“14 anh em chúng tôi lên đường cùng đội tuyển Việt Nam, khi về chỉ còn 13 người…”. Hoàng Phạm – Phóng viên BongdaTV chia sẻ. Được biết 23 ngày tác nghiệp tại Dubai (UAE), cánh phóng viên Việt Nam phải 7 lần xét nghiệm, phải âm tính mới được vào sân.
Nhật ký Dubai
Nhật ký của nhà báo Trần Phúc Nghĩa ghi: “Sáng nay lại sốt, mệt và đau đầu. Nhiều loại thuốc lắm, bác sĩ kê và chỉ dẫn thế nào thì uống theo thôi…”. Khác với Việt Nam, ở UAE nếu lỡ dính Covid-19 thì ở một mình cách ly tự uống thuốc. Tôi với chứng viêm mũi dị ứng nên khó thở, ho nhiều và phải thở ô-xy, rồi 2 ngày sau khi xét nghiệm có kết quả dương tính thì nhập viện điều trị”.
“Ngày 9.6, tôi có dấu hiệu mệt. Ngày 10.6, đội tuyển có buổi tập làm quen sân Al Maktoum để chuẩn bị cho trận gặp Malaysia, trước đó là họp báo. Hôm đó, tôi thấy lạnh, tôi không biết mình bị Covid-19 vì như tất cả, liên tục xét nghiệm nên chỉ nghĩ trong phòng họp báo bật máy lạnh thấp”.
Đoàn phóng viên thể thao Việt Nam tại Dubai. Ảnh FBNV. |
“Tôi đã gục đi trong lúc buổi họp báo trước trận Malaysia đang diễn ra. Đi làm về, ngủ một giấc, thấy người đỡ một chút lại lao vào cày, lăn ra ngủ không biết trời đất gì và hôm sau đi xét nghiệp PCR, buổi chiều nhận kết quả dương tính. Báo cho phụ trách đoàn và anh em phóng viên, anh bạn đồng nghiệp phải chuyển phòng khách sạn, và rồi tôi bắt đầu sốt cao, yếu đi và gần như không làm được gì nữa”.
“Tối 11.5, đội tuyển Việt Nam đánh bại Malaysia, tôi nằm trong phòng xem qua tivi, vẫn mừng vui vì chiến thắng và tấm vé trong tay của chúng ta. Nhưng rồi 3 ngày tiếp theo, tôi không gượng dậy làm gì được ngoài việc nằm, thở”.
“Thật may, trong lúc tất cả đều lao theo guồng quay công việc và không ai dám tiếp xúc với tôi thì một cặp vợ chồng Việt kiều ở cạnh, như những ân nhân. Anh là một cổ động viên cuồng nhiệt của đội tuyển Việt Nam, vẫn hay chơi bóng khi còn ở nhà. Anh giúp tôi đi bệnh viện và chăm sóc tôi cho đến tận bây giờ, khi mà đội tuyển đã hoàn thành chiến dịch, cả đoàn phóng viên cũng đã về hết. Ăn uống, sinh hoạt, vợ chồng anh lo cho hết và khi ra viện kiếm một chỗ tạm trú rồi tìm vé để bay về. Ở những tình huống và hoàn cảnh đặc biệt, thật tự hào và may mắn, tôi hiểu, thấm và ý thức nhất giá trị của tình cảm đồng hương, quê hương cũng như tấm lòng của người Việt xa xứ…”.
Tác nghiệp. Ảnh FBNV. |
“Trong suốt những ngày qua, tôi không hề sợ hãi con virus này. Điều tôi buồn, lo lắng nhất là có một số người không hiểu đã trách mắng, chỉ trích và cả coi tôi như tội đồ. Nó khiến cho mẹ, vợ tôi không ăn, không ngủ nổi. Bà xã đã mất sữa trong giai đoạn con nhỏ đang cần bú mẹ. Và tôi cảm thấy ân hận, vì dính virus nên mình không thể hoàn thành công việc, trách nhiệm của người đi làm với cơ quan, các đơn vị đối tác đã tin tưởng. Đó là nỗi buồn lớn nhất, bên cạnh…”
Phóng viên ảnh Trần Phúc Nghĩa cho biết: “Theo quy định, mỗi trận đấu chỉ có 10 phóng viên ảnh cho cả “Vietnam Team” và đội bạn. Vì thế, 8 phóng viên ảnh chúng tôi phải bốc thăm để chọn ra 5 người vào sân. Việc di chuyển đến các địa điểm khác ngoài sân tập, sân thi đấu được AFC khuyến cáo không nên. Và bởi 3 trận đấu của Việt Nam diễn ra trong thời điểm dịch bệnh, phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định nên phóng viên đi làm gặp đủ các “rào chắn”, không thể tham dự, tìm hiểu bên lề các sự kiện”.
Lâu nay, các nhà báo vẫn lâm vào cảnh “trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã quen”, anh chia sẻ: “Đặc thù nghề nghiệp, tôi cũng như các phóng viên sang Dubai chịu áp lực lớn từ toà soạn về việc gửi thông tin, hình ảnh, video. Điều cay đắng của nghề này, nhiều sản phẩm vừa lên mặt báo thì các “trang lậu” từ website, YouTube, Facebook, TikTok… đã tràn lan “ăn cắp”. Những bức ảnh, video của phóng viên tác nghiệp bị người ngồi nhà bị xào nấu, cắt ghép tinh vi và thậm chí cả những người nổi tiếng, KOLs cũng “đạo” để “bú fame” khi tuyển Việt Nam với chiến thắng thành chủ đề quá hot”.
Xét nghiệp Covid-19 tại Dubai. Ảnh FBNV. |
Điều này khiến cho tờ báo, trang tin và các kênh chính thống của các phóng viên tác nghiệp tại Dubai giảm lượt view đáng kể. Chưa kể, nạn “fake news” đã khiến cho bạn đọc loạn về thông tin đội hình, tình trạng chấn thương của các cầu thủ, tòa soạn ở nhà chả biết đầu mà lần, không hiểu phóng viên tác nghiệp hiện trường làm ăn như thế nào trên đất UAE.
Niềm tự hào
Đội tuyển Việt Nam là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với UAE nên chủ nhà gây khá nhiều khó khăn cho cánh nhà báo. Ở Dubai chặn tính năng gọi FaceTime trên các ứng dụng lớn như Facebook, Zalo hay Viber, nếu làm livestream sóng rất chập chờn kể cả dùng mạng 5G. Ngoài đối diện với dịch bệnh, nắng nóng thì các nhà báo còn phải đối phó với đủ loại cò taxi, khách sạn.
UAE có 2 hình thức di chuyển, bắt taxi truyền thống, hai là tải ứng dụng Uber và một ứng dụng giống Grab. Để chạy đua thời gian, nên cánh nhà báo Việt Nam thường chọn bắt taxi truyền thống và họ có rất nhiều hình thức để moi tiền, từ việc cố tình sai đường, không có tiền lẻ trả lại và xin xỏ.
Xin chúc cho phóng viên Trần Phúc Nghĩa sớm bình phục để về nước với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Ảnh FBNV. |
Các nhà báo thể thao Việt Nam khi book khách sạn, đều sử dụng các app nổi tiếng có giá rất rõ, để ý kỹ phụ phí. Nhưng khi thanh toán phòng vẫn phải tức tối móc ví trả thêm tiền phụ phí (khoảng 7 triệu đồng) mà không ghi trong hóa đơn.
Rốt cuộc, đội tuyển Việt Nam của chúng ta đã có mặt ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Chiến thắng này thuộc về thầy Park, về BHL và các cầu thủ đội tuyển nhưng chúng ta không thể quên sự vất vả, nguy hiểm của các phóng viên Việt Nam đã vượt qua tất cả khó khăn trở ngại để chúng ta có những hình ảnh đẹp, bài viết hay về đội tuyển. Xin chúc cho phóng viên Trần Phúc Nghĩa sớm bình phục để về nước với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu