Trong năm 2015, "bước ngoặt then chốt" đã xảy ra trong sự đối lập toàn cầu giữa Nga và Hoa Kỳ. Biểu hiện bên ngoài của điều này - Nga can thiệp công khai vào cuộc xung đột Syria, buộc Hoa Kỳ chấp nhận rút yêu sách đòi ông Assad lập tức từ chức. Hoạt động quân sự của Nga ở Syria làm lộ ra những mâu thuẫn chiến lược giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Rất có khả năng, những mâu thuẫn này sẽ càng lớn hơn và làm suy yếu ảnh hưởng khu vực của Washington cũng như Ankara.
Cộng thêm vào đó là trách nhiệm của Washington trong khuôn khổ nghị quyết LHQ do Nga đưa ra, đang trái với lợi ích và hành động của các đồng minh ở vùng Vịnh (Saudi Arabia, Qatar). Yếu tố này cũng làm yếu đi tầm kiểm soát của Mỹ đối với các quá trình diễn ra trong khu vực. Kết cục, mặt trận chống Syria của Mỹ, EU, Thổ Nhĩ Kỳ và các chế độ quân chủ vùng Vịnh tưởng chừng luôn là một khối vững chắc, trong năm 2015 đã bị chia rẽ làm bốn bên với những lợi ích ngày càng bất đồng. Nga đón nhận cơ hội khai thác không gian chính trị và ngoại giao được mở rộng.
Mặt trận thứ hai mà Mỹ phải lựa chiều vận động, nếu không thể hoàn toàn rút khỏi chính là Ukraine. Phó Tổng thống Mỹ Joseph Biden công khai tuyên bố với chính quyền Ukraine yêu cầu "thực hiện Hiệp định Minsk" và bắt đầu tiến trình liên bang hóa đất nước là một sự rút lui nghiêm trọng trong chính sách 5 năm qua của Mỹ, — ông Rostislav Ishchenko viết. — Trước kia, chính ông Biden là người "phất cờ lệnh" cho chế độ Kiev mở chiến dịch trừng phạt ở vùng Donbass. Nhưng lúc này, ông Biden lại nói rằng, các khu vực của Ukraine (không chỉ riêng Donbass) nên được trao quyền tự chủ nhiều hơn, thạm chí nếu so với những gì mà Donbass mơ ước vào mùa xuân năm 2014.
Trong thực tế, trên tất cả các mặt trận quân sự và chính trị-ngoại giao, Hoa Kỳ đang rút lui những yêu sách cứng nhắc ban đầu và tìm cách chuyển sang chế độ đàm phán cho những khủng hoảng do chính họ tạo ra. Washington thừa nhận, các cuộc khủng hoảng đã tuột khỏi sự kiểm soát trong tay họ và không thể nào giải quyết chúng nếu thiếu các cuộc đàm phán trực tiếp với Nga.
Điều mà Mỹ từng muốn ngăn chặn bằng mọi giá từ sau khi Liên Xô sụp đổ đã xảy ra: xuất hiện quốc gia có khả năng thách thức Mỹ. Nước Nga đã làm điều này. Hoa Kỳ cố gắng đè bẹp hoặc chí ít là coi thường các lợi ích của Nga. Nhưng đến cuối năm 2015, họ buộc phải thừa nhận thất bại trong việc thực thi chính sách đối ngoại. Theo qui luật địa chính trị, việc một cường quốc-bá chủ chấp nhận đàm phán với quốc gia khác trên cơ sở bình đẳng và không đặt ra bất cứ yêu sách ban đầu, được tự động hiểu như sự thừa nhận địa vị ngang hàng của quốc gia đó.
Người nắm bá quyền dựa vào vũ lực thô bạo thường không được phép thoái lui. Chỉ anh ta cần lộ ra mình không đủ khả năng xử lý vấn đề bằng nắm đấm, là lập tức những tiến trình không thể kiểm soát sẽ bị bung ra, học giả Rostislav Ishchenko cho rằng Mỹ đã chùn bước. Vấn đề của họ giờ đây sẽ tăng gấp bội. Còn các đồng minh (đúng hơn là các nước chư hầu) sẽ tận dụng dịp này để nhắc nhở Washington về những điều từng làm họ mếch lòng: lối đối xử khiếm nhã, sự đe dọa trơ trẽn và coi thường lợi ích của người khác. Rất nhiều chuyện cần thanh toán.
Mỹ sẽ hành động như thế nào trong tình huống này? Chấp nhận đối đầu quân sự công khai? Lựa chọn chiến thuật hủy hoại nền kinh tế thế giới? Hay giới tinh hoa Mỹ đủ lý trí để chấp nhận vai trò của một trong các trung tâm quyền lực, dù là không còn nắm ảnh hưởng lớn nhất? Đây là điều khó thể nói. Nhưng chắc chắn, năm 2016 sẽ là năm khốc liệt, năm quyết định của những cuộc giao chiến chính trị và ngoại giao. Nga có cơ sở để hy vọng rằng, mỗi trận đấu đều sẽ thu được thành công.
Nhưng bất kể kết quả trên các mặt trận đối đầu, tổn thất nặng nề nhất vẫn sẽ thuộc về các quốc gia và dân tộc đã bị cuốn vào xung đột Libya, Syria, Iraq, Ukraine, nhà phân tích Rostislav Ishchenko kết luận.
Theo Sputnik