“Nga sẽ bẻ gãy lá bài không quân của Mỹ nếu có chiến tranh ở Baltic“

VietTimes -- Mỹ và các đồng minh còn phải đối mặt với những vấn đề tổng thể như hậu cần, thống nhất chỉ huy tại một số các khu vực khác nếu xung đột nổ ra với quân đội Nga ở Baltic.
Vũ khí phòng không của Nga (ảnh minh hoạ)
Vũ khí phòng không của Nga (ảnh minh hoạ)

Báo Ria Novosti của Nga ngày 24/4 dẫn nhận định của các chuyên gia phân tích người Mỹ là David Shlapak và Michael Johnson thuộc Trung tâm Rand Corporation đăng trên trang War on the Rocks cho rằng quân đội Nga vượt hơn hẳn so với Mỹ và các đồng minh không chỉ về quân số, chủng loại và chất lượng các loại vũ khí.

Các nhà phân tích cũng đã chỉ ra hàng loạt các vấn đề mà quân đội Mỹ và các đồng minh trong khối NATO có thể phải đối mặt một khi xảy ra một cuộc chiến tranh với quân đội Nga.

Theo hai nhà phân tích David Shlapak và Michael Johnson, gần đây, Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley trong một phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện đã thừa nhận rằng kho tên lửa của Nga có tầm bắn và độ chính xác cao hơn những gì Mỹ đang sở hữu.

Trong một tình huống giả định là để xảy ra một cuộc xung đột quân sự giữa Nga và các nước vùng Baltic, các chuyên gia David Shlapak và Michael Johnson cho rằng Nga có thể tiêu diệt lực lượng NATO ở khu vực Baltic trong vòng 3 ngày.

Theo đánh giá của các chuyên gia Mỹ, quân Nga có thể huy động và duy trì 27 tiểu đoàn quân bị ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu toàn diện trong vòng 10 ngày liên tục.

Tên lửa phòng không Buk của quân đội Nga
Tên lửa phòng không Buk của quân đội Nga

27 tiểu đoàn quân bị tương đương với từ 30.000 đến 50.000 binh sĩ cùng các trang bị cơ bản cùng xe tăng và xe bọc thép chiến đấu. Với quy mô lớn như vậy, NATO dường như chắc chắn sẽ không đủ sức chống lại quân đội Nga.

Các lợi thế quân sự giữa Nga và lực lượng NATO ở khu vực Baltic hiện nay có tỷ lệ là: số lượng xe tăng (7:1), xe bọc thép chở bộ binh (5:1), trực thăng tấn công (5:1), pháo nòng trơn (4:1), pháo phản lực tầm xa (16:1), các hệ thống phòng không tầm ngắn (16:1), các hệ thống phòng không tầm xa (17:1).

Trong đó, các loại pháo, tên lửa của Nga có tầm xa hơn của Mỹ. Về xe tăng, xe thiếp giáp, lục quân Nga được trang bị nhiều và mạnh hơn đa số các nước đồng minh trong khối NATO.

David Shlapak và Michael Johnson cho rằng, một khi có xung đột quân sự với Nga ở Baltic, NATO và Mỹ sẽ không có đủ thời gian để khắc phục những hạn chế về số lượng, chất lượng vũ khí như đề cập phía trên.

Xe chở tên lửa của hệ thống phòng không, chống máy bay S-400
Xe chở tên lửa của hệ thống phòng không, chống máy bay S-400

Mỹ và các đồng minh còn phải đối mặt với những vấn đề tổng thể như hậu cần, thống nhất chỉ huy tại một số các khu vực khác nếu xung đột nổ ra với quân đội Nga ở Baltic.

Điều đáng chú ý nhất, các nhà phân tích của Mỹ cũng chỉ ra những cơ hội bị giới hạn của Hoa Kỳ trong chiến lược sử dụng "lá bài không quân" tại Baltic bởi sự thật là quân đội Nga đang được trang bị những loại tên lửa phòng không tối tân, mạnh nhất thế giới.

Cuối cùng, Ria Novosti dẫn lời các chuyên gia người Mỹ nhấn mạnh lại rằng, NATO - Mỹ đang thua Nga kể cả về quân số, chủng loại, chất lượng các loại vũ khí trang bị và lực lượng của khối đồng minh Bắc Đại Tây Dương sẽ vấp phải hàng loạt các vấn đề, sẽ khiến tình huống chiến tranh với Nga trở lên tồi tệ hơn.

Lê Dũng