Nghiên cứu sắc thuế riêng cho chứng khoán phái sinh: Các nước khác làm thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bộ Tư pháp vừa công bố dự thảo' Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023', trong đó đề cập tới việc bổ sung quy định riêng về thuế với chứng khoán phái sinh.

Theo Bộ Tư pháp, hoạt động chuyển nhượng chứng khoán, thu nhập chịu thuế được xác định là giá chuyển nhượng từng lần với thuế suất 0,1%. Mặt khác, Luật Chứng khoán 2019 quy định chứng khoán bao gồm: cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán phái sinh và các loại chứng khoán khác.

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cho rằng, có sự khác biệt về bản chất giữa chứng khoán cơ sở và chứng khoán phái sinh.

Cụ thể, giá trị của chứng khoán phái sinh phụ thuộc vào giá trị của một hoặc nhiều loại tài sản cơ sở. Do đó, chứng khoán phái sinh không có đầy đủ giá trị nội tại như chứng khoán cơ sở.

Nhà đầu tư nắm giữ chứng khoán phái sinh không được hưởng các quyền cổ đông như khi nắm giữ chứng khoán cơ sở: không có quyền tham dự đại hội đồng cổ đông; không có quyền nhận cổ tức.

Bên cạnh đó, trên thị trường phái sinh không diễn ra các giao dịch chuyển nhượng toàn bộ giá trị giao dịch và chuyển giao tài sản từ bên bán cho bên mua như thị trường cơ sở (trừ hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ chuyển giao vật chất giữ đến ngày đáo hạn).

Thêm nữa, giá trị của chứng khoán phái sinh được khuếch đại lên nhiều lần do hệ số nhân hợp đồng khi thiết kế các sản phẩm phái sinh. Việc thanh toán chuyển giao giữa các nhà đầu tư chỉ là giá trị chênh lệch giá (lãi/lỗ).

Do đó, Bộ Tư pháp nhận thấy việc cần thiết nghiên cứu để quy định riêng về thuế đối với chứng khoán phái sinh để phù hợp với bản chất hoạt động kinh doanh, giao dịch chứng khoán của cá nhân, phân biệt với chứng khoán cơ sở.

Đơn vị này cũng trích dẫn kinh nghiệm quốc tế cho thấy các nước dần chuyển sang đánh thuế dựa trên thu nhập thực đối với chứng khoán phái sinh.

Bộ Tư pháp cho hay, nếu áp dụng phương pháp tính thuế trên giá trị giao dịch thì thuế suất phải linh hoạt đối với từng sản phẩm chứng khoán phái sinh và mức thuế suất phải thấp hơn rất nhiều lần so với mức thuế suất áp dụng cho thị trường chứng khoán cơ sở.

Tại Đài Loan, thuế suất trên thường phái sinh thấp hơn từ 150 – 600 lần so với thuế suất trên thị trường cơ sở.

Trong khi đó, Ấn Độ áp dụng thuế suất 0,01% đối với hợp đồng tương lai; 0,05% với phí quyền chọn; và 0,125% khi thực hiện quyền.

Tại Việt Nam, thị trường chứng khoán phái sinh chính thức hoạt động và đưa vào giao dịch từ tháng 8/2017.

Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh mở mới duy trì và tăng trưởng bền vững trong giai đoạn 2017 – 2020, tăng trưởng đột biến trong năm 2021. Tính đến cuối năm 2022, thị trường có 1,18 triệu tài khoản chứng khoán phái sinh.

Từ ngày 15/12/2022, Trung tâm Lưu ký Việt Nam (VSD) đã thực hiện điều chỉnh tăng tỷ lệ ký quỹ ban đầu tối thiểu đối với hợp đồng tương lai chỉ số VN30 từ 13% lên 17%. Một số chuyên gia cho rằng, việc tăng tỷ lệ ký quỹ giúp hãm dòng tiền đầu cơ vào thị trường chứng khoán phái sinh./.