Bóng đá Việt nam chưa mấy lúc bình yên. Được dưới sân thì hỏng trên khán đài, được khán đài thì lại loạn trong các cuộc bầu bán, họp hành.
Bóng đá thời 4.0
Những vụ việc lùm xùm được Đại hội Liên đoàn bóng đá Việt Nam khóa 8 đã báo hiệu một nhiệm kỳ không yên ả cho ngôi nhà bóng đá của đất nước hình chữ S. Tháng 5 năm 2018, cuộc chiến công tác trọng tài giữa Ban trọng tài của VFF và VPF đã lên đến đỉnh điểm.
Cuốn băng ghi âm Phó Chủ tịch VPF Trần Mạnh Hùng dùng những lời lẽ dung tục và đe dọa nhắm vào phó Ban trọng tài Dương Văn Hiền được tung ra trên mạng. VPF đành dùng kế “khua chiêng gõ mõ” việc ông Hùng từ chức Phó Chủ tịch VPF rồi sau đó bất ngờ lặng lẽ quay lại.
Những vụ việc lùm xùm được Đại hội Liên đoàn bóng đá Việt Nam khóa 8 đã báo hiệu một nhiệm kỳ không yên ả cho ngôi nhà bóng đá của đất nước hình chữ S (ảnh VFF) |
Tất nhiên sau 6 phút băng ghi âm mà không khó biết ai là chủ nhân thì ông Trần Mạnh Hùng nên tốt nhất là rút lui khỏi danh sách ứng cử ghế Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính.
Đòn này, tưởng chỉ có trong “giang hồ”... Chỉ biết sau này khá nhiều quan chức VFF, học tập ông Park trao đổi công việc với nhau bằng giấy "để cho lành”. Đôi khi cũng bất tiện nhưng thời công nghệ 4.0, thiết bị ghi âm, ghi hình rẻ, đành cầm lòng thôi.
Phó Chủ tịch VFF Nguyễn Xuân Gụ (phụ trách truyền thông) sau sự cố không đăng ký lưu trú cho “người đàn bà lạ” ở cùng khách sạn tại TP.HCM đã phải từ chức trong tức tưởi. Vụ việc PC45 thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra khách sạn trên đường Mạc Đĩnh Chi (Q.1) được đưa vào “sách giáo khoa” của những nhà quản lý bóng đá, một vết nhơ khó nói.
Bản thân ông Gụ trong vai trò phụ trách truyền thông không phát ngôn, do trái cạ cũng không phát huy được nhiều ngoài vài phát biểu trên báo. Điển hình là ông cho rằng: “Tôi không phân công, không hiểu sao anh Nguyễn Lân Trung (người tiền nhiệm) lại có mặt trên chiếc xe bus 2 tầng đi đón U23 VN để rồi có lời đàm tiếu như thế” (tranh vị trí của ông Park và cầu thủ).
Trong 3 ông Phó VFF nhiệm kỳ trước, bầu Đức là người gai góc nhất. Để nâng cao “mặt bằng VFF” người ta chỉ cần đưa ra tiêu chí “có bằng đại học” là ông bầu ngang tàng này đủ tự ái để đứng dậy, ra đi khỏi ngôi nhà “ít người, nhiều ma”.
Ông Đức đã ra đi không ngoảnh mặt lại, để rồi trong lễ mừng công của đội tuyển U23 VN, bầu Đức và bầu Thắng mất hút. May thay, đêm đó người hầu bàn ở một khách sạn tại Đà Nẵng còn nhớ đến 2 ông, chụp tấm hình…đưa lên mạng để người ta nhớ, ông Park là do bầu Đức tìm ra, đưa về và…trả lương.
Nỗi lòng người trong cuộc
Đến giờ, ông Cấn Văn Nghĩa là người “khổ nhất” trong ngôi nhà VFF, kể từ khi đang là ứng cử viên cho chức Phó Chủ tịch cho đến khi viết đơn rút lui (ảnh VFF) |
Đến giờ, ông Cấn Văn Nghĩa là người “khổ nhất” trong ngôi nhà VFF. Kể từ khi đang là ứng cử viên cho chức Phó Chủ tịch cho đến khi viết đơn rút lui, luôn là mục tiêu của báo chí, chưa một ngày nào ông tiến sĩ về hưu được yên thân.
