Nguy cơ đảo chính ở Saudi Arabia: Mỹ hết thống trị Trung Đông

Trang Huffington Post (Mỹ) có bài phân tích nguy cơ đảo chính ở Saudi Arabia (SA) báo hiệu sự thống trị của Mỹ ở Trung Đông kết thúc, vào lúc Nga được cho là sẽ soán ngôi vị này của Mỹ.
Tổng thống Obama với Thái tử (giữa) và phó thái tử SA
Tổng thống Obama với Thái tử (giữa) và phó thái tử SA

Nguy cơ đảo chính ở Saudi Arabia vì đang có một cuộc khủng hoảng ở vương quốc sa mạc này: Vua Salman, 79 tuổi, được cho là đang nằm bệnh viện vì bệnh mất trí nhớ Alzheimer hoặc vài dạng lú lẫn. Ông mới lên ngôi hồi đầu năm 2015.

Các nhà phân tích an ninh đặt dấu hỏi: tương lai SA sẽ thế nào khi nhà vua lâm bệnh? Liệu các thành viên trong hoàng gia SA chấp nhận và cho phép Thái tử Muhammad bin Nayef nắm vai trò chỉ huy? Hay là hoàng gia SA sẽ lâm cảnh "nồi da xáo thịt"?

Những diễn biến này có thể hợp thành một cơn bão chính trị lớn, làm tăng nguy cơ bất ổn không chỉ ở SA, mà cả ở Trung Đông đang bị phân hóa mạnh.   

Nguy cơ đảo chính được trang báo Mỹ đặt ra, dẫn thông tin ngày 29.9 của báo Guardian (Anh): một hoàng tử gởi hai lá thư đến các thành viên cấp cao trong hoàng gia SA, khuyến khích họ lật đổ Vua Salman.

Vị hoàng tử được giấu tên, là một trong những cháu nội của nhà lập quốc SA Abdulaziz Ibn Saud. Ông ta cho Guardian biết: trong hoàng gia không hài lòng Vua Salman, và hồi đầu tháng 9, ông ta đã viết hai lá thư kêu gọi lật đổ nhà vua.

Ông hoàng nói: “Nhà Vua không khỏe, trên thực tế là con trai ông ấy đang điều hành vương quốc. Nên 4 hoặc 5 chú của tôi sẽ sớm thảo luận các lá thư. Họ đang lên kế hoạch với nhiều cháu trai và sẽ mở tung cửa. Nhiều người trong thế hệ thứ hai đang rất nóng ruột.

Các thần dân cũng thúc đẩy chuyện này, tất cả nhân dân, kể cả các trưởng bộ tộc. Họ nói hoàng gia phải làm chuyện này, nếu không thì SA sẽ rơi vào thảm họa”.  

Tổng thống Mỹ Obama với Vua Salman
Tổng thống Mỹ Obama với Vua Salman

Cấp trên đổ thừa trách nhiệm xuống cấp dưới

Guardian nêu thời gian gần đây nhiều chuyện dồn dập đè lên nhà vua, vị thái tử và phó thái tử Mohammed bin Salman:

Thứ nhất là hai thảm họa ở thánh địa Mecca - cần cẩu sập khiến hơn 100 người chết, tiếp sau đó là một vụ chen lấn khiến 700 người chết - khiến nhiều người thắc mắc không chỉ về các vấn đề xã hội, mà còn về chuyện hoàng gia quản lý thánh địa của đạo Hồi tại SA.

Thường thì khi có sự cố xảy ra, chính quyền SA gạt phắt những gợi ý rằng phải có một công chức cấp cao trong chính phủ chịu trách nhiệm.

Dân địa phương bất mãn, lên mạng xã hội, nói họ biết vấn đề là nạn tham nhũng khi sử dụng công quỹ để xây dựng các công trình. Một người giấu tên nói với Guardian:

“Chính quyền luôn đổ thừa trách nhiệm cho cấp dưới, ví dụ những kiểu khiển trách “xe cấp cứu ở đâu, nhân viên y tế ở đâu? Họ luôn giấu lý do thực của những thảm họa này”.

Kế đến, giá dầu thô giảm hơn 50% trong năm qua, hiện là 45 USD/thùng. Báo Financial Times đưa tin SA phải rút hơn 70 tỉ USD khỏi các quỹ đầu tư nước ngoài, để duy trì ổn định tài chính khi đối mặt chuyện giá dầu rớt mạnh.

Theo tổ chức tư vấn Alavan Business Advisory, năm nay, SA công bố ngân sách quốc gia dựa trên giá mua - bán dầu thô là 90 USD/thùng, nhưng không ngờ giá dầu rớt thê thảm. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã dự báo năm nay, SA bị thâm hụt ngân sách hơn 107 tỉ USD.

Gương mặt trẻ “Kẻ Liều” gây tranh cãi

Khairallah Khairallah, từng là người của tờ Al-Hayat (báo nhà nước SA) nói:

“Chính quyền còn đủ nguồn dự trữ để chịu đựng tình hình này trong chí ít một năm, nhưng sẽ là một cái giá đắt phải trả”.

Ông còn cho biết cha con nhà vua phụ trách chính sách dầu. Người con là phó thái tử Mohammed bin Salman còn nắm công ty dầu nhà nước Aramco, trong khi thái tử Mohammed bin Nayef chỉ lo mảng an ninh.

Phó thái tử Mohammed bin Salman là gương mặt mới trong hàng ngũ lãnh đạo SA, nhưng đã trở thành một trong những nhân vật gây tranh cãi.

