Nguyễn Kim, Big C và toan tính của Central Retail tại Việt Nam

VietTimes – Dứt tình với chuỗi siêu thị điện máy đã hoạt động được gần 1/4 thế kỷ, vị doanh nhân Nguyễn Văn Kim còn mối bận tâm ở nhiều lĩnh vực khác. Còn đối với Central Retail, việc sở hữu Nguyễn Kim và Big C sẽ giúp đại gia bán lẻ Thái Lan nuôi mộng chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.
Chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim (Ảnh minh họa)
Chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim (Ảnh minh họa)

Tờ Nikkei Asian Review mới đây thông tin cho biết, Central Retail Corporation (CRC) đang có kế hoạch tiếp cận tới 90% tỉnh thành tại Việt Nam trong vòng 5 năm tới, mục đích nhằm giảm sự phụ thuộc vào thị trường quê nhà.

Đại gia bán lẻ của Thái Lan dự tính mở rộng ở 55 trong số 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, tăng từ mức 39 hiện tại. Trong đó, CRC dự tính mở thêm 6 cửa hàng GO! Mall và 4 siêu thị Big C trong năm nay.

Tính đến cuối năm 2019, CRC sở hữu 37 cửa hàng, siêu thị Big C và GO! Mall, 25 cửa hàng Lanchi Mart và 70 cửa hàng Nguyễn Kim.

CRC đã rót bao nhiêu tiền để mua đứt Nguyễn Kim?

Trước đó, vào tháng 6/2019, CRC thông qua công ty thành viên đã mua toàn bộ 51% cổ phần còn lại tại CTCP Đầu tư Phát triển Công nghệ và Giải pháp mới NKT (NKT), qua đó sở hữu chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim và một số công ty con khác. CRC cho biết thương vụ trị giá 2.659 tỷ đồng, trong đó 2.246 tỷ đồng tiền mặt và 348 tỷ đồng dưới dạng nợ dài hạn.

CRC bắt đầu rót vốn vào NKT kể từ tháng 1/2015, sở hữu 37,66 triệu cổ phần (chiếm 49% vốn NKT) với giá trị khoảng 3,4 tỷ Baht. Trong năm 2018, CRC còn phải trả thêm khoản tiền trị giá 929 triệu Baht theo một số thỏa thuận trong hợp đồng.

Hiện tại, ông Philippe Jean Broianigo (SN 1960) đang là Tổng Giám đốc của NKT. Trong khi đó, vị trí Chủ tịch HĐQT NKT do ông Sudhitham Chirathivat – thành viên gia tộc Chirathivat giàu thứ 2 tại Thái Lan, sáng lập Central Group – nắm giữ.

Theo tìm hiểu của VietTimes, kể từ khi thâu tóm đến cuối năm 2019, NKT và các công ty con đóng góp tới 8.051 triệu Bath doanh thu và 38 triệu Bath lợi nhuận cho CRC.

Tuy nhiên, với giả định thương vụ thâu tóm diễn ra từ đầu năm 2019, ban lãnh đạo CRC ước tính doanh thu chỉ tăng thêm khoảng 7.032 triệu Baht còn lợi nhuận hợp nhất của tập đoàn này ước giảm tới 161 triệu Baht. Điều này cho thấy hoạt động kinh doanh của NKT nhiều khả năng chưa thực sự hiệu quả.

Năm 2019, thị trường Việt Nam đóng góp tới 37.158 triệu Baht, chiếm 18,19% tổng doanh thu của CRC, đứng ngay sau thị trường Thái Lan.

Sơ đồ sở hữu phần nào lý giải vì sao dù đã mua đứt NKT song CRC mới chỉ ghi nhận tỷ lệ lợi ích tại công ty này là 81,53% (Nguồn: CRC)
Sơ đồ sở hữu phần nào lý giải vì sao dù đã mua đứt NKT song CRC mới chỉ ghi nhận tỷ lệ lợi ích tại công ty này là 81,53% (Nguồn: CRC)

Nguyễn Kim JSC

Bán đứt chuỗi điện máy Nguyễn Kim đã hoạt động được 25 năm, gia đình ông Nguyễn Văn Kim vẫn còn nhiều khoản đầu tư vào các lĩnh vực khác, trong đó phải kể tới vai trò hạt nhân của CTCP Nguyễn Kim, nay là CTCP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim (Nguyễn Kim JSC).

