Nga quyết đấu tại Syria, giành lại thế siêu cường

VietTimes -- Trong con mắt của ông Putin, Mỹ mới là người phải trả giá cho sự can thiệp vào sự cố bắn hạ máy bay Su-24 chứ không phải ông Erdogan. Vụ không quân Syria gần đây tập kích quân đội Thổ Nhĩ Kỳ điều lực lượng vào lãnh thổ Syria là một dấu hiệu phục thù, tờ báo Arab Elijah phân tích. 
Phi công Nga tham chiến tại Syria
Phi công Nga tham chiến tại Syria

Ngày 24/11/2015, Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay cường kích Sukhoi Su-24 của Nga tại khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria khiến một trong hai phi công nhảy dù thiệt mạng khi đang cố gắng tiếp đất. Cùng ngày đó một năm sau, máy bay của lực lượng không quân Syria đã đánh bom một đoàn hộ tống quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ cách thành phố al-Bab ở phía bắc Syria 2 km, khiến ba lính Thổ Nhĩ Kỳ chết.

Động thái tấn công liều lĩnh của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga xảy ra sau việc hàng trăm xe chở dầu của IS vận chuyển dầu từ Syria và Iraq tới Thổ Nhĩ Kỳ bị Nga không kích phá hủy.

Xe tăng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực biên giới Syria
Xe tăng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực biên giới Syria

Theo Elijah, hoạt động của lực lượng không quân Syria (SAF) nhận được sự chỉ huy trực tiếp kết nối, phối hợp và mệnh lệnh từ một phòng tác chiến quân sự chung do một tướng lĩnh của Nga chịu trách nhiệm để tránh các vụ bắn nhầm hay sự cố đáng tiếc. Nga phối hợp phần lớn các hoạt động trên không với liên minh do Mỹ dẫn đầu ở Syria vì cùng mục đích.

Tờ báo đánh giá, chỉ huy Nga cần phải bảo đảm sự an toàn cho lực lượng hải quân và bộ binh Nga với pháo binh và các hệ thống phòng không vì quân đội Nga đang hoạt động trên nhiều thành phố và địa điểm ở Syria. Do đó, mỗi vụ không kích, các lần bay trinh sát hay xuất kích máy bay không người lái cần phải được sự đồng ý và chấp thuận trước khi diễn ra. Faisal al-Miqdad, Thứ trưởng Ngoại giao Syria đã tuyên bố đanh thép: “Sự kiện lần này diễn ra trên lãnh thổ Syria. Thổ Nhĩ Kỳ nên tự trách mình”.

Elijah cho rằng khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Su-24 Nga, mục đích nhằm làm nhục Nga và đẩy nước này khỏi vùng an toàn. Thổ Nhĩ Kỳ biết rằng Nga sẽ suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi dấn vào một cuộc leo thang quân sự chống lại Ankara. Cùng ngày, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyib Erdogan đã yêu cầu NATO bảo vệ và hậu thuẫn. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hạn chế phản ứng trả đũa ở mức tấn công Thổ Nhĩ Kỳ dữ dội thông qua chiến tranh ủy nhiệm ở Syria, sau các lệnh trừng phạt kinh tế và dành sự ủng hộ mạnh mẽ hơn cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Chiến đấu cơ MiG-29K xuất kích từ tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov tham chiến tại Syria
Chiến đấu cơ MiG-29K xuất kích từ tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov tham chiến tại Syria

Ông Putin đồng ý giúp Syria chiếm lại Aleppo và quyết định đối mặt với Mỹ bằng mọi giá ở Bilad al-Sham. Theo Elijah, Tổng thống Putin coi hành động của Thổ Nhĩ Kỳ không phải là một sự phiêu lưu tính toán nhầm lẫn của ông Erdogan mà là một hành động phối hợp chiến tranh với Mỹ. Hai nhân tố nổi bật dẫn đến suy luận trên là:

1. Nga phối hợp kiểm soát không lưu với Mỹ, đã thông báo cho bộ chỉ huy quân sự Mỹ lịch trình và sự xuất hiện của Nga ở những khu vực nhất định.

