Nhưng cũng theo ông Khai, đòn trả đũa của Nga cũng sẽ giống con dao hai lưỡi.
Theo đại sứ, tại sao Thổ Nhĩ Kỳ lại bắn rơi máy bay Nga? Nguyên nhân sâu xa của vụ việc này là gì?
- Để khẳng định được nguyên nhân thật sự của việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay SU-24 của Nga cần phải đợi kết quả điều tra của các chuyên gia quân sự. Tuy nhiên, tôi có thể nhận định sơ bộ rằng đây là việc làm cố ý nằm trong kế hoạch được chuẩn bị từ trước của Thổ Nhĩ Kỳ.
Để hiểu được một phần nguyên nhân của hành động này, chúng ta cần nhìn lại chính sách và vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc khủng hoảng Syria 5 năm qua.
Mục tiêu hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ không phải chống khủng bố mà là lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar Al-Assad. Chính vì thế, họ đã hỗ trợ các lực lượng đối lập, các nhóm cực đoan ở Syria, trước hết là đội quân của người Turkmen (một dân tộc nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống dọc theo biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ).
Chiến dịch quân sự của Nga trong thời gian chưa đầy hai tháng đã thu được kết quả to lớn, phá hủy nhiều căn cứ và tiêu diệt nhiều nhóm khủng bố, trong đó có các lực lượng quá khích người Turkmen và các nhóm tham gia buôn lậu dầu mỏ Syria. Ai cũng biết một số thế lực có ảnh hưởng ở Thổ Nhĩ Kỳ đang thu về những khoản tiền lớn từ cuộc chiến ở Syria, từ việc buôn bán dầu lậu và trung chuyển các chiến binh qua biên giới.
Trong tình hình như vậy, đây có thể được coi là hành động của Ankara trả đũa cho việc Nga không kích các cơ sở chiến binh khủng bố ở Syria, trong đó có một số được Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ.
Mặt khác, Nga đang trở lại khu vực với thế và lực mạnh hơn trước rất nhiều. Chính quyền của Bashar Al-Assad được củng cố. Tổng thống Nga V. Putin vừa thăm Iran, Jordan thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Iraq, Ai Cập cũng đang tìm cách ngả dần sang Nga.
Trong vấn đề Syria, đặc biệt cuộc khủng hoảng người di cư gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ phải tự thân vận động, Mỹ và châu Âu không giúp được bao nhiêu. Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga để gây sự chú ý của Mỹ và NATO. Chính vì lẽ đó mà ngay sau khi sự việc xảy ra Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu NATO họp khẩn cấp.
Chỉ khi nào tính đến tất cả các yếu tố này thì mới hiểu được những hành động của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đó, chính quyền Ankara từng vài lần cảnh báo máy bay Nga xâm phạm không phận của Thổ Nhĩ Kỳ. Vậy hành động bắn máy bay này của Thổ Nhĩ Kỳ có được xem là hợp pháp hay không?
- Có một số bằng chứng cho thấy SU-24 của Nga không vi phạm không phận của Thổ Nhĩ Kỳ.
Konstantin Murakhtin, một trong 2 phi công lái chiếc máy bay này được cứu sống, nói: “Không thể có chuyện chúng tôi xâm phạm không phận của họ, kể cả là một giây và không hề nhận được bất cứ cảnh báo nào”.
Chiếc SU-24 đã rơi trên lãnh thổ Syria và cả 2 phi công đều nhảy dù xuống lãnh thổ Syria. Nghiêm trọng hơn, phi công Oleg Peshkov bị các phiến quân Turkmen bắn chết khi đang nhảy dù là vi phạm công ước Geneva, là tội ác có thể đưa ra tòa án quốc tế.
Hơn nữa, các máy bay của Nga đang thực hiện nhiệm vụ chiến đấu chống khủng bố, lẽ ra Thổ Nhĩ Kỳ phải tạo điều kiện cho họ. Tôi còn nhớ năm 2003, Thổ Nhĩ Kỳ đã cho phép Mỹ và NATO sử dụng không phận và căn cứ quân sự của mình để đánh Iraq.
Như vậy có thể nói hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là có chủ ý. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng đây là hành động mang tính chất khiêu khích.
Quân nổi dậy Turkmen hoạt động gần biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: Reuters |
Liệu có nguy cơ sự kiện này sẽ dẫn tới xung đột vũ trang giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga? Báo chí nước ngoài đã nhắc đến cụm từ “Thế chiến thứ 3” vì Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO?
- Trong tình hình hiện nay, khó có thể xảy ra “Thế chiến thứ 3”, thậm chí là cuộc chiến tranh mang tính cục bộ ở khu vực Trung Đông.
Không nước nào có lợi ích trong việc để xảy ra chiến tranh. Ưu tiên của cả Nga, Mỹ, NATO và cộng đồng quốc tế lúc này là hợp tác với nhau trong cuộc chiến chống khủng bố, trước hết là chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Mỹ, NATO và các nước lớn đều kêu gọi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế, tránh để tình hình leo thang.
Tôi hi vọng rằng mặc dù hết sức căng thẳng, nhưng vấn đề sẽ được giải quyết trong khuôn khổ quan hệ tay đôi giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, trong khuôn khổ cuộc khủng hoảng Syria.
Đã xuất hiện những dấu hiệu giảm căng thẳng, đấu dịu từ phía Thổ Nhĩ Kỳ.
Nga có thể sẽ có những đòn trả đũa Thổ Nhĩ Kỳ như thế nào?
- Nga đã có phản ứng mạnh mẽ chưa từng có.
Song song với việc tạm ngưng các quan hệ chính trị, kinh tế, Nga quyết định cung cấp cho Syria loại tên lửa S-300 và triển khai hệ thống tên lửa đất đối không S-400 và đưa tàu chiến Moskva hiện đại nhất đến Syria. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Nga triển khai loại tên lửa và chiến hạm này ở nước ngoài.
Điều này có nghĩa là Nga sẽ kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Syria và phần lớn khu vực Trung Đông, bất kỳ máy bay nào ra vào không phận Syria phải được phép của Nga.
Matxcơva đang xem xét các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Nga có thể sẽ hủy các dự án hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác lớn thứ 5 của Nga. Riêng trao đổi thương mại giữa 2 nước năm 2014 đạt 31 tỉ USD. Các dự án lớn như nhà máy điện hạt nhân, khí đốt và hàng ngàn công ty của Thổ Nhĩ Kỳ đang hoạt động tại Nga, thì việc hủy các dự án này, theo tính toán của các chuyên gia, sẽ làm Thổ Nhĩ Kỳ thiệt hại lên tới 44 tỉ USD.
Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt kinh tế như con dao 2 lưỡi, vì nó cũng sẽ gây thiệt hại cho cả Nga, đặc biệt trong khi Nga đang bị Mỹ và phương Tây cấm vận.
Tôi cho rằng Nga sẽ phải tính toán rất thận trọng để đạt được mục tiêu của mình.
Xin cảm ơn ông.
Theo Tuổi trẻ