Các tàu Trung Quốc và Nhật Bản quần nhau trên vùng biển quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hôm 30/8 (Ảnh: @li_xin). |
Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 12/9, truyền thông Nhật Bản gần đây đưa tin, vào cuối tháng trước tàu đánh cá của nước này khi đánh bắt trong vùng biển gần quần đảo Senkaku đã bị tàu Hải cảnh Trung Quốc bám theo. Cảnh sát biển Nhật Bản đã cử tàu đến hiện trường. Tuy nhiên, các cơ quan truyền thông Trung Quốc lại nói đây là vụ các tàu công vụ Trung Quốc ngăn chặn “các phần tử cực hữu Nhật Bản ngày hôm đó đã định đột nhập và đổ bộ lên đảo”, mô tả “đây là một hoạt động khiêu khích chống Trung Quốc” và trong quá trình các tàu hai bên quần nhau, tàu Hải cảnh Trung Quốc đã va đập với một tàu tuần tra của Nhật Bản.
Truyền thông Nhật Bản Yaeyama Daily News đưa tin 5 tàu đánh cá của Hợp tác xã ngư nghiệp Yaeyama trên đảo Ishigaki là "Sakura Maru 1", "Emi Maru", "Rie Maru", "Dainari Maru 8" và "Zenkou Maru 2" vào ngày 30/8 đã khởi hành từ đảo Ishigaki để đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đánh bắt. Dọc đường đoàn tàu cá của Nhật đã bị 4 tàu Hải cảnh của Trung Quốc bám đuôi và chặn đường, trên đường đi còn xuất hiện 3 tàu khác khác, bị nghi là chuẩn bị yểm trợ. Sau khi nhận được báo cáo, lực lượng cảnh sát biển Nhật Bản cũng đã điều các tàu tuần tra đến hiện trường để đối đầu với các tàu Trung Quốc.
Tàu công vụ hai bên đâm va nhau (Ảnh: TBQP). |
Tờ Thời báo Quốc phòng của Trung Quốc ngày 10/9 đã đăng một bài báo phản ánh về vụ việc. Báo này viết, thực thi nhiệm vụ ngăn chặn lần này là Biên đội Hải Cảnh 2302 gồm các tàu mang số hiệu 2302, 2103, 2402 và 1301. Khi các tàu Hải cảnh Trung Quốc tiến hành xua đuổi các tàu đánh cá Nhật Bản, Cảnh sát biển Nhật Bản đã cử ít nhất 12 tàu tuần tra tiếp cận các tàu Hải Cảnh Trung Quốc.
Trong lúc đối đầu nhau, một tàu Hải Cảnh Trung Quốc đã “đâm va trực tiếp” một tàu tuần tra của Nhật Bản. Theo Đông Phương, truyền thông Nhật Bản mô tả đây là một "sự cố quệt đuôi", và một tàu đánh cá Nhật đã bị đâm va. Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã đưa tin và cung cấp các hình ảnh về vụ việc, nói chiếc tàu liên quan của Nhật bị đâm có trang bị hạm pháo, đồng thời nhấn mạnh sẽ “kiên quyết ủng hộ các chủ trương vấn đề lãnh thổ của Trung Quốc, nếu phía Nhật Bản phớt lờ các cảnh báo, Trung Quốc đương nhiên sẽ giáng trả mạnh mẽ”. Truyền thông Trung Quốc thậm chí còn cao giọng đe dọa: “Lần này chỉ là đâm va tàu Nhật, lần sau sẽ không chỉ đơn giản như thế”.
Theo hãng thông tấn Đài Loan CNA ngày 11/9, tờ Yaeyama Daily News của Nhật Bản đưa tin, chính phủ Trung Quốc thường cho 4 tàu Hải Cảnh hoạt động ở vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku( Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) dưới danh nghĩa "tuần tra lãnh hải", nhưng ngày 30/8, họ đã điều động tới 7 chiếc đến khu vực này.
Ban đầu, phía sau 5 tàu đánh cá Nhật Bản, có 2 tàu Hải Cảnh Trung Quốc bám đuôi theo dõi, sau đó có thêm hai tàu nữa, tổng cộng 4 tàu Hải Cảnh Trung Quốc bám theo 5 tàu cá Nhật Bản. Tại vùng biển lân cận, cũng đã phát hiện 3 tàu khác, dường như chuẩn bị hỗ trợ.
Yaeyama Daily News cho biết, theo lời khai của các ngư dân mà Cảnh sát biển Nhật Bản ghi nhận, mỗi khi tàu đánh cá Nhật Bản xuất hiện ở vùng biển gần đảo Senkaku, Trung Quốc đều cử tàu Hải Cảnh tiến hành giám sát với mức “hai đối một”; việc này đã diễn ra thường xuyên.
Tàu Hải Cảnh Trung Quốc đâm tàu tuần duyên Nhật (Ảnh: Toutiao). |
Báo này cho biết lần này 5 tàu đánh cá Nhật Bản tới hoạt động ở vùng biển quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, là lần có số lượng lớn nhất kể từ khi Nhật "quốc hữu hóa quần đảo Senkaku" vào năm 2012. Tuy nhiên, Trung Quốc có lẽ dự đoán trước vị trí và số lượng tàu đánh cá của Nhật Bản và cử thêm tàu Hải Cảnh tới để thể hiện khả năng ứng phó của họ.
Yaeyama Daily News cho biết, theo cơ quan Cảnh sát biển Nhật Bản, tính đến cuối năm 2020, Nhật Bản có 69 tàu tuần tra lượng choán nước từ 1.000 tấn trở lên hoạt động trên biển, trong khi lực lượng Hải Cảnh Trung Quốc có tới 131 tàu, vượt trội phía Nhật Bản về số lượng.
Về nguy cơ xung đột giữa Trung Quốc và Nhật Bản, nhà kinh tế Mỹ từng đoạt giải Nobel Milton Ezrati mới đây đã viết bài cho rằng Trung Quốc gần đây thường xuyên thách thức lực lượng tuần duyên và các tàu hải quân Nhật Bản trong vùng biển tranh chấp và hoạt động quanh các đảo có tranh chấp với Nhật Bản. Đó là vì phía Trung Quốc nhận thấy rằng Nhật Bản không chỉ nói suông trong vấn đề đối kháng Trung Quốc, mà đang từng bước triển khai các hành động. Đây là một sự thay đổi đáng kể so với trước đây, đồng thời nó cũng sẽ gây ra những thay đổi trong phong cách ngoại giao và quân sự trước đây của Nhật Bản ở khu vực châu Á.