Nguyên nhân nào khiến bitcoin tăng giá trị 67% kể từ tháng 9?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Mặc dù các sàn giao dịch tiền mã hoá bị siết chặt quản lý nhưng giá bitcoin vẫn tăng đều đặn trong hầu hết năm 2023 và hiện ở mức khoảng 43.610 USD – tăng giá trị gần 18.000 USD kể từ tháng 9.

Bitcoin đã tăng giá trị gần 18.000 USD kể từ tháng 9 (Ảnh: CNBC)
Bitcoin đã tăng giá trị gần 18.000 USD kể từ tháng 9 (Ảnh: CNBC)

Bitcoin đạt giá trị cao nhất khoảng 68.000 USD vào tháng 11/2021. Nhưng đến tháng 11/2022, giá bitcoin đã giảm hơn 75% sau sự sụp đổ của FTX, sàn giao dịch tiền mã hoá lớn nhất vào thời điểm đó. Và bây giờ, bitcoin lại tiếp tục tăng giá.

Các loại tiền mã hoá phổ biến khác cũng đi theo quỹ đạo tương tự, tạo nên bước ngoặt đáng chú ý cho một ngành công nghiệp đang bị ảnh hưởng bởi hàng loạt vụ bê bối. Lý do là gì?

ETF tiền mã hoá thúc đẩy nhu cầu

Các nhà đầu tư hiện đang tích cực mua tiền mã hoá do thông tin về sự phê duyệt quỹ hoán đổi (ETF) bitcoin giao ngay đầu tiên của Mỹ, dự kiến ​​​​vào cuối tháng 1.

Trong thời gian chờ đợi quyết định này, nhiều công ty đầu tư đang lên kế hoạch cung cấp ETF, trong đó có BlackRock – một trong những công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới.

ETF là một quỹ đầu tư theo dõi giá của một tài sản hoặc chỉ số cơ bản - trong trường hợp này là bitcoin. Ưu điểm của bitcoin hoặc quỹ ETF tiền mã hoá là cung cấp một cách để các nhà đầu tư hưởng lợi từ biến động giá của bitcoin mà không cần sở hữu trực tiếp đồng tiền mã hoá này.

Theo CoinDesk, nếu được chấp thuận, các quỹ ETF tiền mã hoá dự kiến ​​sẽ được giao dịch trên các sàn giao dịch truyền thống do Uỷ ban Giao dịch và Chứng khoán (SEC) quản lý như Sở giao dịch chứng khoán New York hoặc Nasdaq.

Điều này sẽ mở ra thị trường tiền mã hoá cho nhiều người mua hơn, đặc biệt là những người chưa sử dụng sàn giao dịch tiền mã hoá. Với triển vọng về việc phê duyệt ETF, nhà đầu tư đang đổ xô trở lại thị trường tiền mã hoá, điều này đã thúc đẩy giá Bitcoin tăng cao.

“Điều này thực sự mở ra cánh cửa cho mọi nhu cầu. Và nếu nhu cầu tăng, giá cũng tăng”, Douglas Boneparth, chủ tịch Bone Fide Wealth và là thành viên Hội đồng Cố vấn Tài chính của CNBC, cho biết. Ông Boneparth nắm giữ các khoản đầu tư vào bitcoin và các loại tiền mã hoá khác.

Ngoài ra còn có các yếu tố khác. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phát tín hiệu rằng chu kỳ tăng lãi suất đã kết thúc, một dấu hiệu đáng khích lệ cho nền kinh tế khi lạm phát tiếp tục giảm. Điều này đã khiến cho các tài sản rủi ro như tiền mã hoá trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.

Một yếu tố khác là sự kiện “halving” của bitcoin, dự kiến ​​diễn ra vào tháng 4. Đây là một cơ chế tích hợp liên quan đến khai thác bitcoin trong đó làm giảm nguồn cung của nó một cách định kỳ. Việc giảm nguồn cung bitcoin dự kiến ​​sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu.

Để dễ dàng phân tích, các yếu tố đằng sau sự tăng giá gần đây của bitcoin là “60% là nhờ các ETF bitcoin, 20% là nhờ “halving” và 20% là do điều kiện kinh tế”, ông Boneparth nói.

Tuy nhiên, “hãy lưu ý đến xu hướng tăng giá không ngừng trong vài tháng qua”, Owen Lau, giám đốc điều hành của công ty dịch vụ tài chính Oppenheimer & Co., cho biết. “Người ta đang đặt cược rất nhiều vào những thông tin tốt lành”.

Vẫn là khoản đầu tư rủi ro

Tiền mã hoá được nhiều người coi là một tài sản đầu cơ không lấy được giá trị từ một thực thể. Nó cũng cực kỳ biến động, đôi khi có biến động giá từ 5% đến 10% chỉ trong một ngày. Không có gì đảm bảo rằng nó sẽ giữ lại bất kỳ giá trị nào ở hiện tại.

Vì vậy, các nhà hoạch định tài chính thường khuyên giới đầu tư không nên đầu tư nhiều hơn mức mà họ sẵn sàng chịu lỗ.

“Bitcoin là loại tài sản hoạt động tốt nhất trong 10 năm qua”, Boneparth cho biết. “Nhưng nó vẫn đi kèm với rất nhiều rủi ro”./.

Theo CNBC