Tờ Sputnik Nga ngày 15 tháng 2 cho hay Không quân Ấn Độ sẽ đổi sang trang bị động cơ AL-41F1S (117S) sau khi nâng cấp hiện đại hóa máy bay chiến đấu Su-30MKI. Trong khi đó, động cơ 117S được sử dụng cho máy bay chiến đấu Su-35S.
Không quân Ấn Độ trang bị khoảng 230 máy bay chiến đấu Su-30MKI, tổng số lượng mua sắm là 270 chiếc. Hiện nay, Su-30MKI trang bị động cơ AL-31FP có lực đẩy 12500 kgf, trong khi đó động cơ 117S là phiên bản cải tiến của AL-31F, được sử dụng cho máy bay Su-35S, lực đẩy có thể đạt 14500 kgf, có khả năng đẩy véc-tơ.
Trong xu thế máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư trên thế giới bắt đầu phổ cập động cơ lực đẩy trên 13000 kgf, Không quân Ấn Độ đổi sang trang bị động cơ lực đẩy lớn hơn cho máy bay chiến đấu chủ lực của họ là điều rất thích hợp.
Máy bay chiến đấu Su-30MKI của Ấn Độ là máy bay chiến đấu chủ lực của Không quân Ấn Độ hiện nay, động cơ hiện đang sử dụng và động cơ sắp sử dụng đều do Công ty động cơ thống nhất Nga cung cấp.
Vào thứ Tư vừa qua, ông Alexander Artyuhov, giám đốc điều hành Công ty động cơ thống nhất Nga cho biết sau khi hoàn thành nâng cấp hiện đại hóa máy bay chiến đấu Su-30MKI, Không quân Ấn Độ sẽ nhận được động cơ mà máy bay chiến đấu thế hệ 4++ trang bị.
Alexander Artyuhov đưa ra tuyên bố trên tại Triển lãm hàng không Ấn Độ năm 2017. Ông cho biết thêm rằng động cơ này có ưu thế rõ rệt về tính năng so với "tiền bối" của nó.
Được biết, mặc dù Nga đặt tên cho động cơ của máy bay Su-35S là AL-41FC1, nhưng trên thực tế động cơ này vẫn là phiên bản phát triển sâu sắc của dòng động cơ AL-31F.
AL-41FC1 do Tổ hợp công nghiệp động cơ Ufa (UMPO) sản xuất, có lực đẩy véc-tơ và lực đẩy sau khi đốt nhiên liệu phụ trội với tối đa là 14500 kgf.
Máy bay chiến đấu Su-35SK do Trung Quốc mua sắm cũng được trang bị động cơ này. Một con đường phát triển khác của động cơ AL-31F là dòng 99M do Công ty động cơ Salut nghiên cứu phát triển. Những năm gần đây, Trung Quốc đã mua sắm sản phẩm động cơ dòng này.
Ngoài ra, động cơ AL-31FN Series3 trang bị cho máy bay chiến đấu J-10 Trung Quốc cũng đã áp dụng công nghệ của dòng 99M để tiến hành cải tiến, lực đẩy lớn nhất có thể đạt 13700 kgf.
Có tin cho biết sau khi mua sắm máy bay chiến đấu Su-35SK của Nga, Trung Quốc cũng đã mua sắm một bộ phận động cơ 117S để tiến hành thử nghiệm. Nga đồng ý độc lập bán động cơ 117S và có thể đồng ý chuyển nhượng công nghệ.
Tuy nhiên, những năm gần đây, hai nhà máy chế tạo động cơ chủ yếu của Nga đều gặp phải các vấn đề như "chảy máu" nhân viên, trình độ quản lý chất lượng sản xuất giảm đi, đồng thời đã thổi phồng về thông tin sản phẩm khi tuyên truyền ở nước ngoài.
Có tin cho biết lực đẩy thực tế của động cơ AL-31FN Series 3 được thử nghiệm ở trong nước không hề có ưu thế rõ rệt so với động cơ WS-10B lực đẩy 13,5 tấn do Trung Quốc tự chế tạo. Trong khi đó, độ tin cậy, tính ổn định về chất lượng còn không được như WS-10B.
Hiện còn chưa rõ trình độ của động cơ 117S (hay AL-41F) có ưu thế rõ rệt hơn AL-31FN Series 3 hay không. Kết quả thử nghiệm này có thể gây ảnh hưởng quan trọng tới sự lựa chọn hệ thống động lực cho máy bay chiến đấu của Trung Quốc trong tương lai.
Máy bay MiG-27 do Cục thiết kế MiG Nga nghiên cứu chế tạo cho Ấn Độ. Sau khi đổi sang trang bị động cơ AL-31, các tính năng như mức tiêu hao nhiên liệu lại giảm. Bởi vì, để đáp ứng nhu cầu đổi động cơ, phải tiến hành cải tiến đối với ngoại hình máy bay, kết quả lại làm cho tính năng tổng thể kém đi.
Có chuyên gia quân sự cho rằng Ấn Độ mua động cơ 117S là một sự lựa chọn sáng suốt. Bởi vì, động cơ 117S là phiên bản nâng cấp lớn của AL-31F, lắp nó cho máy bay chiến đấu Su-30MKI sẽ không xảy ra câu chuyện như máy bay MiG-27 trong thập niên 1990.