ từng khoản vay, như vậy mới phản ánh đúng thực tế vay vốn và trả nợ tại ngân hàng này.
Theo đó, Diệp Bạch Dương đã thực hiện vay 14.000 lượng vàng SJC, có mục đích vay nhằm “mua nhà 57 Cao Thắng, Quận 3” với thời hạn trả nợ là ngày 31/10/2009. Dù đã được ngân hàng đồng ý gia hạn nợ đến 30/10/2010, tuy nhiên, phải tới ngày 31/1/2011 (quá hạn 3 tháng), Diệp Bạch Dương mới trả nợ xong khoản vay này (bao gồm nợ gốc và nợ lãi 2.040,65 lượng vàng).
“Khoản vay bằng vàng, đã trả hết nợ bằng vàng, các quyền và nghĩa vụ của các bên đã hoàn thành” - Agribank Chi nhánh TP. HCM nêu rõ trong văn bản phản hồi.
Bên cạnh đó, Agribank cũng cho Diệp Bạch Dương vay 67.000 lượng vàng SJC, thông qua 3 hợp đồng vay vốn. Tương tự khoản vay trên, Diệp Bạch Dương đã không trả nợ đúng hạn, thậm chí sau khi đã được ngân hàng cơ cấu lại nợ.
Agribank Chi nhánh TP. HCM cho biết tổng số tiền công ty trả nợ tỳ khi vay đến thời điểm trước chuyển đổi dư nợ sang VND là 60.270 chỉ vàng (gồm: trả nợ gốc 3.580 chỉ vàng, và nợ lãi 56.690 chỉ vàng). Toàn bộ dư nợ gốc còn lại là 66.642 lượng vàng được chuyển đổi sang VND có giá trị là 2.928 tỷ đồng.
Sau khi chuyển đổi, Diệp Bạch Dương chỉ trả được 15,9 tỷ đồng nợ gốc và 0,8 triệu đồng nợ lãi. Toàn bộ dư nợ của công ty hiện nay đã quá hạn thanh toán, nên khoản vay bị chuyển nợ xấu theo quy định. Tính đến ngày 30/4/2017, dư nợ gốc và lãi của Diệp Bạch Dương tại Agribank Chi nhánh TP. HCM là 4.760,8 tỷ đồng (nợ gốc 2.912,8 tỷ đồng, nợ lãi 1.848 tỷ đồng).
Bên cạnh thông tin các khoản nợ, phản hồi của Agribank Chi nhánh TP. HCM cũng tiết lộ nhiều vấn đề còn bất đồng giữa Diệp Bạch Dương và ngân hàng.
Đáng chú ý, Diệp Bạch Dương còn phản ánh “Kể từ khi quan hệ tín dụng với Agribank chúng tôi bị cấm vận toàn bộ tín dụng với toàn bộ hệ thống Ngân hàng gần 8 năm qua”.
Ý kiến này dù vẫn cần phải được thẩm định và đánh giá kỹ lưỡng hơn, nhưng cũng có thể hiểu rằng, “8 năm qua” (kể từ năm 2009) Diệp Bạch Dương đã gặp nhiều khó khăn về huy động vốn từ các ngân hàng. Việc thiếu hụt nguồn vốn có lẽ là một phần nguyên nhân dẫn đến việc Diệp Bạch Dương nợ đọng thuế và bán bớt các bất động sản sau này.
Chỉ trong nửa đầu năm 2018, giới truyền thông đã 2 lần đưa thông tin về việc Diệp Bạch Dương lọt vào danh sách đen về nợ thuế của Cục thuế TP. HCM. Theo lần công bố gần nhất, Diệp Bạch Dương đang nợ đọng thuế 35,5 tỷ đồng.
Đến những thương vụ chuyển nhượng bất động sản
Chia sẻ với truyền thông, bà Dương Thị Bạch Diệp từng tiết lộ đang sở hữu nhiều khu đất vàng tại TP.HCM như: dự án khách sạn 5 sao Diep Bach Duong’s Senla Boutique (Senla Boutique); dự án Khách sạn kết hợp trung tâm hội nghị, tiệc cưới cao cấp (có tổng diện tích 3.100m2) tại số 179 Bis, Hai Bà Trưng (Quận 3, TP. HCM); 7 mặt bằng tại tại số 31 Lê Duẩn (Quận 1, TP. HCM).
Với quỹ đất trong tay, dẫn lời trên truyền thông, bà Diệp tỏ ra khá tự tin - kể cả khi thông tin về khoản nợ 3.700 tỷ đồng trong kết luận của Kiểm toán Nhà nước được công bố. Theo nữ doanh nhân này, số dư nợ trên không đáng lo ngại so với quy mô tài sản đang có trong nước và ngoài nước và “chỉ cần bán một số dự án lớn là đủ để giải quyết” - một tờ báo dẫn lại.
Thực tế cho thấy, nhiều dự án bất động sản có liên quan tới bà Dương Thị Bạch Diệp đã được chuyển nhượng trong thời gian qua.
Bà chủ Diệp Bạch Dương tại một buổi lễ khởi công (Ảnh: EIC Saigon) |
Một trong số đó là dự án Senla Boutique tọa lạc tại khu đất có diện tích 789 m2, nằm ở ngay góc ngã tư, có 2 mặt tiền (số 111 Hai Bà Trưng và số 64 Lê Thánh Tôn - Phường Bến Nghé, Quận 1, Tp. HCM). Dự án này được khởi công ngày 21/2/2013, được thiết kế với quy mô 15 tầng cao, 2 tầng hầm (chưa tính tầng lửng và tầng kỹ thuật).
Diệp Bạch Dương đã bán Senla Boutique Hotel cho đại gia kín tiếng? |
Tương tự, khu đất để xây dựng dự án khách sạn có tổng vốn đầu tư hơn 2.600 tỷ đồng tại số 179Bis Hai Bà Trưng (Quận 3, TP. HCM) cũng đã được công ty Diệp Bạch Dương nhượng lại cho đối tác.
Dự án này được công bố vào năm 2009, quy mô hơn 3.000m2 bao gồm: 2 tầng hầm, 2 tầng lửng và 25 tầng lầu chia làm 2 khối (có công năng dành cho kinh doanh khách sạn và nhà hàng tiệc cưới). Dự án này cũng được kỳ vọng sẽ trở thành công trình kiến trúc hiện đại và mang tầm vóc thế giới.
Tuy nhiên, trải qua nhiều năm, Diệp Bạch Dương không có dấu hiệu triển khai dự án. Tới tháng 10/2014, Công ty TNHH Phan Thành khởi công xây dựng trung tâm mua sắm SaiGon Square 3 trên diện tích đất của dự án này.
Đó chỉ là tình trạng của một số dự án được nhiều người biết đến, sau những "nốt trầm" đã trải qua, nữ "đại gia" Dương Thị Bạch Diệp cũng trở nên kín tiếng hơn với công chúng./.