Gọi điện thì người tiền nhiệm (ông bầu Đức) không nghe, mà cứ nhè ông công kích thẳng tưng trên khắp các mặt báo như chưa hề quen nhau…
Điều khá lạ là Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Lê Khánh Hải, chủ tịch VFF cho rằng: “Hoạt động của bóng đá Việt Nam được vận hành bởi cả một bộ máy, không phải phụ thuộc vào cá nhân nào. Do vậy, việc rút lui của ông Cấn Văn Nghĩa không phải là vấn đề gây ảnh hưởng lớn”.
Không hiểu quan chức của Bộ quen tiêu tiền ngân sách không biết rằng vai trò cá nhân trong việc kiếm tiền nuôi bóng đá quan trọng đến thế nào. Ai làm cũng được, dễ dàng kiếm tiền tỷ, sao lại tranh cử chức PCT tài chính quyết liệt thế? Hẳn ông phải tự ngẫm vì sao 50 tỷ đồng ủng hộ U23 Việt Nam đầu năm 2018 của người hâm mộ lại không qua tài khoản VFF, mà trôi thẳng xuống đội tuyển.
Người đứng đầu VFF thì bảo “không phải phụ thuộc vào cá nhân nào” nhưng ông Nghĩa lại khoe “dưới thời ông Nghĩa, VFF đã nhận được 148 tỷ đồng tiền tài trợ. Trong đó, có đến 30% từ các doanh nghiệp của Việt Nam - điều chưa từng có trong tiền lệ. Các đội tuyển Việt Nam cũng lần đầu tiên kiếm được hợp đồng bản quyền truyền hình trị giá 5 tỷ đồng, và có một số đối tác bỏ tiền lo cho bóng đá nữ”. Đúng là trống đánh xuôi, kèn thổi ngược.
“Ông Cấn Văn Nghĩa cho rằng bản thân đã làm được nhiều việc cho bóng đá Việt Nam, trước khi quyết định từ chức” (trích dẫn VnExpress) nhưng VFF phụ ông, không đỡ lời trước dư luận hay là ông Nghĩa tranh công, VFF cũng cần nó rõ cho công luận. Còn đúng sai thời ông làm Giám đốc Khu LHTT Mỹ Đình thì hãy chờ kết luận thanh tra, khỏi bàn ở đây!
Nhiều người vẫn cho rằng bản tính “âm thầm làm việc” của ông Nghĩa nên nhiều khi cộng sự và báo chí không biết, nếu thay vì né tránh, VFF công khai tổ chức cuộc họp báo thì mọi chuyện sẽ hay hơn nhiều.
Người ngoài…cũng buồn
Nghe ông Nghĩa phát biểu:"Bây giờ, tôi nghỉ vai trò phó Chủ tịch VFF nhưng vẫn còn công việc bên Hiệp hội thể thao dưới nước. Tôi sẽ dồn sức cho chiến dịch 'Chống đuối nước ở trẻ em'" chắc chắn 36 đại biểu dành lá phiếu ủng hộ ông sẽ buồn. Lá phiếu chỉ có giá trị 6 tháng, để ông Nghĩa trở thành quan chức VFF ngắn nhất tại vị với một kết thúc không lấy gì vui vẻ.
Bao giờ mặt bằng VFF cân bằng với xã hội (ảnh Songlamplus) |
Bóng đá vốn là môn thể thao vua, đứng đầu trong các môn thể thao trên thế giới nhưng ông Nghĩa, một TS giáo dục lại dành tâm huyết cho Hiệp hội thể thao dưới nước. Bóng đá Việt Nam rớt giá (??!).
Lời hứa sẽ kiếm về cho VFF 400 tỷ đồng trong vai trò Phó Chủ tịch phụ trách tài chính và vận động tài trợ, Ủy viên BCH VFF khóa VIII sớm tan thành mây khói vì lý do…sức khỏe. Không biết những người từng ủng hộ ông Nghĩa sẽ nghĩ gì lúc này?
Ngôi nhà VFF vốn không yên ả. Mới đây, cuộc họp kéo dài 4 giờ tại trụ sở Liên đoàn bóng đá Việt Nam (Mỹ Đình, Hà Nội), giữa lãnh đạo VFF và người đại diện của HLV Park Hang-seo, ông Lee Dong-jun để gia hạn hợp đồng vẫn chưa có hồi kết. Nếu điều người hâm mộ không mong đợi sẽ đến thì chắc chắn Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Lê Khánh Hải, chủ tịch VFF và các cộng sự khó lòng mà yên thân với dư luận.