Đầu tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định thay đổi bước ngoặt trong chính sách của Washington về người Kurd ở Syria. Thay vì phản đối Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng vũ lực để càn quét vùng lãnh thổ mà người Kurd kiểm soát ở miền Bắc Syria, Washington lại đứng ngoài cuộc. Động thái này rõ ràng là phản bội đồng minh người Kurd, nhưng nó lại không quá bất ngờ!
Cho đến nay, ông Trump chủ yếu vẫn áp dụng chính sách từ thời Barack Obama khi sử dụng lực lượng người Kurd như lực lượng quân sự chính trong cuộc chiến nhiều bên ở Syria. Đáng chú ý, chiến binh người Kurd đã đánh bại phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cùng nhiều nhóm thánh chiến khác ở Đông Bắc Syria một cách hiệu quả. Mỹ cung cấp tiền, các khóa huấn luyện và vũ khí cho người Kurd... thế nhưng lại ngoảnh mặt đi chỗ khác khi lực lượng này thể hiện mong muốn thành lập một khu vực tự trị ở miền Bắc Syria - tương tự như khu vực mà người Kurd ở Iraq đã thiết lập và duy trì kể từ đầu những năm 1990.
Tuy nhiên, có một vấn đề nhức óc về quyết định của Washington. Giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ coi tham vọng ly khai của người Kurd cả ở Iraq và Syria như mối đe dọa nghiêm trọng tới sự toàn vẹn lãnh thổ của họ, nếu xét về cộng đồng lớn người Kurd sinh sống ở Đông Nam nước này. Chính phủ của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cho rằng người Kurd ở Syria và Iraq có quan hệ với đảng Lao động người Kurd - tổ chức từng khuất động cuộc chiến đòi ly khai ở Đông Nam nước này trong suốt nhiều thập kỷ. Bởi vậy mà chính quyền Ankara tỏ ra rất phẫn nộ trước chính sách hậu thuẫn người Kurd của Mỹ, trong khi Mỹ rõ ràng là một đồng minh của họ ở NATO.
Vào tháng 11/2017, ông Trump đã phải nhượng bộ sau khi chính quyền Ankara phản ứng dữ dội trước việc Washington ủng hộ các hành động quân sự của người Kurd ở Syria. Ông Trump sau đó cam kết sẽ ngừng trang bị vũ trang cho người Kurd. Mỹ sau đó cũng "bật đèn xanh" cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp vào miền Bắc Syria hồi đầu năm 2018.
Nhưng giờ kiểu chính sách vừa ủng hộ người Kurd chống các nhóm thánh chiến, vừa ủng hộ hành động đe dọa người Kurd của Thổ Nhĩ Kỳ đã đi đến hồi kết khi mà Washington nghiêng hẳn về phía Ankara.
Mỹ và 2 lần phản bội người Kurd
Khát vọng độc lập của người Kurd bị Washington coi nhẹ (Ảnh: AFP)
|
Động thái mới nhất của ông Trump không phải lần đầu tiên mà giới lãnh đạo Mỹ "hy sinh" đồng minh Kurd để đổi lấy các mục tiêu địa chính trị lớn hơn. Trên thực tế thì đây là lần thứ 3 mà Mỹ đảo ngược chính sách và phản bội đồng minh người Kurd ở Trung Đông trong suốt 2 thế hệ.
Vào năm 1973, Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã ký một thỏa thuận ngầm với Shah (nhà vua) của Iran để bắt đầu viện trợ tài chính và quân sự cho người Kurd ở Iraq - để lực lượng này thực hiện cuộc nổi dậy chống chính quyền Saddam Hussein, thiết lập một nhà nước độc lập của người Kurd ở miền Bắc Iraq. Giới chức người Kurd đã tổ chức nhiều phiên họp lên kế hoạch tại Washington cùng với CIA, và CIA hỗ trợ lực lượng Peshmerga của người Kurd để quấy rối các lực lượng của chính quyền Saddam Hussein.
Tuy nhiên, vào tháng 3/1975, chính quyền Shah của Iran bất ngờ ký một thỏa thuận hòa bình với chính quyền Saddam và ngừng hỗ trợ lực lượng nổi dậy người Kurd. Không rõ hành động này có khiến Washington bất ngờ hay tức giận không, nhưng giới chức Mỹ rõ ràng không muốn gây sức ép cho đồng minh lớn hơn là Iran chỉ vì người Kurd. Mỹ đành phải ngó lơ sự việc này, khiến cho lực lượng nổi dậy người Kurd sụp đổ, trở thành con mồi cho các lực lượng của Saddam Hussein.
Dù đã từng bị Mỹ phản bội, nhưng người Kurd ở Iraq sau đó vẫn chấp nhận viện trợ của Mỹ và thiết lập được khu tự trị của họ ở miền Bắc Iraq sau thất bại của chính quyền Saddam Hussein trong Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991. Chiến dịch Operation Provide Comfort - được che đậy như một chiến dịch nhân đạo - được Mỹ thực thi nhằm thiết lập sự hiện diện quân sự ở miền Bắc Iraq để bảo vệ người Kurd. Việc Washington thiết lập vùng cấm bay cũng ngăn chặn lực lượng Saddam dập tắt tham vọng ly khai của người Kurd. Sự độc lập của người Kurd ở Iraq càng được đảm bảo sau khi Mỹ khai mào cuộc chiến Iraq và cuối cùng lật đổ chính quyền Saddam Hussein.
Tuy nhiên, khi lãnh đạo người Kurd muốn hợp pháp hóa vùng tự trị của họ thành vùng lãnh thổ độc lập được quốc tế công nhận vào năm 2017, Washington lại trở mặt. Chính phủ Khu vực người Kurd (KRG) được dẫn dắt bởi Tổng thống Masoud Barzani tuyên bố về dự định tổ chức trưng cầu dân ý vào tháng 9/2017 để tách khỏi Iraq. Tuyên bố lập tức vấp phải nhiều lời cảnh báo nghiêm trọng từ chính quyền Baghdad cũng như các nước láng giềng như Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Trong bối cảnh đó, Mỹ gây sức ép với KRG để buộc họ hành động thận trọng hơn.
Cuối cùng, chính phủ người Kurd vẫn tiếp tới trưng cầu dân ý, và kết quả đúng như nhiều người dự đoán trước: Đa số ủng hộ tách khỏi Iraq.
Baghdad cùng các nước láng giềng lập tức đóng cửa không phận, cô lập người Kurd và áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế "hủy diệt". Chính phủ Iraq còn đi xa hơn khi tổ chức đợt tấn công quân sự nhằm chiếm lại vùng lãnh thổ giàu dầu mỏ xung quanh thành phố Kirkuk. KRG trước đây phải nỗ lực hết sức mới giành được quyền kiểm soát khu vực này, nhưng giờ gần như trắng tay.
Bài học lịch sử
Lực lượng Peshmerga của người Kurd đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống IS (Ảnh: Getty)
|
Dù công khai thừa nhận rằng người Kurd là đồng minh quan trọng giúp họ đánh bại IS, nhưng chính phủ Mỹ vẫn ngồi im chứng kiến khát vọng độc lập của người Kurd bị vùi dập bởi Iraq và các nước láng giềng.
Cùng với quyết định "bật đèn xanh" cho lực lượng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức chiến dịch quân sự quy mô lớn ở miền Bắc Syria, chính quyền Trump còn cho rằng hành động của người Kurd là can thiệp vào các lợi ích quan trọng của Mỹ. Và rồi giới lãnh đạo Mỹ không do dự "hiến tế" các đồng minh người Kurd.
Người Kurd rồi đến lúc nào đó sẽ nhận ra rằng tin tưởng Mỹ là điều nguy hiểm. Điều này tuy không có gì đáng tự hào với một quốc gia, nhưng trong lịch sử đã từng có nhiều siêu cường hy sinh đồng minh của mình để theo đuổi các lợi ích lớn hơn.
Bài học ở đây là, chính sách của Washington luôn thay đổi và không một nước nào nên nghĩ rằng mối quan hệ của họ với Mỹ là bất khả xâm phạm. Nếu nhận thấy đủ lợi ích, giới lãnh đạo Mỹ sẵn sàng phản bội một đồng minh - đặc biệt là đồng minh nhỏ - mà không hề do dự. Đó là cách mà một siêu cường hành động.
Theo National Interest