Tên lửa Harpoon (Ảnh: Hải quân Mỹ). |
Trong một bài đăng trên Facebook hôm 28/5, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Alexey Reznikov cảm ơn "một số" quốc gia vì đã bổ sung cho kho vũ khí của Ukraine pháo 155 mm, đồng thời ca ngợi Mỹ về lô lựu pháo M777 gần đây và hơn 100 máy bay không người lái các loại.
"Tôi cũng muốn thông báo rằng, khả năng phòng thủ bờ biển của Ukraine sẽ không chỉ được tăng cường bởi các tên lửa Harpoon, mà chúng còn được các binh sĩ Ukraine đã qua huấn luyện sử dụng", ông Reznikov cho biết thêm, đồng thời tuyên bố Kiev "sẽ giành chiến thắng" trong cuộc xung đột với Nga.
Sau cuộc họp trực tuyến với các đồng minh của Mỹ hôm 23/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thông báo Đan Mạch sẽ gửi một số tên lửa Harpoon tới Ukraine.
"Tôi tin tưởng rằng sự kết hợp của bộ đôi tên lửa Harpoon và Neptune sẽ giúp chúng tôi giải phóng và làm cho Biển Đen an toàn trở lại, cũng như bảo vệ Odessa một cách đáng tin cậy", ông Reznikov tuyên bố.
Neptune là tên lửa hành trình do Ukraine sản xuất. Kiev tuyên bố đã sử dụng tên lửa này để tấn công một tàu chiến Nga hồi tháng 4, tuy nhiên Moscow chưa xác nhận thông tin này.
Harpoon là tên lửa chống hạm hiện đại do tập đoàn hàng không vũ trụ Boeing chế tạo. Với khả năng hoạt động trong mọi thời tiết và được dẫn đường bằng cả hệ thống định vị toàn cầu và ảnh hồng ngoại, đây được cho là một trong số tên lửa chống hạm hiệu quả và uy lực nhất trong biên chế Hải quân Mỹ.
Tên lửa Harpoon được kỳ vọng sẽ tăng đáng kể khả năng tấn công của quân đội Ukraine và giúp nước này giành lại quyền kiểm soát Biển Đen. Việc chuyển giao tên lửa Harpoon được xem là một phần trong nỗ lực của Mỹ và đồng minh nhằm hỗ trợ Ukraine trong bối cảnh các cảng ở Biển Đen bị Nga phong tỏa chặt từ nhiều ngày qua.
Bộ trưởng Reznikov không phải là quan chức đầu tiên của Ukraine đưa ra những tuyên bố cứng rắn về việc giành lại Biển Đen, vùng biển gần như nằm dưới sự kiểm soát của Hải quân Nga kể từ khi xung đột bắt đầu nổ ra. Sau khi thông tin về việc chuyển giao tên lửa Harpoon của Đan Mạch được công bố, Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Anton Gerashchenko đã thông báo trên Twitter rằng, Mỹ đang "chuẩn bị kế hoạch phá hủy Hạm đội Biển Đen" của Nga. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc ngay lập tức phủ nhận thông tin này.
Trước đó, nỗ lực của Ukraine nhằm giành lại Đảo Rắn trên Biển Đen đã thất bại. Nga cho biết cuộc tấn công vào hòn đảo diễn ra hồi đầu tháng này đã khiến Ukraine thiệt hại 30 máy bay không người lái, 14 máy bay quân sự và 3 tàu chiến.
Ukraine cáo buộc Nga phong tỏa thành phố cảng quan trọng Odessa, ngăn các chuyến hàng lương thực ra vào Ukraine. Trong khi đó, Moscow cho rằng các vấn đề hậu cần xuất phát từ việc Ukraine đặt mìn ở Biển Đen, mặc dù Bộ Quốc phòng Nga hôm 25/5 tuyên bố nước này đã dọn sạch một phần mìn trên Biển Azov và mở một làn riêng cho tàu thuyền dân sự.
Khi xung đột Nga - Ukraine bước vào giai đoạn có ý nghĩa quyết định, nguồn tiếp tế vũ khí từ phương Tây cho Ukraine đang trở thành mối quan tâm chính của cả Kiev và Moscow. Nga tăng cường không kích vào các tuyến đường tiếp tế quan trọng vận chuyển hàng tỷ USD vũ khí của phương Tây vào Ukraine.
Theo Dantri.com.vn