2. Mất 17 giây để lực lượng không quân Thổ Nhĩ Kỳ phát hiện một chiến đấu cơ Su-24 của Nga trên biên giới nước này, xin lệnh từ các cấp chỉ huy quân sự và qua đó nhận chỉ đạo của lãnh đạo chính trị cấp cao nhất để phóng tên lửa không đối không bắn hạ máy bay Nga. Nếu không phải là việc được sắp đặt trước thì quy trình ra mệnh lệnh quân sự là không thể phản ứng kịp.

Tuy nhiên, đêm nổ ra cuộc đảo chính chống Erdogan đã tạo điều kiện cho Nga quay lại chơi Mỹ, bằng cách thông qua Iran thông báo cho Erdogan về kế hoạch thủ tiêu ông ta. Các cơ sở mà Erdogan lưu trú trong dịp ngày lễ được cho là bị đánh bom. Nhưng thời gian 30 phút cảnh báo trước đã đủ để cứu mạng Erdogan và hậu quả là nhóm đảo chính đã thất bại.

Nhóm đảo chính phát lệnh đảo chính từ căn cứ không quân Incirlic, nơi có lực lượng Mỹ đóng trú. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ buộc tội chính quyền Mỹ một cách gián tiếp, chính quyền Mỹ về phía mình lại phản đối mạnh mẽ phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ về việc bắt giữ hầu hết những quan chức thân Mỹ.

Sự kiện này đã làm ấm quan hệ Nga-Thổ đã rơi vào băng giá và căng thẳng trước đó. Trong con mắt của ông Putin, Mỹ mới là người phải trả giá cho sự can thiệp vào sự cố bắn hạ máy bay Su-24 chứ không phải ông Erdogan.

Thổ Nhĩ Kỳ đã đáp trả thiện chí của Nga bằng cách triệu hồi hàng ngàn chiến binh từ Aleppo trở về để khởi đầu một chiến dịch quân sự, nhằm triệt phá kế hoạch của Mỹ hòng chia cắt Syria và tạo nên một đất nước của người Kurd từ phía đông bắc Syria ở Al-Hasaka tới Afrin phía tây bắc Syria.

Sĩ quan Nga tại căn cứ không quân Hmeinim, Syria
Sĩ quan Nga tại căn cứ không quân Hmeinim, Syria

Việc phá hoại kế hoạch của Mỹ có lợi cho các bên sau:

1. Trước hết là có lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách ngăn chặn việc hình thành quốc gia của người Kurd ở dọc biên giới nước này. Đất nước này nếu hình thành, ngoài việc là thành quả chiến đấu lâu năm của người Kurd với người Thổ, còn chặn đứng giấc mơ của Thổ Nhĩ Kỳ hòng sáp nhập một phần Syria hoặc áp đặt chương trình nghị sự của mình lên Syria khi chiến tranh kết thúc.

2. Nga cũng muốn trả đũa Mỹ sau vụ Su-24. Kế hoạch của Nga nhằm thiết lập sự hiện diện lâu dài ở Syria mà không phải chia sẻ lãnh thổ với Mỹ. Do đó, việc thống nhất của đất nước Syria càng có giá trị với ông Putin.

3. Damacus vui mừng khi dạy cho người Kurd một bài học sau các sự kiện ở al-Hasaka. Chính phủ Syria và người Kurd luôn trong tình trạng hòa hảo, hỗ trợ các thành phố Syria đang bị bao vây như Aleppo, Nubl và Zahra. Tuy nhiên, áp lực của Mỹ lên người Kurd lớn hơn mối quan hệ lâu đời với chính quyền Syria. Còn người Kurd lại nuôi giấc mơ về việc có một đất nước liên bang của riêng họ.

Tất cả những điều trên tạo ra một môi trường thích hợp cho các nhân tố ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ tiến tới Jarablus và ngăn cản các kế hoạch của Mỹ ở miền bắc Syria. Tuy nhiên, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ không hài lòng với việc ngăn chặn kế hoạch của người Kurd mà còn muốn mở rộng hơn nữa, thậm chí không cần để tâm đến thái độ của Nga trước những điều ông ta đang thực hiện.

(còn tiếp)