Các nhà nghiên cứu thuộc ĐH Fudan, thành phố Thượng Hải, Trung Quốc đã phát hiện ra rằng, khoảng 222 bệnh nhân mắc COVID-19 tham gia nghiên cứu của họ có kháng thể có thể giúp virus corona chủng mới thâm nhập vào tế bào miễn dịch của họ. Nhóm này chiếm 8% trong số những bệnh nhân mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ, và 76% những bệnh nhân đã hết triệu chứng nặng.
Vấn đề trên còn được gọi là hiện tăng phụ thuộc kháng thể, viết tắt là ADE, và từng xuất hiện với những người nhiễm các loại virus khác như Zika, sốt xuất huyết hay SARS. Nó cũng làm ảnh hưởng tới quá trình phát triển vaccine và thuốc điều trị các loại virus này.
“Khả năng sinh ra các phản ứng ADE như vậy đã làm nảy sinh nhiều quan ngại về việc sử dụng kháng thể hay huyết tương như một phương thuốc điều trị COVID-19”; đội ngũ nhà nghiên cứu dẫn đầu bởi ông Huang Jinghe, nói trong một tuyên bố của họ, sau khi công bố báo cáo.
Phát hiện của nhóm nghiên cứu được công bố cùng thời điểm mà hãng dược phẩm Mỹ Eli Lilly quyết định ngừng thử nghiệm lâm sàng một loại thuốc kháng thể điều trị COVID-19, với lý do “quan ngại về tính an toàn” khi sử dụng. Giai đoạn thử nghiệm 3 của hãng dược này có sự tham gia của hàng trăm bệnh nhân, và được Chính phủ bảo trợ. Giới chức Mỹ nói rằng “trạng thái lâm sàng” của các bệnh nhân tham gia thử nghiệm đã vượt qua ngưỡng an toàn cho phép.
Eli Lilly hiện chưa đưa ra bình luận gì về nghiên cứu mới của các nhà khoa học Trung Quốc.
Hồi đầu tháng này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hoan nghênh một phương pháp điều trị bằng kháng thể của hãng Regeneron mà ông cho là đã giúp ông khỏi bệnh COVID-19. Ông được cho sử dụng một liều kháng thể hỗn hợp cao bất thường, và các bác sĩ của ông nói rằng các triệu chứng bệnh đã nhanh chóng biến mất sau đó.
Mặc dù kháng thể có thể giúp vô hiệu hóa những kẻ tấn công từ bên ngoài, nhưng các phân tử hình chiếc nĩa này đôi lúc cũng bị một chủng virus lợi dụng để thâm nhập vào tế bào con người.
Đội ngũ nhà nghiên cứu của ông Huang đã phát hiện ra rằng, hiện tượng ADE có xu hướng xảy ra khi mức độ kháng thể trong máu khá thấp. Ở các bệnh nhân có lượng lớn kháng thể, họ có đủ khả năng vô hiệu hóa virus corona chủng mới.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng xác nhận về cái mà họ gọi là kháng thể có rủi ro cao, có tên 7F3, được tìm thấy trong các bệnh nhân mắc COVID-19. Họ kêu gọi các nhà phát triển vaccine đánh giá lại xem liệu các mũi tiêm thử nghiệm của họ có khiến hệ miễn dịch sản sinh ra loại kháng thể như 7F3 hay không, ngoài ra nhấn mạnh rằng rất có khả năng còn nhiều loại kháng thể có liên hệ với ADE chưa được xác định.
Hiện có hơn 100 chủng vaccine đang được phát triển trên khắp thế giới; theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), và 2 cuộc thử nghiệm lâm sàng mới đây đã bị hoãn do các quan ngại về tính an toàn. Một trong số các cuộc thử nghiệm bị hoãn sau đó được nối lại ở châu Âu, nhưng cuộc còn lại vẫn đang bị hoãn ở Mỹ vì lý do không được công bố.
Trung Quốc và Nga đã phê chuẩn sử dụng vaccine ngừa COVID-19 trong trường hợp khẩn cấp từ trước khi hoàn thành các cuộc thử nghiệm trên người, và hàng trăm nghìn người được cho là có nguy cơ mắc bệnh cao đã được tiêm vaccine bên ngoài các cuộc thử nghiệm này.
Giới y bác sĩ từ lâu đã báo cáo về các tác dụng tiêu cực của kháng thể trong một số trường hợp sử dụng cho bệnh nhân mắc COVID-19 dạng nặng – những người có tình trạng bệnh diễn biến tồi tệ nhanh chóng sau khi hệ miễn dịch của họ bắt đầu sản sinh kháng thể để chống lại virus.
Đội ngũ của ông Huang nói rằng các vaccine ứng viên hiện nay đủ khả năng để sản sinh các kháng thể cần được đánh giá lại vì nguy cơ sản sinh ra ADE.
“Một chủng vaccine có thể sản sinh ra mức độ kháng thể cao (mà không có hiệu ứng ADE) sẽ an toàn hơn so với loại sản sinh ra mức độ thấp” – nhóm nghiên cứu cho hay, nhắc mức độ tập trung của kháng thể trong máu.
Họ cũng nói rằng, các quan ngại về độ an toàn của vaccine nên được giải quyết ngay trước khi tiến hành chương trình tiêm chủng rộng khắp.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu