Ngay trong ngày 1/7, Đại diện thường trực của Nhật Bản tại Liên hợp quốc, ông Koro Bessho đã tổ chức họp báo, bày tỏ “quan ngại sâu sắc” đối với vấn đề Biển Đông.
Đồng thời ông Koro Bessho cho biết thêm nếu có nước thành viên Liên hợp quốc hoặc nước khác đưa ra đề nghị thì sẽ đưa vấn đề Biển Đông ra thảo luận tại Hội đồng bảo an.
Hội đồng bảo an Liên hợp quốc gồm 5 nước thành viên thường trực (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp) và 10 nước thành viên không thường trực được lựa chọn. Chức Chủ tịch do 15 nước thay nhau đảm nhiệm dựa vào thứ tự chữ cái tiếng Anh, thời gian nhậm chức là một tháng.
Đối với các vấn đề liên quan đến hòa bình và an ninh của cộng đồng quốc tế do bản thân tự xác định, Chủ tịch có quyền quyết định tổ chức hội nghị thảo luận công khai, để đại diện các nước trình bày ý kiến.
Lần này, các phương tiện truyền thông Nhật Bản đều đã đề cập tới tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông.
Đáng chú ý, vào ngày 12/7 tới, Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc (PCA) cũng sẽ công bố phán quyết về vụ kiện Biển Đông của Philippines. Phán quyết sắp đến này, được tờ Thời báo Nhật Bản (tiếng Anh) dẫn lời rất nhiều chuyên gia nhận định, sẽ bất lợi cho Trung Quốc.
Trang tin sina Trung Quốc hùng hổ rằng bất kể phán quyết cuối cùng như thế nào, Trung Quốc đều đã cho biết rõ là họ sẽ “không chấp nhận, không tham gia”.
Sina Trung Quốc thậm chí cố tỏ ra nghi ngờ tính công bằng của phán quyết với lý do thẩm phán quốc tịch Nhật Bản, ông Shunji Yanai đã nỗ lực rất nhiều cho vụ kiện này. Phần lớn thành viên tòa phán quyết lâm thời lần này do ông Shunji Yanai chọn lựa.
Sina dự báo, trong tháng 7/2016, Nhật Bản sẽ tiếp tục can dự vào vấn đề Biển Đông trên các diễn đàn quốc tế, bất chấp Bắc Kinh nhiều lần cảnh báo trước đó.
Ngày 27/6, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Shinsuke Sugiyama còn cho biết Nhật Bản đang theo dõi chặt chẽ vụ kiện trọng tài Biển Đông, cho rằng Nhật Bản độc lập hoặc cùng với các nước G7, các nước ASEAN ra tuyên bố về vấn đề này là phù hợp.