Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương vừa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác vận hành Thị trường phát điện cạnh tranh giai đoạn từ 1 tháng 7 năm 2014 đến 30 tháng 6 năm 2015 và Kế hoạch triển khai Thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Tại đây, câu chuyện về những khó khăn, vướng mắc tại các công ty thủy điện tiếp tục đưa ra mổ xẻ.
Thủy điện nhỏ gặp khó với tỷ giá
Thị trường phát điện cạnh tranh Việt Nam đã chính thức vận hành từ 1/7/2012 với 29 nhà máy trực tiếp tham gia chào giá. Tính đến tháng 8/2015 đã có 60 nhà máy trực tiếp tham gia thị trường điện với tổng công suất là 14.952 MW, chiếm tỷ lệ 40% tổng công suất của toàn hệ thống điện. Đây là con số ấn tượng mà ít người nghĩ đến khi bắt đầu hình thành thị trường điện.
Sau 3 năm đi vào vận hành chính thức, thị trường phát điện cạnh tranh Việt Nam đã mở ra rất nhiều cơ hội và thách thức cho Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), người tiêu dùng cũng như các đơn vị phát điện.
Tuy nhiên, một điều đáng nói là, sau khi thị trường phát điện cạnh tranh chính thức vào hoạt động, những khó khăn đã bộ lộ tại những nhà máy pháp điện.
Theo đó, là một trong những đơn vị phát điện đầu tiên tham gia thị trường điện từ thời điểm 1/7/2012, với tỷ lệ sản lượng hợp đồng năm đầu tiên là 95% đến hiện nay là 80%, Nhà máy Thủy điện Sông Côn 2 đã gặp khá nhiều khó khăn liên quan đếnvấn đề tỷ giá, thời tiết.
Theo bà Trần Kim Oanh, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Geruco Sông Côn (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam), do những ràng buộc của thị trường và chịu ảnh hưởng trực tiếp của những yếu tố không thể tính toán như thủy văn, thời tiết… nên thời gian qua, phần lớn đơn vị thủy điện nhỏ gặp bất lợi khi tham gia phát điện cạnh tranh.
Dẫn chứng vấn đề này, bà Oanh cho biết, trong trường hợp hạn hán, giá thị trường cao, mực nước hồ xuống thấp, nhà máy không đủ sản lượng điện hợp đồng dẫn đến giảm doanh thu. Cùng với đó, vào mùa lũ, tất cả hồ chứa đều tràn, hệ thống điện trong tình trạng thừa nguồn, giá thị trường bằng 0, nhà máy thủy điện phải chạy với giá khống chế bằng 0 nên doanh thu rất thấp.
Bà Oanh cũng chia sẻ thêm, do giới hạn truyền tải của đường dây 500 KV Bắc - Nam nên việc lập lịch huy động các nhà máy điện ở miền Trung cũng bị ảnh hưởng, có nhiều thời điểm thiếu nguồn và hồ tràn nhưng nhà máy vẫn bị giới hạn công suất phát dẫn.
Một điều khó khăn nữa cũng được Công ty CP Thủy điện Geruco Sông Côn đưa ra đó là những tác động của kinh tế vĩ mô, trong đó quan trọng nhất là tỷ giá ngoại tệ. Phần lớn các nhà máy trên thị trường có chi phí đầu tư rất lớn phải vay ngoại tệ và phải nhập khẩu thiết bị công nghệ từ nước ngoài. Một lần Ngân hàng Nhà nước thay đổi chính sách ngoại hối thì đối tượng gánh chịu áp lực nặng nề nhất chính là các nhà đầu tư nguồn, trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất là Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN).
Thị trường điện cạnh tranh vẫn còn thời gian dài trên giấy
Cũng liên quan đến câu chuyện vận hành thị trường điện, đại diện Bộ Công Thương cho biết, từ năm 2016 thị trường bán buôn cạnh tranh sẽ chính thức vận hành, dù là vận hành trên giấy. “Việc để một năm vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh trên giấy nhằm mục đích "dò đá qua sông", để nếu có vướng mắc còn điều chỉnh”.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cũng đánh giá, trong 3 năm qua, thị trường điện Việt nam đã được triển khai thực hiện theo đúng quy định, đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn tin cậy, cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội. Thị trường đã tạo cơ hội để tăng minh bạch, công bằng trong việc huy động các nguồn các nhà máy điện, đã rút ngắn thời gian sửa chữa bảo dưỡng, cắt giảm chi phí vận hành, chủ động trong chào giá nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất của đơn vị.
“Kết quả vận hành thị trường phát điện cạnh tranh trong 3 năm qua đã khẳng định đúng đắn về triển khai thị trường điện ở nước ta. Qua đó, Bộ Công Thương và các thành viên tham gia thị trường điện đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm tốt cho triển khai thị trường bán buôn cạnh tranh trong tương lai”, ông Vượng nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, thị trường bán buôn cạnh tranh sẽ chính thức đi vào vận hành năm 2016, mặc dù vận hành trên giấy. Từ năm 2019, thị trường bán buôn cạnh tranh sẽ vận hành chính thức trên thị trường. Đó là bước đến để đến năm 2021 sẽ có thị trường bán lẻ cạnh tranh. Quãng thời gian 5 - 6 năm nghĩ thì dài nhưng thật ra rất nhanh. Do đó, các đơn vị phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và để tiến đến thị trường điện bán lẻ cạnh tranh.
Lý giải về việc thị trường bán buôn cạnh tranh sẽ vận hành trên giấy từ năm 2016, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng chia sẻ, việc để một năm vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh trên giấy là nhằm mục đích "dò đá qua sông" để nếu có vướng mắc còn điều chỉnh. Vì thế, kế hoạch triển khai thị trường bán buôn điện cạnh tranh Bộ Công Thương rất thận trọng.
Yến Nhi theo VnMedia