Theo kế hoạch thoái vốn được công bố tại Roadshow, SCIC sẽ thoái 130.630.680 cổ phiếu VNM, tương đương 9% vốn điều lệ Vinamilk mà đơn vị này đang nắm giữ.
Thời điểm tổ chức chào bán là vào ngày 2/12, địa điểm chào bán tại trụ sở Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM. Các cá nhân, tổ chức muốn tham gia mua cổ phần VNM có thể đăng ký và đặt cọc từ ngày 23/11 đến 1/12. Giao dịch sẽ được tiến hành từ ngày 5-8/12 và hoàn tất vào ngày 12/12.
Dựa trên quy chế bán vốn, SCIC sẽ lựa chọn nhà đầu tư bằng hình thức chào bán cạnh tranh nếu có từ 2 nhà đầu tư trở lên đăng ký mua. Nếu chỉ có một nhà đầu tư muốn mua thì SCIC sẽ tiến hành thỏa thuận trực tiếp. Giao dịch sẽ thông qua Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM hoặc thông qua Trung tâm Lưu ký chứng khoán.
Giá khởi điểm, số lượng cổ phần đặt mua tối thiểu… dự kiến sẽ được công bố vào ngày 23/11 tới đây. Các nhà đầu tư muốn biết rõ về thông tin đợt chào bán có thể truy cập website của SCIC, HoSE, SSI, Vinamilk.
Phương thức lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện giao dịch là tổ chức chào bán cạnh tranh nếu có từ 2 nhà đầu tư đăng ký mua hoặc thỏa thuận trực tiếp nếu có một nhà đầu tư đăng ký mua.
Đối tượng tham gia chào bán cạnh tranh là tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, không thuộc các đối tượng bị cấm hoặc hạn chế quyền đầu tư mua cổ phần của các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Các đối tượng này chỉ cần có đơn đăng ký chào bán cạnh tranh theo đúng mẫu và nộp đúng thời hạn quy định, đặt cọc đủ 10% giá trị cổ phần đăng ký mua.
Hiện SCIC chưa công bố mức giá khởi điểm cụ thể cho thương vụ. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Chí Thành, P. TGĐ SCIC, giá đặt mua của nhà đầu tư không được thấp hơn giá khởi điểm và mức giá sàn mà SCIC đưa ra của ngày chào bán (được xác định từ kết quả giao dịch của phiên đóng cửa, lúc 14h45 ngày T-1).
Trong trường hợp mức giá sàn được định giá cao hơn giá khởi điểm và không phù hợp với khoảng giá mà nhà đầu tư chấp nhận thì nhà đầu tư có thể lựa chọn hủy đăng ký tham dự chào bán cho đến 16h00 ngày T-1.
P.TGĐ SCIC Nguyễn Chí Thành cũng tiết lộ, sau buổi roadshow này, SCIC sẽ họp bàn lại lần nữa đế chốt mức giá chào bán khởi điểm và công bố cho nhà đầu tư trong thời gian sớm nhất có thể.
Cũng tại buổi gặp gỡ, đại diện Vinamilk đã trả lời thắc mắc của một số nhà đầu tư về tình hình và triển vọng phát triển của doanh nghiệp.
Ông Trần Chí Sơn - Trưởng Bộ phần tài chính cho hay, năm 2015, Vinamilk đạt doanh thu 40.080 tỷ đồng (tăng 14,3%), lợi nhuận gộp đạt 16.262 tỷ đồng (tăng 42,8%), lợi nhuận sau thuế đạt 7.770 tỷ đồng (tăng 28%).
9 tháng đầu năm 2016, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Vinamilk đạt lần lượt là 34.986 tỷ đồng (tăng 14,3%) và 7.535 tỷ đồng (tăng 28%).
Vinamilk hiện là một trong những nhà sản xuất sữa lớn nhất khu vực Đông Nam Á với 13 nhà máy sản xuất và đàn bò khoảng 15.000 con. Vinamilk hiện có 243 nhà phân phối độc quyền và 215.000 điểm bán lẻ trên cả nước.
Ngoài thị trường trong nước, sản phẩm của Vinamilk hiện đang có mặt tại 43 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo thống kệ, kim ngạch xuất khẩu hiện chiếm đến 13% tổng doanh thu hợp nhất của Vinamilk.
Chia sẻ với quan ngại của các NĐT về sức cạnh tranh từ ảnh hưởng của các hiệp định thương mại tự do như TPP, bà Liên cho biết TPP sẽ không tác động lớn lắm đến VNM bởi hiện nay, các nước xuất khẩu lớn như Úc và New Zealand đã về 0% rồi.
“Về kế hoạch trong vòng 3 năm tới đối với người nông dân, nếu có TPP thì năng suất phải tăng thêm để giảm giá thành so với mức chung của thế giới”, bà Liên cho biết.
Về tiềm năng tăng trưởng của VNM trong vòng 5 năm tới, bà Liên cho rằng nhu cầu sữa của VN vẫn đăng tăng do tiêu chuẩn trên đầu người vẫn ở mức thấp, chưa đến điểm bảo hòa. Một điều rất quan trọng đối với tiềm năng của VNM là tốc độ tăng dân số của VN rất cao, mỗi năm 1,2 triệu trẻ em ra đời.
Theo kế hoạch của VNM, tốc độ tăng trưởng bình quân tăng khoảng 7%, xấu nhất tăng 5%, tích cực là 10%. Thế nhưng, bà Liên cho rằng phải lấy được thị phần, tức là phải tăng trưởng trên 7%/năm đó là mục tiêu của VNM trong vòng 5 năm tới./.