Nhật Bản: Người tự tử nhiều hơn người chết do COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes –  Là một nước cũng chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng số người chết do dịch bệnh này ở Nhật Bản lại ít hơn so với số người tự tìm đến cái chết vì tuyệt vọng.

Tỷ lệ tự tử ở Nhật Bản tăng đột biến trong bối cảnh dịch COVID-19, đặc biệt là ở nữ giới (Ảnh: Financial Express)
Tỷ lệ tự tử ở Nhật Bản tăng đột biến trong bối cảnh dịch COVID-19, đặc biệt là ở nữ giới (Ảnh: Financial Express)

Eriko Kobayashi đã cố tự tử tới 4 lần. Lần đầu tiên là khi cô mới 22 tuổi, đã có công việc toàn thời gian nhưng không đủ để chi trả các hóa đơn đắt đỏ ở Tokyo. Giờ đã ở tuổi 42, Kobayashi tự viết sách về chính vấn đề tâm lý của mình và có công việc ổn định ở một tổ chức phi chính phủ. Nhưng giờ, COVID-19 một lần nữa khiến cô trở nên cực kỳ căng thẳng.

“Lương của tôi bị cắt và tôi không thấy ánh sáng nào cuối đường hầm” – cô nói – “Tôi luôn cảm thấy cảm giác khủng hoảng có thể khiến tôi trở về tình trạng nghèo khổ”.

Eriko Kobayashi nói cô từng tự sát 4 lần vì stress, và giờ COVID-19 lại khiến cô stress trở lại (Ảnh: CNN)

Eriko Kobayashi nói cô từng tự sát 4 lần vì stress, và giờ COVID-19 lại khiến cô stress trở lại (Ảnh: CNN)

Giới chuyên gia từ lâu đã cảnh báo rằng đại dịch COVID-19 có thể gây ra cơn khủng hoảng tâm lý. Tình trạng thất nghiệp, cô lập xã hội và sự lo âu đang ảnh hưởng tới người dân trên toàn thế giới.

Ở Nhật Bản, dữ liệu thống kê của chính phủ cho thấy các vụ tự sát trong tháng 10 vừa qua cướp đi sinh mạng của nhiều người hơn là COVID-19 tính từ đầu dịch đến nay. Số người tự sát ở Nhật trong tháng 10 lên tới 2.153, trong khi tính đến cuối tuần trước, số người chết do COVID-19 là 2.087.

“Chúng tôi không có lệnh phong tỏa, và ảnh hưởng của COVID-19 ở đây ít hơn nếu so với nhiều nước khác…nhưng chúng tôi vẫn chứng kiến số lượng các vụ tự tử gia tăng” – Michiko Ueda, Giáo sư tại ĐH Waseda ở Tokyo, nói – “Điều này cho thấy các nước khác cũng có khả năng chứng kiến số lượng các vụ tự tử tăng trong tương lai”.

Nhật Bản vốn là một trong số những quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhất thế giới; theo Tổ chức Y tế Thế giới. Năm 2016, nước này ghi nhận tỷ lệ tự tử là 18,5 trên 100.000 người, chỉ đứng sau Hàn Quốc. Nguyên nhân tự tử ở Nhật Bản rất phức tạp: Làm việc nhiều giờ, áp lực trong trường học, bị cô lập trong xã hội và vấn đề tâm lý khác…

Trong 10 năm trước 2019, số vụ tự tử đã giảm ở Nhật Bản, xuống còn khoảng 20.000 trong năm ngoái – mức thấp nhất kể từ khi nước này bắt đầu ghi chép dữ liệu tự tử vào năm 1978. Nhưng rồi đại dịch COVID-19 dường như đảo ngược xu hướng đó, và tỷ lệ tự tử cao ảnh hưởng tới phụ nữ.

Mặc dù số phụ nữ tự tử không nhiều như ở đàn ông, nhưng nó cũng tăng cao. Tháng 10 năm nay, số vụ phụ nữ tự tử ở Nhật Bản tăng gần 83% so với cùng thời điểm năm ngoái. Trong khi số vụ đàn ông tự tử chỉ tăng 22% so với cùng kỳ.

Có nhiều lý do để lý giải hiện tượng này. Phụ nữ thường chiếm phần lớn trong các công việc bán thời gian như làm việc trong khách sạn, dịch vụ ăn uống và bán lẻ - những công việc bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19.

Trong một nghiên cứu gồm hơn 10.000 người tham gia, được thực hiện bởi tổ chức cứu trợ quốc tế phi lợi nhuận CARE, 27% phụ nữ phải đối mặt thêm nhiều thách thức về mặt tâm lý trong bối cảnh đại dịch COVID-19, trong khi ở đàn ông là 10%. Thêm phần khó khăn cho họ là vấn đề thu nhập, việc chăm sóc con cái khi trường học của chúng đóng cửa.

Tháng 3 năm nay, Koki Ozora, sinh viên 21 tuổi, đã thiết lập một đường dây nóng có tên Anata no Ibasho (Một nơi dành cho bạn). Anh nói rằng đường dây nóng này nhận được hơn 200 cuộc gọi mỗi ngày, và phần lớn là phụ nữ. “Họ mất việc, cần tiền nuôi dưỡng con nhỏ, nhưng không có tiền. Bởi vậy họ tìm đến cái chết”; Ozora nói.

Koki Ozora cho hay đường dây nóng trợ giúp của anh có tới 600 tình nguyện viên, nhưng không đủ tiếp nhận hết cuộc gọi của những người gặp vấn đề tâm lý (Ảnh: CNN)

Koki Ozora cho hay đường dây nóng trợ giúp của anh có tới 600 tình nguyện viên, nhưng không đủ tiếp nhận hết cuộc gọi của những người gặp vấn đề tâm lý (Ảnh: CNN)

Phần lớn các cuộc gọi đến vào ban đêm – từ 10h00 tối đến 4h00 sáng. Mặc dù có hơn 600 tình nguyện viên luôn túc trực ngày đêm, nhưng đường dây nóng này vẫn không đủ để nhận hết số lượng cuộc gọi và tin nhắn khổng lồ. Trong tháng 4, Ozora nói rằng phần lớn các cuộc gọi đến từ những người phụ nữ bị mất việc và gặp khó khăn về tài chính.

Ở Nhật Bản, có một vấn đề tồn tại từ lâu là người dân rất ngại thừa nhận rằng họ cô đơn và đang gặp khó khăn. Ozora nói rằng phụ nữ hay các bậc cha mẹ thường bắt đầu cuộc gọi tới đường dây nóng của anh với câu nói: “Tôi biết thật tồi tệ khi yêu cầu giúp đỡ, nhưng tôi có thể nói chuyện không?”.

Người Nhật dường như chưa bỏ được sự xấu hổ của mình khi thể hiện sự tuyệt vọng của bản thân. Akari, một bà mẹ đang nuôi con, cũng nói nhất trí về điều này. Cô kể rằng cô từng sống ở Mỹ, nơi mà người ta không ngần ngại đề nghị hỗ trợ. “Khi tôi sống ở Mỹ, tôi biết nhiều người đã trải qua quá trình trị liệu tâm lý, và điều đó rất bình thường. Nhưng ở Nhật lại khác”; cô nói.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính những năm 1990, tỷ lệ tự tử ở Nhật Bản đã tăng lên mức cao kỷ lục vào năm 2003, thời điểm có tới 34.000 người tự tử. Giới chuyên gia nói rằng sự hổ thẹn và lo lắng do mất việc, phần lớn là đàn ông, đóng góp cho tỷ lệ cao này. Đầu những năm 2000, chính phủ Nhật Bản đã tăng đầu tư cùng các nỗ lực giảm tỷ lệ tự tử.

Nhưng Ozora và Kobayashi nói rằng các biện pháp đó là chưa đủ: Muốn giảm tỷ lệ tự tử thì cần phải thay đổi xã hội Nhật Bản.

“Ở Nhật, rất hổ thẹn khi để người khác biết điểm yếu của bạn, bởi vậy bạn che giấu mọi thứ, giữ nó trong lòng và chịu đựng” – Kobayashi nói – “Chúng ta cần tạo nên một thứ văn hóa chấp nhận người khác thể hiện yếu điểm và sự lo lắng của họ”.

Theo CNN