Thị trường chứng khoán Việt Nam khởi đầu phiên giao dịch ngày 28/11 với tâm lý thận trọng. Chỉ số VN-Index có thời điểm điều chỉnh về vùng giá quanh 1.075 điểm, sau đó hồi phục trở lại nhờ ảnh hưởng tích cực của các nhóm ngành thép, ngân hàng và chứng khoán.
Kết phiên giao dịch ngày 28/11, VN-Index đóng cửa ở mức 1.095,43 điểm, tăng 7,37 điểm (0,68%) so với mức tham chiếu. Thanh khoản giao dịch trên sàn HOSE tăng 19% so với phiên trước, đạt mức 14.060 tỉ đồng.
Nhà đầu tư nước ngoài có phiên giao dịch thứ 3 liên tiếp mua ròng trên HOSE, với giá trị mua ròng đạt 48 tỉ đồng.
Theo CTCP Chứng khoán Vietcap (Vietcap), trong phiên giao dịch ngày 29/11, VN-Index sẽ có những nỗ lực tăng điểm để kiểm định vùng kháng cự ngắn hạn tại 1.100-1.105 điểm.
“Nếu lực mua ở vùng giá cao không có sự cải thiện, nhiều khả năng chỉ số sẽ thoái lui, thậm chí giảm về phía cuối ngày”, Vietcap dự báo.
Trong khi đó, CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (Mã CK: SHS) cho rằng, với nỗ lực phục hồi cuối phiên 28/11, VN-Index có thể vượt qua ngưỡng 1.100 điểm trong các phiên tới và phát tín hiệu cho nhịp phục hồi tiếp theo.
Tuy vậy, về trung hạn, công ty chứng khoán này đánh giá, thị trường vẫn duy trì ở mức trung tính, đang trong giai đoạn tìm kiếm vùng cân bằng mới và tích lũy trở lại sau đợt giảm sâu.
Theo SHS, trong kịch bản tích cực thị trường sẽ hình thành nền tích lũy trong biên độ 1.100-1.150 điểm. Trường hợp tiêu cực hơn, VN-Index khả năng tạo vùng tích lũy trong khu vực 1.000-1.100 điểm.
"Trong ngắn hạn, nhà đầu tư có thể xem xét giải ngân với tỷ trọng thấp vào những mã đang thu hút được dòng tiền nếu VN-Index vượt qua mốc 1.100 điểm với động lực tốt trong các phiên tới, ‘tạm chờ đợi’ trong trường hợp VN-Index không tích cực. Nhà đầu tư trung, dài hạn nên tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại, chờ cơ hội giải ngân thêm khi thị trường tích lũy ổn định trở lại", SHS nhận định.
Cho rằng thị trường chưa có nhiều chuyển biến tích cực nhưng đã có sự phân hóa, theo công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), nhà đầu tư chỉ giao dịch lướt sóng T+ với tỉ lệ từ 20-30% đối với những cổ phiếu đang thu hút lực cầu tốt, kiểm tra thành công vùng hỗ trợ và đã khả dụng trong tài khoản, chẳng hạn như nhóm cổ phiếu thép.
Trong khi đó, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) duy trì quan điểm thận trọng. "Nhà đầu tư cần cảnh giác trước các nguy cơ tiềm ẩn, không nên mua đuổi, tránh rơi vào tình trạng 'quá mua' và tận dụng nhịp hồi phục để cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro", VDSC khuyến nghị./.