Nguyên nhân khiến Galaxy Note 7 dễ phát nổ

Samsung đã thu hồi Galaxy Note 7 sau khi nhiều báo cáo cho rằng, sản phẩm này có thể bị quá nóng và thậm chí phát nổ. Samsung đã tiến hành một cuộc điều tra và phát hiện vấn đề nằm ở tế bào pin của thiết bị.
Nguyên nhân Note 7 dễ phát nổ
Nguyên nhân Note 7 dễ phát nổ

Theo Samsung, đã có 35 trường hợp gặp phải sự cố trên tổng số 2,5 triệu điện thoại Galaxy Note 7 đã được sản xuất. Con số này tương đối cao vì thường thì tỷ lệ lỗi pin chỉ ở mức 1 trên hàng chục triệu sản phẩm bán ra.

“Lỗi pin là trường hợp cực kỳ hiếm”, Donal Finegan - một kỹ sư hóa học tại trường Đại học London nhận định. Bất cứ lỗi nào cũng thu hút sự chú ý của giới truyền thông và thực sự có thể ảnh hưởng rất lớn tới danh tiếng của một sản phẩm chỉ vì lỗi pin.

Lỗi pin do đâu?

Cũng giống như nhiều thiết bị sạc pin, điện thoại sử dụng các tế báo pin lithium-ion. Thực tế, pin lithium-ion hiếm khi bị biến dạng hoặc phát nổ.

Theo Finegan, việc Galaxy Note 7 phát nổ rõ ràng là do nhiệt độ trong máy đã tăng quá mức. Điều này có thể do môi trường, chẳng hạn như đặt trong một chiếc ô tô chạy nóng trong nhiệt độ mùa hè, hoặc hoặc quá nhiệt gây ra do một thành phần nào đó trong điện thoại làm pin nóng lên. Việc hâm nóng có thể do chính nội tại nguồn pin gây ra, đó là những gì đằng sau những “vấn đề về tế bào pin” trong Galaxy Note 7.

Một nguyên nhân có thể khiến Galaxy Note 7 phát nổ là do vấn đề của "hệ thống quản lý pin" giám sát dòng điện, hay thường gọi là một con chip bên trong điện thoại để ngừng lại mỗi khi pin được sạc đầy. Nếu hệ thống hoặc chip này bị lỗi, pin có thể rơi vào trạng thái sạc quá nhiều điện.

“Khi đó, pin có thể tiếp tục sạc điện và có thể trở nên không ổn định và cuối cùng phát nổ, mà không cần có tác nhân hâm nóng bên ngoài trợ giúp”, Finegan giải thích.

Điện thoại không có hệ thống làm mát bằng chất lỏng như trong các PC chơi game hoặc xe điện, vì vậy, nhiệt tỏa ra môi trường xung quanh.

Khi pin đạt khoảng 100ºC (200ºF), vật liệu của nó bắt đầu bị phá hủy, gây ra một phản ứng dây chuyền hóa học giải phóng năng lượng. Điều này làm tăng tốc độ nóng lên và dẫn đến một hiệu ứng bủng nổ để thoát nhiệt.

“Hiệu ứng này xảy ra rất nhanh, chỉ trong một giây, toàn bộ tế bào pin sẽ bị phá hủy hoàn toàn”, Finegan nói.

Người dùng cần làm gì để bảo vệ mình?

Việc điện thoại phát nổ khi đang sạc pin không phải là chuyện hiếm trên thị trường. Do đó, để tránh thiết bị quá nhiệt và nóng lên đến mức bốc hỏa thì người dùng nên lưu ý những điểm sau:

- Nên dừng sạc pin smartphone khi thấy điện thoại có dấu hiệu quá nhiệt. Tức là sau khi cắm sạc điện thoại, nếu sờ tay mà thấy vỏ điện thoại nóng lên bất thường, bạn nên rút sạc điện thoại ra ngay, để điện thoại ở vị trí mát mẻ để thoát bớt nhiệt và mát hẳn mới mới sạc trở lại. Ngoài ra, để đảm bảo, bạn không nên dùng vỏ bảo vệ khi sạc để nhiệt trên máy dễ thoát ra ngoài.

- Nên dùng sạc chính hãng: Nhiều trường hợp smartphone phát nổ là do sử dụng sạc pin trôi nổi. Do đó, tốt hơn hết, bạn nên dùng sạc pin chính hãng đi kèm máy để đảm bảo máy nhận đúng dòng điện. Nếu dùng smartphone với cổng USB-C hoặc công nghệ sạc nhanh, tốt nhất nên sử dụng cả cáp có sẵn theo máy.

- Không sạc máy trên giường hoặc qua đêm. Nhiều người dùng có thói quen vừa xem video, đọc tin tức vừa sạc pin hoặc sạc pin qua đêm và để máy trên giường. Điều này sẽ rất nguy hiểm nếu chẳng may máy phát nổ. Đặc biệt, nếu bạn sạc pin và để máy lên đệm, gối sẽ càng dễ phát nổ hơn bởi vì máy khó thoát nhiệt ra ngoài.

Theo Xã hội thông tin