PV: Trước hết, xin được hỏi bà về lý do khiến Đại học Hoa Sen quyết định mở mã ngành Kinh tế Thể thao?
TS. Trương Thị Hồng Minh: Cách đây 2 năm, chúng tôi đã quan tâm đến thể thao trong nước và quốc tế và nhận thấy, nhân lực về kinh tế là một thành tố không thể thiếu trong các hoạt động thể thao.
Sau đó, chúng tôi đã dành khoảng 6 tháng để khảo sát các bên liên quan, bao gồm các doanh nghiệp, các cơ sở thể thao… Chúng tôi cũng khảo sát cả nhu cầu của người học về ngành này và cả các chuyên gia trong ngành thể thao.
Sau khi xong các bước khảo sát, chúng tôi đi đến kết luận là kinh tế thể thao rất có tiềm năng. Có thể hiện tại, về thị trường thể thao, mọi người còn chưa hình dung được kinh tế thể thao là gì. Và nhiều người vẫn định hướng về thể thao thi đấu, huấn luyện. Vì thế, đây chính là cơ hội cho giáo dục đại học nói chung và Đại học Hoa Sen nói riêng, bắt tay vào đào tạo lĩnh vực kinh tế thể thao.
Bên cạnh đó, chúng tôi đã tham khảo 30 chương trình đạo tạo liên quan đến ngành kinh tế thể thao trong và ngoài nước, trong đó, có 8 trường tại Việt Nam và 20 trường nước ngoài.
Hiện nay, ngành kinh tế thể thao tại Việt Nam cũng như tại khu vực TPHCM vẫn chưa là 1 ngành độc lập, thường được đào tạo như một trong những chuyên ngành hoặc ngành phụ của các ngành quản trị hay thể thao thuần tuý. Điều này cho thấy cơ hội cũng như nhiệm vụ quan trọng của Đại học Hoa Sen trong việc đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này, để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
PV: Nói đến bóng đá ở Việt Nam, người ta mới chỉ biết đến vai trò của “ông bầu” và huấn luyện viên. Còn vai trò của giám đốc điều hành (CEO) thì tương đối mờ nhạt. Xin bà cho biết ý kiến về thực tế này?
TS Trương Thị Hồng Minh: Từ xưa đến nay, thể dục thể thao đối với chúng ta dường như quá quen thuộc và phổ biến, nhưng không phải ai cũng có thể hiểu được cụ thể về cơ chế tài chính, cách thức quản lý và điều hành các hoạt động thể dục thể thao, công tác marketing hay những am hiểu về các sản nghiệp thể thao và văn hoá thể thao.
Có thể ở Việt Nam, chúng ta chưa mấy hình dung được vai trò của các CEO trong thể thao. Việc này có nhiều nguyên nhân mà ngay trong các tổ chức thể thao, người ta cũng chưa thực sự nhấn mạnh được yếu tố kinh tế.
Hoạt động của các tổ chức thể thao là thuần tuý thể thao hay kinh tế? Với các đội bóng đá, người ta sẽ quan tâm nhiều tới cầu thủ và huấn luyện viên. Nhưng để nuôi sống cầu thủ, để cầu thủ kiếm thêm thu nhập… thì điều đó phụ thuộc vào ai? Điều đó không chỉ phụ thuộc vào “ông bầu” mà rất cần phải có người điều hành các hoạt động của đội bóng.
Chỉ khi thể thao Việt Nam thực sự là "kinh doanh" thì mới thấy được vai trò rất quan trọng của vị trí giám đốc điều hành |
Khi tiến hành khảo sát về kinh tế thể thao, bên cạnh các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thể thao, chúng tôi cũng đã mời một cựu cầu thủ bóng đá từng rất nổi tiếng và hiện tại hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thể thao. Hiện tại, cựu danh thủ này đang lãnh đạo một học viện bóng đá và đã bước chân vào lĩnh vực kinh tế thể thao.
