Nhật muốn đưa Biển Đông vào Tuyên bố chung G7

Bất chấp các cảnh báo từ Bắc Kinh, chính quyền Nhật Bản vẫn giữ nguyên lập trường đưa nguy cơ xung đột gia tăng tại Biển Đông vào Tuyên bố chung của thượng đỉnh lần thứ 42 của khối G7, sẽ diễn ra trong hai ngày 26 và 27/5 tới tại Nhật Bản, Japan Times cho biết.
Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông gây căng thẳng khu vực
Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông gây căng thẳng khu vực

Thủ tướng Shinzo Abe, chủ tọa thượng đỉnh G7, được tổ chức tại thành phố Shima, tỉnh Mia, Nhật Bản, khẳng định khối G7 – bao gồm các cường quốc kinh tế thế giới (Anh, Đức, Pháp, Ý, Mỹ, Canada, Nhật) - đoàn kết trong các vấn đề liên quan đến châu Á. Hiện tại Nhật Bản đang phối hợp với các thành viên khác của nhóm G7 để đưa vấn đề Biển Đông, biển Hoa Đông và các hoạt động gia tăng phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên vào Thông cáo chung của thượng đỉnh.

Vẫn theo nguồn tin này, chính phủ Nhật hy vọng Tuyên bố chung của G7 phản ánh được nỗi lo ngại quốc tế về căng thẳng tại Biển Đông, với việc Trung Quốc gia tăng quân sự hóa tại nhiều khu vực có tranh chấp chủ quyền. Tokyo dự kiến nhấn mạnh đến tầm quan trọng của quyền tự do hàng hải và việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, cảnh cáo các hành động đe dọa hòa bình, ổn định của khu vực, như các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo với quy mô lớn.

Việc Nhật Bản kiên trì khẳng định lập trường nói trên được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc ráo riết bồi lấp, xây đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông. Bắc Kinh cũng liên tục đưa tàu thuyền xâm nhập vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản quản lý.

Trước đó, ngày 29/2, trong một cuộc họp tại Tokyo, trợ lý ngoại trưởng Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu đã tỏ ra rất bực bội vì Tokyo dự tính công khai lên án chính sách của Bắc Kinh tại Biển Đông. Ông Khổng Huyễn Hựu đe dọa, nếu Nhật Bản đưa hồ sơ này ra thảo luận với nhóm G7, việc cải thiện quan hệ hai bên sẽ bị tác hại.

Trong thượng đỉnh năm 2015, được tổ chức tại Đức, tuyên bố chung của G7 cũng đã «cực lực phản đối» việc đe dọa dùng vũ lực, sử dụng vũ lực, hoặc các hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng tại Biển Đông. Mặc dù, không bị chỉ tên đích danh, nhưng vào thời điểm đó, Trung Quốc là quốc gia duy nhất đang có các hoạt động bồi đắp trên quy mô lớn nhiều đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa.