Nhật báo Pháp Le Monde thông tin sự kiện Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc đảng công nhân người Kurd PKK là thủ phạm khủng bố giết chết 28 quân nhân và nhân viên dân sự Thổ Nhĩ Kỳ. Tờ Libération khẳng định đây là diễn biến mới trong cuộc chiến tại Syria, lôi kéo khu vực vào tranh chấp địa chính trị trong bối cảnh xung khắc Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.
Liberation nghiêng theo chiều hướng «lửa khói». Sự kiện thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định có sự hợp tác giữa PKK và người Kurd Syria bị xem là hành động của Ankara chuẩn bị dư luận để can thiệp mạnh hơn vào Syria, để Aleppo không rơi vào tay quân đội Damascus. Theo Libération, tình hình có dấu hiệu bốc lửa, vì hôm 18/2, Ankara cho phép 500 chiến binh Syria chống Nga và Damascus từ Thổ Nhĩ Kỳ qua Syria tăng viện cho thành phố Azaz, chốt phòng thủ bảo vệ Aleppo, thủ đô kinh tế của Syria đang bị quân đội Syria được không quân Nga oanh kích yểm trợ, bao vây.
Liệu tình hình này sẽ dẫn đến xung đột võ trang giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ? Theo Libération, xác xuất chiến tranh rất lớn. Một phần, vì tổng thống Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ và tổng thống Nga Putin có « cá tính độc đoán và hoang tưởng » như hai anh em sinh đôi. Ankara xem Nga là « hèn hạ » và dân quân Kurdistan-Syria, tuy do Mỹ hậu thuẩn, đã biến thành « quân cờ thí » của Matxcơva.
Sự kiện Nga đưa tên lửa S-400 vào khu vực khiến kế hoạch lập vùng cấm bay ở phía nam biên giới Thổ Nhĩ Kỳ để bảo vệ người tị nạn và lực lượng đối lập Syria không thực hiện được. Theo giới chuyên gia được Libération trích dẫn, thì trong cuộc đọ sức này với Nga, một sơ suất nhỏ có thể biến chiến tranh lạnh thành chiến tranh nóng. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không hành động một mình mà sẽ vận động liên minh NATO.
Nhật báo La Croix phỏng vấn một chuyên gia về thế giới Hồi giáo Gilles Chenève. Nhà phân tích này cho rằng nếu Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp giới hạn vào Syria, nguy cơ leo thang chiến tranh có thật, nhưng Ankara và Matxcơva sẽ không có lợi gì khi trực diện đánh nhau. Đồng minh của mỗi bên sẽ tìm cách can thiệp để xuống thang xung đột.
Trong khi nhật báo kinh tế Les Echos phân tích động thái của NATO, đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong bài «NATO trong cái bẫy Syria», Les Echos phân tích thế tiến thoái lưỡng nan của NATO, nếu chiến tranh Nga-Thổ xảy ra. NATO sẽ nhảy vào vòng chiến hay đứng ngoài với hệ quả uy tín sụp đổ?
Trong cuộc khủng hoảng này, tổng thống Putin tỏ ra là một tay đánh cờ đại tài. Khi chỉ tập trung oanh kích tiêu diệt đối lập võ trang nhưng để yên cho thánh chiến, âm mưu của Nga là đặt phương Tây trước chuyện đã rồi: hoặc chọn IS, hoặc chọn Bashar al Assad.
Ngược lại, Mỹ chỉ lo diệt Daech ở Irak hơn là bảo vệ đối lập Syria. Khi Barack Obama lo « chuyển trục » về châu Á thì dường như ông quên hai mối hiểm nguy. Một là chiến lược của trục Matxcơva-Teheran-Damas tập trung tiêu diệt đối lập Syria, không phải là thánh chiến khủng bố, do Thổ Nhĩ Kỳ, Ả rập Xê Út và Tây phương ủng hộ. Hậu quả là không ít chiến binh đối lập vì tuyệt vọng sẽ chạy theo IS.
Trên chiến trường giờ đây không còn phe nào là «ôn hoà» cả. Báo Pháp cũng cáo buộc chiến lược «tiêu thổ» của không quân Nga là nhằm mục đích tạo ra làn sóng tị nạn khuynh đảo các nước châu Âu. Nguy hiểm thứ hai là, cho dù bị Washington lên án, Ankara vẫn pháo kích lực lượng dân quân người Kurd Syria và có khả năng sẽ can thiệp trên bộ, không để cho thành phố Azaz thất thủ.
Như thế khó tránh đụng độ trực tiếp giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Thế mà Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của NATO và tổ chức bị trói buộc theo tinh thần cam kết và lời thề của «ngự lâm pháo thủ»: mỗi người vì tất cả, tất cả vì một người. Theo Les Echos, chỉ tưởng tượng 28 thành viên NATO lao vào cuộc chiến thì cũng đủ lạnh người, như thủ tướng Nga từng cảnh báo «thế chiến thứ ba» sẽ xảy ra.
Tuy nhiên, kịch bản tồi tệ nhất này sẽ khó mà xảy ra vì hai lý do : một là Nga ý thức Thổ Nhĩ Kỳ không phải là Ukraina. Với 420.000 quân và 5.000 xe tăng , quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đứng hàng thứ hai trong NATO, là đối thủ không dễ ăn hiếp. Thứ hai, Nga cũng như NATO, mỗi bên đều biết là cần tránh đụng độ với một siêu cường hạt nhân.
Thế nhưng, trong lịch sử không thiếu những cuộc chiến tranh vì tính toán sai lầm hay do bất cẩn. Putin có thể lấy một cớ nào đó để tấn công hạn chế vào Thổ Nhĩ Kỳ để làm nhục NATO. Trong trường hợp này NATO phải đối đầu với một bài toàn nan giải: Can thiệp bảo vệ Ankara thì đưa đến chiến tranh toàn diện, còn từ chối can thiệp thì uy tín tiêu tan.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu chiến lược Bruno Tertrais thì NATO không bắt buộc phải tham chiến trực tiếp mà chỉ cần yểm trợ hết mình cho đồng minh, từ vũ khí đến tình báo, là đúng theo quy định của điều 5 trong hiến chương. Nói cách khác, NATO sẽ không tham chiến trong trường hợp Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bùng phát chiến tranh.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu