Nhật Bản sẽ chế tạo tàu ngầm mới, sắp xếp lại trung đoàn không quân sau 51 năm

VietTimes -- Nhật Bản sẽ chế tạo tàu ngầm kiểu mới trước cuối năm tài khóa 2021 tạo bước nhảy về chất, ngoài ra sẽ nâng cấp trung đoàn không quân tây nam lên quân đoàn.
Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (ảnh tư liệu)
Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (ảnh tư liệu)

Tờ Tin tức bình luận Trung Quốc của Hồng Kông ngày 21/8 dẫn tờ Sankei Shimbun Nhật Bản cho hay để bảo vệ đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư), Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ chế tạo tàu ngầm mới, trở thành “tàu ngầm kế tiếp” của tàu ngầm tiên tiến nhất lớp Soryu hiện nay của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.

Hãng tin CNA Đài Loan cho hay trong phương án ngân sách năm tài khóa 2017 Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã dự chi khoảng 76 tỷ yên để chế tạo 1 chiếc tàu ngầm kiểu mới, dự tính chế tạo trước cuối năm tài khóa 2021.

Ngoài ra, liên quan đến thiết lập Bộ Tư lệnh ở căn cứ Naha, Okinawa, do lực lượng máy bay chiến đấu tăng lên gấp đôi, trung đoàn không quân tây nam của Lực lượng Phòng vệ Trên không phụ trách phòng không Okinawa sẽ được nâng cấp thành Quân đoàn không quân tây nam (phương diện đội).

Tàu ngầm thông thường AIP Hakuryu lớp Soryu của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đến căn cứ Kuttabul ở Sydney, Australia ngày 15/42016. Ảnh: Newsusauk.com
Tàu ngầm thông thường AIP Hakuryu lớp Soryu của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đến căn cứ Kuttabul ở Sydney, Australia ngày 15/42016. Ảnh: Newsusauk.com

Do Trung Quốc tăng cường "đe dọa và khiêu khích" ở vùng biển và vùng trời đảo Senkaku, các động thái này của Bộ Quốc phòng Nhật Bản có mục đích là tăng cường khả năng ngăn chặn và khả năng ứng phó đối với Trung Quốc.

Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản hiện nay chỉ có tàu ngầm động cơ dầu diesel thông thường. Hệ thống đẩy không lệ thuộc vào không khí (AIP) của tàu ngầm lớp Soryu có thể hoạt động lâu dài ở dưới mặt biển, được cho là tàu ngầm động cơ truyền thống có trình độ tiên tiến nhất thế giới.

Tàu ngầm kiểu mới mà Lực lượng Phòng vệ Biển muốn chế tạo có đặc điểm là có thể tăng cường khả năng thiết bị định vị thủy âm để trinh sát vị trí và loại tàu ngầm hoặc tàu chiến mặt nước đối phương, đồng thời có khả năng chạy êm tương đối mạnh, không dễ bị đối phương phát hiện.

Máy bay chiến đấu F-15 Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản (ảnh tư liệu)
Máy bay chiến đấu F-15 Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản (ảnh tư liệu)

Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản kéo dài thời gian hoạt động của tàu ngầm, làm cho số lượng tàu ngầm từ 16 chiếc dần dần tăng lên tới 22 chiếc, nhưng mua sắm tàu ngầm kiểu mới là để tăng cường về "chất". Trung Quốc hiện sở hữu khoảng 60 tàu ngầm, tính năng cũng đang được tăng cường nhanh chóng.

Tháng 1/2016, trung đoàn không quân tây nam Nhật Bản đã tăng lên 2 phi đội, máy bay chiến đấu F-15 đã tăng gấp đôi, lên khoảng 40 chiếc, là trung đoàn không quân số 9 được tổ chức sắp xếp lại sau 51 năm.