Vị quý tộc này quá trẻ so với tiêu chuẩn ở SA, chính thức là 35 tuổi nhưng có tin đồn chỉ mới 30. Anh ta kiêm nhiều chức vụ như Bộ trưởng quốc phòng, chủ tịch Hội đồng Kinh tế và phát triển (cơ quan vạch chính sách kinh tế chính của SA).  

Như thế, phó thái tử phải chịu trách nhiệm về nhiều vấn đề của đất nước, trên hết là cuộc chiến ở Yemen láng giềng, nơi mà quân nổi loạn Houti bị bộ binh và không quân SA tấn công.

Theo Guardian, nhiều người dân SA “phát oải” vì chuyện SA giàu nhất thế giới Ả rập, lo dốc tiền và sinh mạng vào nước láng giềng nghèo nhất vùng, trong khi cuộc chiến ở Yemen không có dấu hiệu kết thúc.

Quân đội SA càng dính sâu vào cuộc chiến này thì sự bất mãn ở SA càng cao, nhất là đối với vị phó thái tử đang muốn chứng tỏ “tuổi trẻ tài cao” với thế giới.  

Đã nổi lên sự chỉ trích phó thái tử (có biệt danh “Gã Liều”) lao vào chiến tranh mà chẳng có chiến lược quân sự nào, cũng không có phương án rút khỏi cuộc chiến ở Yemen.

Một cựu sĩ quan không quân SA đào ngũ hồi năm ngoái, Dakheel bin Naser Al Qahtani, nói: “Đó là cuộc chiến chống lại đất nước Yemen và chống Yemen trở nên độc lập. 90% người dân SA không muốn dính vào cuộc chiến này”.

Phó thái tử "Kẻ Liều" thị sát một đơn vị không quân
Phó thái tử "Kẻ Liều" thị sát một đơn vị không quân

Cánh già lão muốn lật đổ nhà vua

Trong bối cảnh đó, vị hoàng tử giấu tên viết hai lá thư bằng tiếng Ả rập, kêu gọi lật đổ Vua Salman.

13 con trai còn sống của nhà lập quốc Ibn Saud, nhất là các hoàng tử Talal, Turki và Ahmed bin Abdulaziz, được mời tham gia cuộc đảo chính, trước khi lập chính phủ gồm những người trong hoàng gia.

Lá thư đầu viết: “Cho phép người già nhất, có khả năng nhất nắm lấy chuyện quốc gia. Hãy để vị vua mới và thái tử tỏ bày sự trung thành và hủy bỏ ngôi vị kỳ quái phó vương”.

Tác giả lá thư nói: đã có sự ủng hộ rộng rãi của người trong hoàng gia lẫn của người dân. Nhưng cho đến nay, chỉ mới có một trưởng lão ủng hộ lá thư.

Điều này chẳng lạ, vì SA nổi tiếng về chuyện trừng trị các đối thủ chính trị rất cứng rắn. Từ sau lần Vua Faisal lật đổ nhà lập quốc Ibn Saud năm 1964, chưa hề có cuộc chính biến nào, ngoài vụ ám sát Vua Faisal năm 1975.

Từ năm 1932, khi SA được thành lập, hoàng gia luôn khéo giữ tinh thần đoàn kết nơi toàn dân.

Nhưng khi tình hình chính trị - kinh tế trong nước và nước láng giềng SA trở nên bất ổn, lại có sự đấu đá trong nội bộ. Nhiều khả năng sẽ có một sự thay đổi đáng kể, khi nhà vua và “Kẻ Liều” theo đuổi những chính sách nguy hiểm, dẫn đến những thất bại về chính trị - kinh tế - quân sự.

Thảm họa ở thánh địa Mecca chỉ làm tăng thêm căng thẳng giữa hai kình địch SA (đa số dân theo đạo Hồi dòng Sunni) với Iran (dòng Shiite).

Hiện Nga, Iran, Iraq có sự điều phối tình báo để bảo vệ chế độ Tổng thống Syria Bashar Assad.

Phương tây cáo buộc Nga không kích quân nổi dậy muốn lật đổ Assad, chứ không ném bom quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS. Nga bác bỏ cáo buộc này.

Và khi Nga đang dần tự khẳng định được là một thế lực mới ở Trung Đông, SA càng bị tổn thương về mặt chính trị.

Việc SA lệ thuộc Mỹ để tồn tại suốt 70 năm qua xem ra đã tới gần sự kết thúc, khi Mỹ không còn giữ được vai trò truyền thống là người bảo đảm sự ổn định ở Trung Đông.

Huffington Post viết rằng, người ta chỉ còn có thể tưởng tượng một kịch bản: hoàng gia SA phải có sự nhường ngôi, điều này có nghĩa tổng thống Mỹ kế tiếp sẽ đối mặt với một "cơn nhức đầu" địa - chính trị mới: một SA bất ổn, một quốc gia xuất khẩu dầu thô hạng nhất thế giới, nơi có thánh địa Hồi giáo linh thiêng nhất. SA cũng là nơi có nhiều vũ khí hiện đại của Mỹ, cùng rất đông tín đồ Hồi giáo Sunni nóng nảy.

Phó Thái tử "Kẻ Liều" giữ ghế Bộ trưởng quốc phòng
Phó Thái tử "Kẻ Liều" giữ ghế Bộ trưởng quốc phòng

Vĩnh Thụy - Theo Huffinton Post,Guardian, Một thế giới