Thành lập từ tháng 3/2007, Nguyễn Kim JSC có vốn điều lệ 800 tỷ đồng, được sáng lập bởi vợ chồng doanh nhân Nguyễn Thị Tuyết Minh – Nguyễn Văn Kim và CTCP Dược phẩm 3/2 (F.T Pharma), CTCP Hoàn Mỹ.

Tới tháng 10/2017, Nguyễn Kim JSC đăng ký tăng mạnh vốn điều lệ lên mức 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến tháng 5/2019, công ty điều chỉnh quy mô vốn điều lệ xuống chỉ còn 3.000 tỷ đồng. Ít tháng sau, ông Nguyễn Văn Kim nhường “ghế” Chủ tịch HĐQT Nguyễn Kim JSC cho ông Nguyễn Minh Nhật (SN 1994). Ông Nhật có cùng địa chỉ thường trú với ông Kim trên đường Võ Văn Tần, Phường 6, Quận 3, Tp. HCM.

Trong lĩnh vực dược phẩm, Nguyễn Kim JSC được biết tới hơn cả với khoản đầu tư vào CTCP Dược Lâm Đồng (Ladophar – Mã CK: LDP). Hiện, Nguyễn Kim JSC đang nắm giữ 51,15% vốn tại LDP.

Bên cạnh đó, Nguyễn Kim JSC còn nắm giữ tới 83,46% vốn của CTCP Giao thông An Giang, 23,35% vốn của CTCP Lương thực thực phẩm Vĩnh Long (VLF); 51,85% vốn của CTCP Xuất Nhập khẩu An Giang (Angimex).

Tuy nhiên, mối quan tâm đáng chú ý nhất của Nguyễn Kim JSC dường như là trong lĩnh vực bất động sản với các dự án khu phức hợp thương mại, văn phòng và nhà ở tại nhiều tỉnh. Các dự án được đẩy mạnh kể từ năm 2015 – thời điểm bán chuỗi điện máy Nguyễn Kim cho đại gia Thái Lan.

Một số dự án nổi bật của Nguyễn Kim JSC là: Dự án Trung tâm thương mại, dịch vụ, giải trí Nguyễn Kim Hải Phòng tại số 104 phố Lương Khánh Thiện; Dự án Trung tâm thương mại dịch vụ giải trí, văn phòng khách sạn Nguyễn Kim tại Huế; Dự án Khu trung tâm Thương mại – Dịch vụ - Giải trí Nguyễn Kim Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk).

Ngày 7/11 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức cuộc họp cho ý kiến về việc chuyển giao Trung tâm phân phối và siêu thị bán lẻ Phú Thái của Công ty CP Tập đoàn Phú Thái cho Công ty Nguyễn Kim JSC để đầu tư trung tâm thương mại.

Được biết, dự án này đã được UBND tỉnh Quảng Ninh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho CTCP Tập đoàn Phú Thái làm chủ đầu tư từ năm 2008.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, Tập đoàn Phú Thái xét thấy không đủ khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp khác trên địa bàn, việc triển khai thực hiện dự án sẽ không đạt hiệu quả. Do đó, phía công ty đã đề xuất UBND tỉnh xem xét chuyển giao dự án và phần tài sản trên đất đã đầu tư lại cho Nguyễn Kim JSC đứng tên, tiếp tục thực hiện dự án.

Quá trình phát triển các dự án bất động sản của Nguyễn Kim JSC không hẳn lúc nào cũng thuận lợi. Đầu năm 2019, ông Võ Thành Thống – Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ đã có văn bản thông nhất việc  thu hồi chủ trương đầu tư dự án Trung tâm Thương mại – Cao ốc văn phòng – Khách sạn và căn hộ cho thuê tại số 66 đường CMT8, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều (Cần Thơ) do Nguyễn Kim JSC làm chủ đầu tư.

Ngoài ra, vị Chủ tịch HĐQT của Nguyễn Kim JSC còn đứng tên tại nhiều doanh nghiệp khác như: Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Bình Hòa, Công ty TNHH thương mại đầu tư phát triển Duy Tân, CTCP Đầu tư Nhà Rồng, CTCP Thương mại dịch vụ khách sạn Nguyễn Kim./.