Cuộc chiến 6 năm
Ngày 13/11/2015, Chủ tịch Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde bất ngờ lên tiếng ủng hộ đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quôc vào giỏ định giá Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của IMF.
Đây là một bước đi bất ngờ của IMF bởi trước đó hồi tháng 7/2015, tổ chức này vẫn phủ nhận việc chấp nhận đồng NDT vào rổ SDR do “còn nhiều vấn đề tồn tại” và đồng NDT cần thêm thời gian, tới giữa năm 2016 mới được xem xét.
Với tín hiệu tích cực vừa được chủ tịch IMF phát đi, nhiều khả năng NDT sẽ trở thành đồng tiền thứ 5 trong rổ SDR trong cuộc họp quan trọng vào ngày 30/11 tới, sánh ngang cùng với đồng USD, euro, bảng Anh, và yen Nhật.
IMF cho rằng, với những bước tiến gần đây của TQ, đồng NDT đã đạt được cả hai tiêu chí chính mà tổ chức này đưa ra: “được sử dụng rộng rãi” và “được giao dịch tự do”. Theo giải thích của bà Lagarde, TQ đã giải quyết tất cả những vấn đề tồn tại từng được đề cập trong phân tích hồi tháng 7.
Đứng sau những thay đổi mạnh mẽ và quyết liệt này không ai khác chính là ông Zhou Xiaochuan (Chu Tiểu Xuyên), thống đốc Ngân hàng Nhân dân TQ (PBOC).
Ông Chu sinh năm 1948 là một nhà kinh tế, chuyên gia NH và là một nhà cải cách của TQ. Ông Chu là chủ tịch NHTW có thời gian làm việc lâu nhất trong nhóm G20. Ông là người đã chấm dứt cơ chế néo chặt đồng NDT vào đồng USD và khiến cho NDT được sử dụng phổ biến trên toàn cầu.
Trên trang Bloomberg, Jukka Pihlman - một chuyên gia của Standard Chartered Bank tại Singapore cho rằng Chu Tiểu Xuyên được coi là một trong những nhà cải cách vĩ đại nhất tại TQ dù rằng những thay đổi trong chính sách của PBOC là nỗ lực tổng hợp của cả chính quyền Bắc Kinh.
Trong hơn một thập kỷ qua, TQ đã lập hàng loạt các trung tâm giao dịch NDT trên thế giới, từ Hong Kong, Thượng Hải, London, Pháp… và vài ngày gần đây là thỏa thuận chọn Singapore làm cứ điểm giao dịch đồng NDT.
Giữa tháng 8/2015, ông Chu đã chính thức thay đổi cách điều hành tỷ giá trên thị trường tiền tệ, chuyển từ tỷ giá cố định sang cơ chế nổi có kiểm soát, ấn định tỷ giá tham chiếu theo ngày dựa trên biến động trên thị trường.
Trong tháng 10, cùng với 6 lần cắt lãi suất trong năm qua, ông Chu đã xóa trần lãi suất tiền huy động, xóa bỏ một hệ thống tiền tệ làm thiệt thòi cho người gửi tiền và một thời kỳ đầu tư dựa vào vay nợ kéo dài vài thập kỷ.
Tháng 3/2009, ông Chu đã kêu gọi một sự cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế, xóa bỏ sự thống trị của đồng USD và tạo ra “một đồng tiền dự trữ toàn cầu không phụ thuộc vào một vài quốc gia riêng lẻ và có thể ổn định trong dài hạn”. 6 năm trôi qua, ở một góc độ nào đó, ông Chu đã bắt đầu gặt hái những thành công ban đầu.
Đe dọa vị trí thống trị của USD
Trước khi chủ tịch IMF tỏ thiện chí với đồng NDT, Mỹ và các nước châu Âu cũng đã lên tiếng ủng hộ đồng NDT vào SDR.
Việc NDT vào rổ SDR sẽ là một sự kiện trọng đại trong lịch sử tài chính quốc tế, giúp nền kinh tế toàn cầu bước vào một kỷ nguyên ổn định hơn. Tuy nhiên, bước tiến này không hẳn là điều Mỹ mong muốn.
NDT trở thành mối đe dọa sức mạnh của đồng USD. |
Năm 2009 ông Chu đã bóng gió cho rằng, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã lộ rõ những nguy cơ tiềm ẩn trong hệ thống tiền tệ thế giới và đặt ra một ý tưởng về một đồng tiền dự trữ “siêu chủ quyền” và mở rộng rổ tiền tệ cho tất cả các nền kinh tế lớn.
Giờ đây, điều đó sắp thành hiện thực. Theo ước tính của Standard Chartered, khi NDT chính thức vào SDR, sẽ có ít nhất 1.000 tỷ USD dự trữ toàn cầu được chuyển đổi thành tài sản có liên quan đến TQ. Sự lớn mạnh của đồng NDT cùng sự liên kết với các đồng tiền khác như rúp Nga được đánh giá có thể đe dọa vị thế của đồng USD.
Trong vài năm gần đây, Nga và TQ đã thay thế đồng USD bằng đồng Rúp và đồng NDT trong giao dịch thương mại. Một liên minh được gọi là BRICS (Brazil, Russia, India, China và South Africa) với những thỏa thuận hoán đổi thường xuyên quy mô lớn giữa đồng rúp và NDT cũng là một nỗi đau đối với nước Mỹ. Nỗ lực của Nga và TQ đứng đầu nhóm này không gì khác là hạ bệ sự thống trị của đồng USD.
Gần đây, nước Anh có cũng phát đi một tín hiệu chuyển trục sang châu Á. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, nước Anh tiếp đón hai cuộc thăm cấp cao của các nhà lãnh đạo Ấn Độ và TQ. Vấn đề đồng Rupee và đồng NDT đều được tập trung nhắc đến, kèm theo các kế hoạch bán trái phiếu tại London.
Nền kinh tế TQ đã vươn lên vị trí thứ 2 thế giới, đồng NDT đã được giao dịch phổ biến thứ 4 và đang nổi lên mạnh mẽ trên sân chơi quốc tế. Đặc quyền ở vị trí thống trị của Mỹ đang bị đe dọa.
Tuy nhiên, để duy trì một đồng tiền mạnh trên thế giới, TQ buộc phải giữ giá và uy tín đồng NDT. Nền kinh tế TQ sẽ trả giá đắt do xuất khẩu suy giảm. Trong khi đó, trên thực tế, chính sách tiền tệ của mới TQ vẫn chứa đựng nhiều bất ổn. Giới đầu tư lo ngại về khả năng mất giá khó kiểm soát của đồng NDT.
Thị trường tài chính chưa phát triển theo chiều sâu của TQ cùng với hệ thống pháp luật chưa thực sự chặt chẽ và minh bạch là điều có thể giảm sức mạnh của đồng NDT.
Theo VNN