Nguồn cung dự án nhà ở hạn chế, khối ngoại thay đổi "khẩu vị" đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(VietTimes) –Trong bối cảnh nguồn cung các dự án bất động sản nhà ở khá hạn chế, khối ngoại chuyển hướng sang các dự án khu công nghiệp, văn phòng để dễ thực hiện M&A hơn.

Khối ngoại chuyển hướng sang các dự án khu công nghiệp, văn phòng để dễ thực hiện M&A hơn
Khối ngoại chuyển hướng sang các dự án khu công nghiệp, văn phòng để dễ thực hiện M&A hơn

Loạt thương vụ M&A bất động sản đáng chú ý

Theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), tính chung 9 tháng đầu năm 2024, có khoảng 11 thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) được ghi nhận đã giao dịch thành công. Trong đó, chiếm phần lớn là các thương vụ tập trung ở phân khúc nhà ở, bất động sản công nghiệp và logistics.

Tổng giá trị 9/11 thương vụ được cập nhật đạt hơn 1,8 tỷ USD. Giao dịch có giá trị cao nhất là 982 triệu USD, cao gấp 2,2 lần so với thương vụ lớn nhất được ghi nhận tính đến đầu tháng 12/2023.

“Ngay cả khi chưa xác định rõ giá trị giao dịch của 2 trong số 11 thương vụ M&A thành công, chắc chắn giá trị bình quân các thương vụ M&A 9 tháng đầu năm 2024 cũng đạt mức cao nhất trong 6 năm trở lại đây. Ít nhất là gấp đôi so với năm 2023”, VARS nhận định.

Theo số liệu, thương vụ có giá trị lớn nhất 982 triệu USD là Tập đoàn Vingroup chuyển nhượng 55% vốn điều lệ tại Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Thương mại SDI. SDI là đơn vị sở hữu trên 99% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Kinh doanh thương mại Sado và Sado đang là cổ đông lớn nhất của Vincom Retail khi nắm 41,5% vốn.

Tiếp đến là thương vụ giữa Becamex IDC chuyển nhượng dự án khu đô thị và nhà ở Tân Thành Bình Dương cho Công ty Sycamore Limited (thuộc CapitaLand), với giá trị lên đến 553 triệu USD.

Thương vụ thứ ba có giá trị lên đến 250 triệu USD là Công ty TNHH Electronic Tripod Việt Nam, thuộc Tập đoàn Công nghệ Tripod – Đài Loan và Công ty Cổ phần Sonadezi Châu Đức đã ký kết hợp đồng thuê lại đất tại khu công nghiệp Châu Đức. Công ty TNHH Electronic Tripod Việt Nam sẽ triển khai xây dựng nhà máy Electronic Tripod Việt Nam, diện tích khoảng 18 ha tại khu công nghiệp Châu Đức.

Hay Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long chuyển nhượng 25% vốn tại dự án Nam Long Đại Phước (quy mô 45 ha) cho đối tác chiến lược Nhật Bản Nishi Nippon Railroad. Giá trị của lần mua bán này là 26 triệu USD.

Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh bất động sản Saphire, một công ty con thuộc Nhà Khang Điền, đã nhận chuyển nhượng 99% vốn điều lệ từ Công ty Cổ phần Phát triển bất động sản Lộc Minh với giá trị 350 tỷ đồng. Qua đó, công ty này sở hữu dự án Khu nhà ở cao tầng Công ty Lộc Minh có diện tích 1,9 ha tại thành phố Thủ Đức, TP.HCM. Giá trị thương vụ này là 14 triệu USD.

image-1729040251352-17290402514531465371997.jpg
11 thương vụ M&A bất động sản trong 9 tháng đầu năm 2024.

Great Master PTE.LTD (Singapore) cũng mua lại 20% tổng vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Trung Khởi, với giá trị 5 triệu USD. Kim Oanh Group đã ký kết hợp tác với Tập đoàn Sumitomo Forestry, Tập đoàn Kumagai Gumi và Công ty NTT Urban Development về phát triển dự án khu đô thị Một Thế Giới ở Bình Dương (The One World).

Công ty TNHH Một thành viên đầu tư Hùng Sơn bán quyền sử dụng đất dự án tổ hợp đô thị biển và du lịch nghỉ dưỡng Vlasta - Sầm Sơn cho Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Hưng Phú, giá trị lần mua bán này khoảng 0,8 triệu USD.

Hai thương vụ chưa xác định được giá trị là Công ty Cổ phần Tập đoàn KIDO nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty Cổ phần Hùng Vương lên 58,05% vốn điều lệ và đưa Công ty Cổ phần Hùng Vương trở thành công ty con của tập đoàn. Tập đoàn Mường Thanh thông báo về việc tiếp quản khách sạn Hoàng Anh Gia Lai tại số 1 Phù Đổng, thành phố Pleiku từ Công ty TNHH Đầu tư Hoàn Sinh Gia Lai.

Khối ngoại thay đổi khẩu vị đầu tư

Bà Trần Thị Khánh Linh, Phó giám đốc Bộ phận tư vấn đầu tư Savills, cho biết thị trường Việt Nam vẫn luôn là nơi có cơ hội tăng trưởng cao với dòng FDI bền vững, hạ tầng đang phát triển, nhờ đó nhu cầu đối với hầu hết các phân khúc bất động sản như nhà ở, công nghiệp, thương mại văn phòng... vẫn tạo sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

“Với việc các bộ luật liên quan đến thị trường bất động sản đồng loạt có hiệu lực vào tháng 8 vừa rồi tạo niềm tin cho các nhà đầu tư về một môi trường pháp lý ổn định và minh bạch giúp rút ngắn thời gian phê duyệt pháp lý, giúp nhà đầu tư xác định rõ ràng chi phí đầu tư ban đầu (chi phí sử dụng đất), từ đó giúp các dự án đầu tư bất động sản trở nên hấp dẫn hơn”, bà Linh nói.

Theo Phó giám đốc Bộ phận tư vấn đầu tư Savills, hiện nay các nhà đầu tư có nhiều cơ hội M&A các dự án tiềm năng hoặc hợp tác với các đối tác địa phương để phát triển các dự án lớn. Nhu cầu thị trường đa dạng thu hút các khẩu vị đầu tư khác nhau.

Nhu cầu của khối ngoại đối với dự án bất động sản nhà ở thực chất vẫn rất lớn, không kém nhu cầu đối với các dự án khu công nghiệp, văn phòng. Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, họ luôn yêu cầu các dự án bất động sản đều phải có hiện trạng pháp lý rõ ràng, sẵn sàng để phát triển.

Cụ thể, hầu hết các nhà đầu tư đều yêu cầu dự án cần có quy hoạch chi tiết 1/500, thậm chí nhiều nhà đầu tư còn yêu cầu dự án phải có thông báo đóng tiền sử dụng đất. Trong khi đó, thời gian gần đây việc phê duyệt pháp lý dự án đang chậm lại do trong thời kỳ thay đổi nhiều bộ luật liên quan đến thị trường bất động sản.

“Do đó, gần đây nguồn cung các dự án bất động sản nhà ở khá hạn chế. Khối ngoại vì vậy, chuyển hướng sang các dự án khu công nghiệp, văn phòng, vốn là những dự án đang vận hành, pháp lý rõ ràng và sẵn sàng hơn, dễ thực hiện M&A hơn”, chuyên gia phân tích.