Tháng 4/2022, nhóm nhà đầu tư gồm GIC, Insight Partners và Smash Capital đã rót 690 triệu USD vào Coda Payments – nền tảng thanh toán giao dịch trò chơi trực tuyến có trụ sở tại Singapore.
Theo DealStreetAsia, các nhà đầu tư mới đã mua cổ phần Coda Payments từ nhà sáng lập Paul Leishman và một số cổ đông hiện hữu, bao gồm Golden Gate Ventures (GGV).
Thương vụ được tin rằng đã giúp khoản đầu tư hơn 1 triệu USD của GGV vào Coda Payments được định giá lên tới 100 triệu USD, tương ứng với mức tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) lên tới 100 lần. GGV đã bán một lượng cổ phần Coda Payments để giảm tỷ lệ sở hữu xuống 5% nhằm có được 'lợi nhuận vượt trội' sau khi Coda Payments tiến hành IPO, theo Forbes.
Được thành lập vào năm 2011, Golden Gate Ventures (GGV) là quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) toàn cầu, được sáng lập bởi các nhà đầu tư đến từ Thung lũng Silicon. GGV đã thành lập 4 quỹ, quản lý 250 triệu USD, với danh mục đầu tư hơn 70 công ty (hoạt động trong các lĩnh vực như: Fintech, Edtech, Thương mại điện tử, Saas, Giải trí, Deep Tech...)
Trong đó, có tới 9 'kỳ lân', kể như: Stripe, Ninja Van, Xendit, Coda Payments… GGV cũng rót vốn vào Funding Societies – nền tảng tài trợ vốn kỹ thuật số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) Đông Nam Á - đã được VNG đầu tư 22,5 triệu USD.
Không lâu sau thương vụ bán cổ phần Coda Payments, tháng 5/2022, GGV đã mở 2 văn phòng đại diện tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với mục tiêu tăng cường đầu tư vào hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam. Quỹ đầu tư này xem Việt Nam, Singapore và Indonesia là “Tam giác vàng khởi nghiệp” của khu vực Đông Nam Á.
GGV hiện đã rót vốn cho khoảng 10 startup tại Việt Nam.
Một số doanh nghiệp Việt Nam nổi bật nhận được sự hỗ trợ vốn từ GGV (Nguồn: Website GGV) |
Hé mở 'danh mục' của GGV tại Việt Nam
1. Tititada: Tititada là ứng dụng đầu tư công nghệ ra mắt vào năm 2022. Với sự góp mặt bởi các chuyên gia trong ngành công nghệ và đầu tư chứng khoán, Tititada đặt tham vọng trở thành người đồng hành trong hành trình tài chính của mọi người Việt, khơi dậy tư duy “đầu tư cho chính mình” trong giới trẻ.
Tháng 9/2022, Ứng dụng nhận được số tiền đầu tư 1,5 triệu USD vòng tiền hạt giống (pre-seed) từ GGV.
2. Appota: Appota là đơn vị tiên phong cung cấp các giải pháp và nền tảng công nghệ cho ngành giải trí số tại Việt Nam với hơn 30 triệu người dùng trên khắp thế giới. Công ty cũng là đối tác của hơn 15.000 nhà phát triển ứng dụng, quảng cáo và các điểm cung cấp dịch vụ.
Appota đã huy động được tổng cộng hơn 5 vòng gọi vốn. Công ty đã lần lượt nhận đầu tư từ các quỹ VNP-Group (Series A) vào năm 2012, GMO Global Payment Fund và Golden Gate Ventures (Series B) năm 2014.
Năm 2017, Appota tuyên bố thành công trong việc gọi vốn đầu tư cho vòng thứ 3 (Series C) từ hai quỹ đầu tư đến từ Hàn Quốc là Korea Invesment Partners (KIP) và Mirae Asset Venture Investment.
Khoản đầu tư gần đây nhất nền tảng này nhận được là vào tháng 6/2022 với các chi tiết không được tiết lộ.
3. Mio: Được thành lập vào tháng 6 năm 2020 bởi các founder Trung Huỳnh, An Phạm, Long Phạm và Tú Lê, Mio là một sàn thương mại về mua bán hàng hóa nông sản và hàng tiêu dùng nhanh cho các thành phố cấp 2 và 3 tại Việt Nam với chất lượng đồng nhất, giá cả phải chăng và giao hàng trong ngày hôm sau.
Đầu năm nay, công ty huy động được 8 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A. Vòng đầu tư do Jungle Ventures dẫn đầu, với sự tham gia của Patamar Capital và Oliver Jung. Các nhà đầu tư cũ GGV, Venturra, Hustle Fund, iSEED SEA và Gokul Rajaram cũng tham gia vòng này. Trước đó, hồi tháng 5/2021, Mio công bố gọi vốn 1 triệu USD trong vòng hạt giống.
4. Loship: Khởi đầu là một ứng dụng tìm kiếm địa điểm nhà hàng ăn uống với tên gọi Lozi, năm 2017, nền tảng chuyển đổi mô hình thành startup giao đồ ăn với tên gọi Loship.
Ngay trong năm 2017, Loship đã nhận vốn từ một số nhà đầu tư như Quỹ Vietnam Silicon Valley, Golden Gate và DT & Investment. Năm 2019, Loship tiếp tục huy động thêm chục triệu USD từ Quỹ Smilegate. Cũng trong giai đoạn này, Loship được bảo đảm đầu tư từ Tập đoàn Hana, một trong những tập đoàn tài chính lớn nhất châu Á.
Chỉ riêng năm 2021, startup này tiếp tục gọi vốn 3 lần. Trong đó, vòng Pre-Series C trị giá 12 triệu USD do BAce Capital (quỹ đầu tư mạo hiểm do Ant Group hậu thuẫn) và Sun Hung Kai & Co. Limited (tập đoàn bất động sản Hong Kong, Trung Quốc) đồng dẫn dắt.
5. WiFi Chùa (đã thoái vốn): là ứng dụng chia sẻ và tra cứu mật khẩu WiFi miễn phí, được thành lập từ năm 2014 và luôn là ứng dụng tra cứu, chia sẻ wifi lớn nhất Việt Nam. Ngày 26/02/2014, WiFi Chùa được phát hành trên iOS. Chỉ sau 2 ngày, vào ngày 28/02/2014, WiFi Chùa đã chiếm vị trí Top 1 trên App Store với hơn 50.000 lượt tải xuống và giữ vị trí số 1 thành công trong 2 tháng liên tiếp.
Tháng 11/2016, ứng dụng này đã nhận được số tiền đầu tư 150.000 USD từ hai nhà đầu tư 500 Global và GGV. Tháng 3/2018, Appota mua lại WiFi Chùa với số tiền không được tiết lộ.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu