Nhiên liệu hoá thạch - 'cứu tinh' giúp EU đối phó với khủng hoảng năng lượng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – EU sẽ phải đầu tư khoản tiền ít nhất 50 tỉ Euro cho cơ sở hạ tầng khi đốt và than đá để đảm bảo an ninh năng lượng khi mùa đông đã tới gần, nhưng cũng khiến các mục tiêu về giảm phát thải trở nên khó thực hiện.

Tháng 7 năm ngoái, các ủy viên của Ủy ban châu Âu đã đưa ra hàng loạt các chính sách xanh nhằm đưa lục địa này đi trên con đường hướng tới trung lập carbon vào năm 2050. “Nền kinh tế nhiên liệu hóa thạch đã đạt tới giới hạn của nó,” bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, tuyên bố.

Và chưa đầy 1 năm sau đó, những ủy viên này giờ chứng kiến hàng tỉ euro đổ ra để xây dựng các cơ sở hạ tầng và mua nhiên liên hóa thạch, giữa lúc bị Nga cắt giảm nguồn cung và giá nhiên liệu tăng đến mức kỷ lục.

Do bị Nga giảm mạnh nguồn cung năng lượng, EU phải tăng đầu tư vào các dự án năng lượng bẩn (Ảnh: Financial Times)

Do bị Nga giảm mạnh nguồn cung năng lượng, EU phải tăng đầu tư vào các dự án năng lượng bẩn (Ảnh: Financial Times)

Dữ liệu của Ember Climate cho thấy, chính phủ các nước châu Âu sẽ chi ít nhất là 50 tỉ USD trong mùa Đông năm nay để xây dựng mới và mở rộng các cơ sở hạ tầng nhiên liệu hóa thạch và mua năng lượng, bao gồm cả khí đốt được vận chuyển từ nước ngoài và than đá để cung cấp cho các nhà máy điện đã bị lãng quên.

EU, từng phải dựa vào Nga để duy trì 40% nguồn cung khí đốt và hơn 50% nguồn cung than đá, dường như có rất ít lựa chọn. Nhiều ngành công nghiệp của họ, từ các nhà sản xuất phân bón cho tới kẽm, buộc phải đóng cửa do không thể trang trải chi phí nhiên liệu. Hóa đơn năng lượng cũng đẩy người tiêu dùng vào chỗ cận nghèo.

Khối này giờ đang chuẩn bị một gói cứu trợ khổng lồ có thể sánh ngang với phản ứng của họ trước cuộc khủng hoảng ngân hàng năm 2008. Những con số mà hãng phân tích kinh tế Bruegel đưa ra mới đây cho thấy, chính phủ các nước EU đã huy động 280 tỉ euro trong khoảng từ tháng 9/2021 đến tháng 7 năm nay để bảo vệ người tiêu dùng trước giá năng lượng tăng chóng mặt, gỡ bỏ bớt các hàng rào thuế quan đối với nhiên liệu, chi thêm tiền mua khí đốt vận chuyển bằng tàu biển, và trao tiền hỗ trợ cho những hộ gia đình gặp khó khăn.

Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn bắt đầu từ hôm đầu tuần này, ngày 5/9, khi Điện Kremlin tuyên bố tạm ngừng cung ứng khí đốt cho châu Âu thông qua đường ống Nord Stream 1 cho đến khi các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào họ được gỡ bỏ. Động thái này đẩy châu Âu gần hơn tới một cuộc suy thoái. Các Bộ trưởng năng lượng của EU sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn tại Brussels vào ngày 9/9 để thảo luận về phản ứng chung.

Phản ứng của EU đối với cái mà họ gọi là “vũ khí hóa” nguồn cung năng lượng của Moscow vẫn là đề xuất vận hành những nhà máy phát điện không sử dụng khí đốt, trong đó bao gồm năng lượng tái sinh, đồng thời vẫn tìm kiếm các nguồn cung nhiên liệu hóa thạch thay thế để tránh cho người dân chết rét trong mùa Đông năm nay.

7 trạm nổi xử lý khí hóa lỏng (LNG) từ các nguồn khác Nga dự kiến sẽ đi vào hoạt động ở Đức, Hà Lan, Estonia và Phần Lan kịp lúc để chuẩn bị cho mùa Đông năm nay.

Ít nhất 19 trạm khác trên khắp EU đang được lên kế hoạch đi vào hoạt động, với tổng chi phí dự án lên tới gần 10 tỉ euro, đó là chưa kể tới khoản chi phí xây dựng thêm các cơ sở hạ tầng cần thiết như đường ống.

Cùng thời điểm, một số quốc gia, bao gồm Đức và Hà Lan, đã cho phép khởi động lại các nhà máy điện than mà trước đây đã “đắp chiếu” hoặc sắp bị đóng cửa – cho phép họ đốt thêm 13 triệu tấn than, với giá khoảng 4,5 tỉ euro, theo ước tính của Ember.

Giới chức ở Brussels nhấn mạnh rằng đây chỉ là những biện pháp nhất thời, không ảnh hưởng tới tham vọng trung hòa carbon của khối vào năm 2050. Các mục tiêu về khí hậu của châu Âu “không bị hoãn hay hủy,” Virginjus Sinenvicius, Cao ủy châu Âu về vấn đề môi trường, nói. “Việc quan trọng là kết hợp sử dụng than đá như một biện pháp thay thế với tăng tốc các dự án năng lượng và phát triển năng lượng tái sinh.”

EU cũng đang nỗ lực cắt giảm nhu cầu, từ hạn chế sử dụng hệ thống sưởi cho tới giảm đèn chiếu sáng trên đường phố. Tuần tới, Nghị viện châu Âu dự kiến sẽ tổ chức bỏ phiếu thông qua một số đề xuất tăng tỷ lệ năng lượng tái sinh từ 40% tổng lượng điện năng sản sinh lên 45% vào năm 2030.

Nhiều cơ sở nhập khẩu LNG sắp được vận hành trên khắp châu Âu (Ảnh: Financial Times)

Nhiều cơ sở nhập khẩu LNG sắp được vận hành trên khắp châu Âu (Ảnh: Financial Times)

Tuy nhiên, giới phân tích lo ngại rằng một số khoản đầu tư của khối này vào than đá và LNG có thể khiến họ gắn bó với nhiên liệu hóa thạch lâu hơn so với kế hoạch, khiến cho các mục tiêu giảm phát thải bị ảnh hưởng.

Sarah Brown, chuyên gia phân tích năng lượng tại Ember, mô tả số trạm xử lý LNG sắp đi vào hoạt động là “một phản ứng tự phát không có tính toán, có thể gây hậu quả lâu dài, đắt đỏ và không cần thiết,” đặc biệt là khi nguồn cung tại các trạm sẵn có của EU đều có thể tăng lên.

“Một khi những cơ sở đó đi vào hoạt động, các công ty sở hữu chúng sẽ muốn chúng vận hành lâu nhất có thể để thu về lợi nhuận,” Jan Rosenow, giám đốc Chương trình châu Âu tại Regulatory Assistance Project, một tổ chức phi chính phủ tập trung vào chuyển dịch năng lượng sạch, nói.

“Thách thức của các nhà hoạch định chính sách là kiểm soát rủi ro và tìm được sự cân bằng để ứng phó với tình trạng khủng hoảng ngắn hạn thực sự,” ông Rosenow nói.

“Nạp lại năng lượng”

Brussels có thể đã đánh giá thấp về nguồn năng lượng bẩn mà họ sẽ cần tới không chỉ trong ngắn hạn.

Ủy ban châu Âu viết trong đề xuất “RePowerEU” của họ trong tháng 5 rằng sẽ cần 210 tỉ euro cả nguồn vốn công và tư để giúp cho EU không còn phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng Nga vào năm 2027, nhiều trong số đó là đầu tư cho năng lượng tái sinh. Chỉ có 12 tỉ euro trong số đó được chi cho cơ sở hạ tầng dầu khí và nhiên liệu để vận hành các cơ sở đó.

Tuy nhiên, theo phân tích của Ember, EU phải cần gấp 4 lần con số đó (12 tỉ euro) trong mùa Đông năm nay. Con số này thậm chí có thể tăng cao hơn bởi chính phủ các nước EU đang ngày càng chi thêm nhiều tiền để hỗ trợ các công ty trong nước và các hộ gia đình vượt qua cơn khát năng lượng.

Mùa Hè nóng và khô bất thường năm nay đã làm trầm trọng hơn bức tranh toàn cảnh về năng lượng. Các nguồn nước bị cạn kiệt khiến cho nhu cầu khí đốt ở nhiều nước, từ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ở phía Nam cho tới Na Uy ở phía Bắc, tăng mạnh.

CẢ năng lượng tái sinh và nhiên liệu hóa thạch đều tăng ở EU (Ảnh: Ember)

CẢ năng lượng tái sinh và nhiên liệu hóa thạch đều tăng ở EU (Ảnh: Ember)

Ở Pháp, nhiều nhà máy điện nguyên tử, vốn đã chịu sức ép về bảo dưỡng, giờ còn bị buộc phải giảm sản lượng do thiếu nước để làm mát các lò phản ứng. Nhiều nhà máy ở Bỉ, Thụy Sĩ, Đức và Phần Lan cũng chịu ảnh hưởng.

Trong khi đó, Gazprom vẫn tiếp tục giảm lượng khí đốt xuất khẩu sang EU. Theo ước tính của S&P Global, lượng khí đốt từ Nga giờ chỉ bằng 1/4 so với nửa đầu nawm2021, chỉ đáp ứng được khoảng 1/12 nhu cầu khí đốt trung bình của EU.

Con số thống kê mà Ember đưa ra dựa vào dự báo về giá khí đốt, than đá trong mùa Đông năm nay – hiện đã lên đến mức kỷ lục – và ước tính giá dựa trên những thông tin sẵn có.

Than đá không nằm trong tuyên bố của Ủy ban châu Âu. Nhưng có ít nhất 4 quốc gia – bao gồm Đức, Hà Lan, Hy Lạp và CH Séc – vẫn cho phép các nhà máy điện than tăng sản lượng hoặc tái khởi động các hoạt động khai thác than đá.

EPH – công ty năng lượng có trụ sở tại CH Séc, đã phải vận hành lại các nhà máy than như Mehrum ở Đức – nói rằng họ “vui mừng” khi thấy các nhà máy của mình hoạt động trở lại và góp phần giải quyết “tình trạng năng lượng khó khăn của Đức” (cho đến khi chiến tranh ở Ukraine bùng phát, Đức nằm trong số các nước EU dựa nhiều nhất vào khí đốt của Nga) nhưng nói thêm rằng “rất khó để đưa ra ước tính” về khoảng thời gian mà những nhà máy này phải hoạt động.

Nhà máy điện than Mehrum ở Đức hoạt động trở lại (Nguồn: Pinterest)

Nhà máy điện than Mehrum ở Đức hoạt động trở lại (Nguồn: Pinterest)

Emmanuel Dubois-Pelerin, người đứng đầu ban dịch vụ công tại S&P Global, nói rằng ông đã dự đoán trước được rằng các nhà máy điện than sẽ tái khởi động, do nhu cầu năng lượng tăng đột biến. Nhưng một số nhà điều hành các nhà máy này lại lo ngại về giá cả trong tương lai, và thách thức khi vận chuyển nhiên liệu trên những tuyến đường sông như sông Rhine, hiện có mực nước thấp kỷ lục do đợt hạn hán mùa Hè. “Họ không dám chắc có thể khởi động lại nhà máy và kiếm được tiền,” ông Dubois-Pelerin nói.

Một trong những nguồn năng lượng thay thế quan trọng cho khí đốt của Nga chính là LNG – một chất khí được làm lạnh tới -162 độ C và được vận chuyển bằng các container lạnh trên những con tàu vận tải cỡ lớn.

Trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 7, Brussels đã công bố một loạt thỏa thuận LNG với Mỹ, Qatar, Azerbaijan, Ai Cập và Israel để tăng nguồn cung. Ví dụ, thỏa thuận LNG của EU với Mỹ, nhằm đảm bảo thêm 15 tỉ mét khối trong năm nay và tăng lên ít nhất 50 tỉ mét khối mỗi năm vào năm 2030. Trong năm 2021, tổng lượng khí đốt mà Nga cung cấp cho EU là khoảng 155 tỉ mét khối.

Rất nhiều nước xuất khẩu năng lượng đang háo hức tham gia thỏa thuận với EU, điều này cũng có nghĩa rằng EU có thể phải dựa vào khí đốt lâu hơn so với dự kiến, Ana Maria Jaller-Makarewicz, chuyên gia phân tích năng lượng châu Âu đến từ hãng Energy Economics and Financial Analysis, cho hay.

“Chúng ta đang trong một thị trường của bên bán. Bên bán hiểu rằng EU đang khao khát có thêm các thỏa thuận LNG,” bà nói, thêm rằng: “Nhưng vấn đề ở đây là, trong khi thỏa thuận sẽ kéo dài trong 20 năm, điều gì sẽ xảy ra với nhu cầu khí đốt?”

Một cơ sở nổi xử lý LNG sắp sửa cập cảng Hà Lan (Ảnh: EPA)

Một cơ sở nổi xử lý LNG sắp sửa cập cảng Hà Lan (Ảnh: EPA)

Các con số của Ember cũng chỉ ra rằng, có 19 trạm chứa và chuyển hóa khí đốt khai thác sang thành phẩm nổi trên biển (FSRU), sử dụng nước biển để đốt lại chất lỏng và chuyển hóa nó thành khí đốt, được dự kiến đi vào hoạt động trên khắp châu Âu trong dài hạn. Những cơ sở này sẽ đi vào hoạt động từ tháng 10 năm nay cho tới 2028.

Nhiều nhà hoạch định chính sách và những người đầu tư vào LNG cho rằng, những cơ sở này có thể được sử dụng cho các nguồn hydrogen xanh, ví dụ như tích trữ và vận chuyển nguồn năng lượng được sản sinh từ các nguồn tái sinh, và đây là những dự án đầy hứa hẹn để thử nghiệm khả năng này.

Nhưng một số nhà phân tích và chuyên gia về môi trường lại cảnh báo rằng đây không phải một giải pháp dễ dàng. Không có đủ nguồn tái sinh để tạo ra mức độ hydrogen xanh cần thiết, bởi vậy chưa thể chứng minh được rằng cơ sở hạ tầng khí đốt có thể được cải biến để vận chuyển hydrogen tinh khiết.

Chuyển dịch sang “xanh”

Trong cuộc chạy đua xây dựng các nguồn lực nhiên liệu hóa thạch, nhiều người vận động hành lang, hãng phân tích và các tổ chức phi chính phủ lo ngại rằng uy tín của EU – khu vực phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc – với tư cách một tiên phong trong giải quyết vấn đề khí hậu, sẽ bị suy giảm.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP27 tổ chức tại Sharm-el-Sheikh, Ai Cập, kéo dài 8 tuần, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ một lần nữa tranh luận về câu hỏi hóc búa rằng các nước giàu sẽ hỗ trợ các nước đang phát triển như thế nào trong quá trình chuyển dịch.

Lời cam kết đưa ra năm 2009, trong đó các nước giàu sẽ huy động 100 tỉ USD mỗi năm để hỗ trợ các nước dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu trong khoảng 2020-2025 vẫn chưa được thực hiện. Trong khi cuộc chiến ở Ukraine đã làm phức tạp thêm tình hình ở châu Âu, vốn đặt ra nhiều tham vọng để trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu về vấn đề biến đổi khí hậu.

Kể từ khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine, EU đã chi thêm nhiều tiền viện trợ để hỗ trợ ngành công nghiệp năng lượng và các công ty trong lĩnh vực này – khoảng 27 tỉ euro, theo dữ liệu của Financial Times – thậm chí nhiều hơn là nguồn vốn họ rót cho các nước nghèo trong cả năm 2020.

Tình trạng đó cũng chưa được cải thiện trong tuần này. Chỉ có 2 nhà lãnh đạo của châu Âu tham dự hội nghị thượng đỉnh bàn về tài chính giải quyết vấn đề khí hậu ở Rotterdam, trong khi có 7 nhà lãnh đạo châu Phi tham dự.

Tháp làm mát tại một nhà máy điện chạy bằng khí đốt ở Đức (Ảnh: AP)

Tháp làm mát tại một nhà máy điện chạy bằng khí đốt ở Đức (Ảnh: AP)

Klaus Röhrig, điều phối viên khí hậu và chính sách năng lượng tại Climate Action Network Europe, nói rằng có tin tốt là các mục tiêu khí hậu dài hạn của châu Âu vẫn được duy trì và không bị đe dọa, thế nhưng cuộc chiến ở Ukraine lại đưa ra “những yếu tố có thể làm xói mòn vị thế lãnh đạo của EU về vấn đề khí hậu.”

Ông Röhrig chỉ ra rằng, EU đã nới lỏng nguyên tắc “không gây tổn hại quá nhiều” – tức không đưa ra các khoản đầu tư có thể gây tổn hại tới các mục tiêu môi trường cốt lõi của khối – để cho phép tăng thêm nguồn vốn rót cho các dự án nhiên liệu hóa thạch, theo đề xuất “RePowerEU” được công bố trong tháng 5.

Ông cũng nhấn mạnh rằng, để rót vốn cho chương trình này, Brussels có kế hoạch bán ra lượng giấy phép carbon trị giá 20 tỉ euro, thường là sẽ được mua bởi các công ty có lượng phát thải lớn.

Phòng điều hành của một nhà máy hạt nhân tại Pháp (Ảnh: Reuters)

Phòng điều hành của một nhà máy hạt nhân tại Pháp (Ảnh: Reuters)

Các tổ chức môi trường đặc biệt quan ngại về việc Nghị viện châu Âu cho phép khí đốt và hạt nhân, dưới một số tình trạng căng thẳng nhất định, được xem là năng lượng “xanh” trong cái mà EU gọi là phân loại tài chính – một hệ thống phân loại nhằm điều hướng các khoản đầu tư sang các dự án thân thiện với môi trường.

Biến khủng hoảng thành cơ hội

Tuy nhiên, vẫn còn có hy vọng trong bối cảnh khủng hoảng này.

Mohammed Chahim, một thành viên của Nghị viện châu Âu đến từ Hà Lan có tham gia vào quá trình đàm phán các đề xuất khí hậu của EU, nói rằng cuộc khủng hoảng thúc đẩy các chính phủ châu Âu tăng tốc hướng tới mục tiêu sản xuất năng lượng tái sinh.

Theo ông Chahim mô tả thì đây là hành động “lùi một bước để tiến ba bước.”

Tháng 7 vừa qua, các Bộ trưởng Năng lượng châu Âu đã ký thông qua một thỏa thuận tự nguyện cắt giảm sử dụng khí đốt 15% trong khoảng thời gian từ tháng 10 năm nay tới tháng 3/2023, nhằm nỗ lực hạn chế nhập khẩu thêm khí đốt. Ở Pháp và Tây Ban Nha, nhiều quy định được công bố nhằm hạn chế sử dụng điều hòa nhiệt độ ở công sở, tắt biển hiệu quảng cáo và đèn trong các cửa hàng vào ban đêm.

Một khu bán lẻ được yêu cầu tắt hết điện trong ban đêm ở BArcelona, Tây Ban Nha (Ảnh: Bloomberg)

Một khu bán lẻ được yêu cầu tắt hết điện trong ban đêm ở BArcelona, Tây Ban Nha (Ảnh: Bloomberg)

Từ ngày 1/9, Đức bắt đầu thực thi một lệnh cấm làm ấm các bể bơi bằng năng lượng từ mạng lưới điện và cấm các văn phòng làm việc được làm ấm trên 19 độ C.

Phân tích của Ember cũng cho thấy lượng khí gây hiệu ứng nhà kính đã giảm nhờ những biện pháp giảm sử dụng khí đốt nêu trên. Hồi chuông cảnh tỉnh khiến châu Âu tập trung hơn vào vấn đề an ninh năng lượng trong khối cũng khiến các nước khác, như Ba Lan – trước đây từng phản đối các mục tiêu về khí thải – tuân thủ.

Các nước Đông Âu từng phản đối nhiều phần trong mục tiêu khí hậu của EU khi chúng mới được công bố, giờ đã thông qua các mục tiêu vào năm 2030 mà không có sự phản đối nào, một quan chức cấp cao của EU cho hay. “Điều này cho thấy cuộc khủng hoảng hiện nay đã giúp đỡ chúng tôi xét theo phương diện nào đó.”

Ví dụ, Ba Lan giờ là một trong số các nước có nhiều nỗ lực thúc đẩy sản xuất năng lượng tái sinh, trong đó đã lắp đặt trang trại điện gió ngoài khơi đầu tiên của họ trên biển Baltic.

Ông Sinkevičius, ủy viên của EU, nói rằng nếu các nhà hoạch định chính sách của châu Âu nhìn xa hơn cuộc khủng hoảng hiện tại, họ sẽ nhận thấy rằng họ “không có lựa chọn nào khác ngoài chuyển dịch xanh.”

“Các nhà lãnh đạo EU không thể tự thỏa mãn về biến đổi khí hậu, khi chứng kiến nhiều người dân phải sơ tán khỏi nhà của họ do các trận lũ lụt và cháy rừng,” ông nói.

Theo Financial Times