Ở thị trường thể thao nhiều nước, ngành thể thao mang lại giá trị kinh tế rất cao, có thể kể đến như Mỹ, Trung Quốc, Anh hay một số nước châu Âu, lĩnh vực kinh doanh thể thao chiếm tỉ trọng khoảng 2.0 - 2.4% GDP. Trong khi đó, ở Việt Nam, thể thao chưa thực sự là kinh doanh, mà chủ yếu mới chỉ là quảng bá cho doanh nghiệp của các “ông bầu”. Và chỉ khi thể thao Việt Nam thực sự là “kinh doanh” thì xã hội mới thấy được vai trò hết sức quan trọng của các CEO ở đây. Có thể nói, ngành kinh tế thể thao vẫn chưa phát triển đúng với tiềm năng của nó.
Không chỉ có bóng đá mà tất cả các lĩnh vực thể thao đều không thể thiếu yếu tố kinh doanh. Điển hình có thể nói tới các nhà sản xuất trang thiết bị thể thao, các trung tâm thể thao … cũng đã chuyển mình theo kinh tế thị trường. Có thể nói, không nên chỉ xem thể thao là hoạt động vui chơi giải trí, mà còn xem nó như là một ngành có thể mang lại giá trị kinh tế không hề nhỏ trong tương lai, các tổ chức thể thao cần phải được nghiên cứu và xem xét trong bối cảnh kinh tế.
PV: Vậy bà kỳ vọng gì về thị trường nhân lực cho kinh tế thể thao?
TS Trương Thị Hồng Minh: Thị trường đồ thể thao tại Việt Nam đang ngày càng nở rộ, nhiều thương hiệu thể thao nổi tiếng thế giới đã có mặt để tranh đua với thị trường đầy tiềm năng này.
Tuy nhiên theo khảo sát của chúng tôi, hiện tại nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực kinh tế thể thao được đánh giá là chưa chuyên nghiệp. Chuyên gia kinh tế thể thao phải là những người có kiến thức về kinh tế và làm việc trong các lĩnh vực thể thao. Nhưng những người làm công việc này chủ yếu mới chỉ là đam mê. Song những sự đam mê đó phải được cập nhật kiến thức để tạo ra giá trị kinh tế cho thể thao.
Như vậy, nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho kinh tế thể thao hiện tại chưa có. Nắm bắt nhu cầu này, chúng tôi đã mạnh dạn xin mở mã ngành kinh tế thể thao. Chúng tôi mong muốn đào tạo ra nguồn nhân lực chuyên nghiệp am hiểu quy trình vận hành và quản lý trong các tổ chức thể thao, công ty truyền thông và marketing thể thao, các doanh nghiệp kinh doanh thể thao, các hoạt động liên quan đến các câu lạc bộ lớn nhỏ.
Đây chính là cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên ngành Kinh tế thể thao. Nguồn nhân lực ở đây phải là hiểu rõ cách thức quản trị của thể thao nói chung và đem lại giá trị kinh tế cho thể thao.
PV: Cuối cùng, xin có một câu hỏi. Vì sao mã ngành kinh tế thể thao của Đại học Hoa Sen lại ra đời ở Khoa Du lịch chứ không phải ở Khoa Kinh tế?
TS Trương Thị Hồng Minh: Có rất nhiều người đã đặt câu hỏi này với chúng tôi. Câu trả lời đầu tiên là định hướng chiến lược phát triển của Khoa Du lịch là du lịch phải gắn với các sự kiện thể thao, văn hoá cùng các sự kiện…
Khoa chúng tôi đã có định hướng là nếu du lịch gắn với thể thao thì bản thân mình phải phát triển như thế nào? Như vậy, kinh tế thể thao hoàn toàn có thể là một mảng đào tạo nằm trong Khoa Du lịch và mà nằm trong 3 mũi nhọn mà chúng tôi muốn phát triển đó là du lịch, sự kiện và thể thao.
PV: Xin cám ơn bà và rất tin tưởng vào sự thành công của chuyên ngành kinh tế thể thao ở Đại học Hoa Sen!