Báo cáo mới về tiền mã hoá: Thế giới chỉ còn 6 tỉ phú bitcoin

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Có 22 người nắm giữ số tiền mã hoá trị giá ít nhất 1 tỉ USD. 6 người trong số họ nắm giữ khoản đầu tư vào bitcoin.

Hàng trăm triệu người đã đầu tư vào tiền mã hoá (Ảnh: CNBC)
Hàng trăm triệu người đã đầu tư vào tiền mã hoá (Ảnh: CNBC)

Hàng trăm triệu người trên khắp thế giới sở hữu tiền mã hoá dưới một số hình thức, cho dù là bằng bitcoin hay các loại tiền mã hoá khác.

Chính xác hơn, 425 triệu người sử dụng tiền mã hoá, theo Báo cáo về tài sản tiền mã hoá của Henley & Partners, được công bố hôm 5/9.

Tiền mã hoá có thể không còn bùng nổ như thời kỳ đỉnh cao, nhưng nó vẫn là một khoản đầu tư rất phổ biến. Ví dụ, hơn một nửa Thế hệ Z (trong độ tuổi từ 18 đến 25) đã đầu tư vào tiền mã hoá, theo báo cáo của Viện CFA và Quỹ Giáo dục Nhà đầu tư của Cơ quan Quản lý Công nghiệp Tài chính.

Tuy nhiên, 75% người Mỹ không chắc chắn rằng việc đầu tư, giao dịch hoặc sử dụng tiền mã hoá hiện tại là an toàn, hoặc họ có thể dựa vào các công cụ hiện có để làm như vậy, một cuộc khảo sát của Pew Research cho thấy. 45% những người được khảo sát cũng cho biết khoản đầu tư của họ không hiệu quả như họ nghĩ - và chỉ 15% cho biết nó đã vượt mong đợi.

Trong khi đó, một số người dường như đã đạt được nhiều thành công với tiền mã hoá và hiện nắm giữ số tài sản trị giá hàng triệu, thậm chí hàng tỉ USD, theo Henley & Partners.

Báo cáo của công ty hôm thứ 5/9 tiết lộ rằng có 88.200 người sở hữu tài sản tiền mã hoá trị giá ít nhất 1 triệu USD – chưa đến 1% tổng số người dùng tiền điện tử. Khoảng 40.500 người trong số họ nắm giữ khoản đầu tư vào bitcoin, chỉ chiếm dưới 46% tổng số.

Những người được gọi là “centi-millionaires”,tức những người sở hữu ít nhất 100 triệu USD, thậm chí còn ít hơn. Chỉ có 182 nhà đầu tư như vậy tồn tại, trong đó có 78 nhà đầu tư tập trung vào bitcoin.

Và có 22 người nắm giữ số tiền mã hoá trị giá ít nhất 1 tỉ USD. 6 người trong số họ nắm giữ khoản đầu tư vào bitcoin.

Sự chấp nhận tiền mã hoá trên thế giới

Như một phần trong báo cáo của mình, Henley & Partners cũng đã phát triển Chỉ số chấp nhận tiền mã hoá, trong đó xem xét nhiều yếu tố bao gồm việc áp dụng tiền mã hoá một cách công khai, môi trường pháp lý và cách đánh thuế tiền mã hoá.

Việc áp dụng cơ sở hạ tầng tiền mã hoá, sự đổi mới và các yếu tố kinh tế liên quan đến việc sử dụng tiền mã hoá cũng đã được tính đến.

Chỉ số này được thiết kế để thể hiện “các lựa chọn chương trình di chuyển đầu tư hấp dẫn nhất dành cho các nhà đầu tư tiền mã hoá”, Henley & Partners giải thích trong một tuyên bố được công bố cùng với báo cáo.

Singapore đứng đầu chỉ số tổng thể, tiếp theo là Thụy Sĩ ở vị trí thứ 2 và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) ở vị trí thứ 3, trong khi Mỹ và Anh lần lượt xếp ở vị trí thứ 5 và thứ 7.

Các quốc gia khác trong top 10 bao gồm Australia ở vị trí thứ 6, trong khi Canada, Malta và Malaysia xếp thứ 8, thứ 9 và thứ 10.

Cả Singapore và UAE đều nhận được điểm cao nhất vì có môi trường thuế thân thiện đối với các nhà đầu tư tiền mã hoá. Trong hạng mục này, Mỹ và Vương quốc Anh tụt lại phía sau và rơi khỏi top 10.

Tuy nhiên, sự chấp nhận và quan tâm của công chúng đối với tiền mã hoá ở hai quốc gia này lại rất cao, trong đó Mỹ đứng thứ 3 và Vương quốc Anh đứng thứ 4 trong hạng mục này. UAE và Singapore một lần nữa chiếm vị trí dẫn đầu, lần lượt đứng thứ nhất và thứ 2.

Mỹ và Vương quốc Anh cũng đảm bảo được vị trí hàng đầu trong một số hạng mục. Mỹ dẫn đầu bảng về áp dụng cơ sở hạ tầng – trong đó xem xét mức độ phổ biến của các máy ATM tiền mã hoá, liệu sàn giao dịch tài sản kỹ thuật số có tồn tại hay không và cách các ngân hàng địa phương tích hợp tiền mã hoá hay không – trong khi Vương quốc Anh đứng đầu danh mục công nghệ và đổi mới.

Đầu tư vào tiền mã hoá đã trở nên rất phổ biến trong những năm gần đây, đặc biệt là trong đại dịch Covid-19 khi các ứng dụng giao dịch bán lẻ tăng mạnh.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế và cố vấn đầu tư đã kêu gọi thận trọng vì tiền mã hoá được coi là một tài sản có tính biến động cao, có thể nhanh chóng mất giá trị và nhiều quốc gia vẫn chưa quản lý hoạt động đầu tư và giao dịch tiền mã hoá hoặc các công ty hoạt động trong lĩnh vực này.

Do đó, người dùng và tiền của họ ít được bảo vệ hơn và có thể dễ bị tổn thương trước các cuộc khủng hoảng, như sự sụp đổ của sàn giao dịch tiền điện tử FTX vào năm ngoái./.

Theo CNBC