Tờ tuần san Defense News Mỹ ngày 18 tháng 2 đăng bài viết "Trò chơi quyền lực Trung Đông của Nga", cho rằng Moscow công khai ủng hộ đối với Tổng Tư lệnh Quân đội Libya Khalifa Beiqasim Haftar cho thấy Nga có lợi ích kinh tế quan trọng ngày càng tăng ở Trung Đông và Bắc Phi.
Chuyên gia các vấn đề ngoại giao Nga Vladimir Frolov cho rằng đây là một phần trong trò chơi giành giật cơ hội khu vực ở phạm vi lớn hơn.
Vladimir Frolov nói: "Về lâu dài, Nga hy vọng tái thiết vùng kiểm soát vệ tinh kiểu Liên Xô ở khu vực Trung Đông. Điều này sẽ bao gồm các chính quyền 'thân Nga' ở các nước như Syria, Libya, Ai Cập và Iraq, đồng thời hình thành vai trò ảnh hưởng nhất định đối với Yemen".
Nhưng, chuyên gia Vladimir Frolov cho rằng, Iran là một chuyện khác. "Nga đang tranh đoạt bá quyền khu vực với Iran".
Đối với ngành xuất khẩu vũ khí của Nga, sự ra đi của nhà lãnh đạo Libya Gaddafi năm 2011 là một tổn thất lớn. Mặc dù con số dự đoán có khác nhau, nhưng Nga khi đó đang tìm cách bán khoảng 4 tỷ USD vũ khí cho chính quyền Gaddafi và có ý định giành lấy vài dự án tài nguyên và hạ tầng cơ sở quy mô lớn.
Năm 2011, một quan chức xuất khẩu vũ khí Nga cho biết: "Con số 4 tỷ USD này không thực tế. Trên thực tế, thu nhập bị tổn thất cao nhất có thể lên tới 10 tỷ USD".
Trong việc ủng hộ đối với tướng Khalifa Beiqasim Haftar, Nga có thể hy vọng khôi phục những hợp đồng này. Điều này sẽ đem lại thu nhập rất cần thiết cho công nghiệp quốc phòng Nga.
Mặc dù những năm gần đây Nga luôn giữ vững vị trí thứ hai trên thị trường xuất khẩu vũ khí, kim ngạch giao dịch hàng năm trên 14,5 tỷ USD, nhưng không có đột phá.
Ngoài Libya, Moscow còn đang tập trung quan tâm đến toàn bộ thị trường vũ khí Trung Đông và Bắc Phi.
Ai Cập luôn là đối tượng được Moscow rất coi trọng. Năm 2014, hai nước đã ký kết thỏa thuận tiêu thụ vũ khí cả gói bao gồm máy bay chiến đấu, tên lửa và lĩnh vực phòng thủ bờ biển, tổng kim ngạch lên tới 3,5 tỷ USD.
Phạm vi tiêu thụ vũ khí ở Ai Cập của Nga có thể tiếp tục mở rộng. Thông tin từ Moscow cho biết Nga đã đồng ý bán 46 máy bay chiến đấu MiG-29 cho Ai Cập. Nhưng, hiện nay, thỏa thuận bán máy bay chiến đấu MiG cho Ai Cận vẫn chưa nhận được bất cứ xác nhận chính thức nào.
Những số liệu xuất khẩu vũ khí của Nga đối với khu vực Trung Đông và Bắc Phi đã cho thấy tầm quan trọng của thị trường này đối với công nghiệp quốc phòng của Moscow.
Mặc dù Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm còn chưa điều chỉnh số liệu công bố năm 2016, nhưng số liệu từ năm 2010 trở đi đã cho thấy lượng xuất khẩu rất lớn.
Algeria là một trong 5 khách hàng vũ khí lớn của Nga. Trong 5 năm qua, họ đã nhập khẩu trên 3,3 tỷ USD vũ khí Nga. Trong cùng kỳ, Ai Cập cũng đã nhập khẩu khoảng 1 tỷ USD vũ khí, kim ngạch nhập khẩu của Iraq cũng đáng kể. Từ năm 2010 trở đi, Syria đã nhập khẩu 1,2 tỷ USD vũ khí của Nga.
Mặc dù có thể hiểu cách làm của Nga ở Trung Đông là vì tiền, nhưng tiêu thụ vũ khí cũng phục vụ cho mục đích địa - chính trị lớn hơn của họ. Chúng là một phần trong trò chơi tranh giành vai trò ảnh hưởng với Mỹ và Iran.
Tiêu thụ vũ khí có thể giúp cho Moscow giành được sự quan tâm của những chính phủ chống phương Tây và làm cho tiến trình chính trị của khu vực Trung Đông, Bắc Phi tiếp tục ngả theo hướng này.
Theo chuyên gia Vladimir Frolov, thông qua khôi phục quan hệ ở Trung Đông, Moscow còn đang cân nhắc thiết lập căn cứ hải quân và không quân ở Syria, Libya và Ai Cập.
Nga không chỉ đang tìm cách lôi kéo trở lại những đồng minh thời đại Liên Xô, mà còn đang thu hút các nước như Jordan và Israel. Họ cũng sẽ bán vũ khí cho Saudi Arabia và các nước vùng Vịnh.
Moscow hy vọng quan hệ giữa họ với các đồng minh của Mỹ tại khu vực này có thể giành được thêm sự ủng hộ đối với lập trường của Nga trong đàm phán với Mỹ.
Điều này đặc biệt quan trọng đối với sự sắp xếp của Mocsow trong vấn đề Syria. Syria là chiến trường quan trọng nhất của Điện Kremlin ở Trung Đông.
Sự can thiệp quân sự của Nga đối với Syria vào tháng 9 năm 2015 đã làm cho vị thế của Tổng thống Syria Bashar Assad vững vàng trở lại. Hơn nữa, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đang giành được thắng lợi trong quan hệ với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan.
Chuyên gia Vladimir Frolov nói: "Đối với Moscow, đột phá quan trọng nhất của họ là Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara luôn cãi lộn với phương Tây. Ngoài hình thành hợp tác chiến thuật ở Syria, mục tiêu chiến lược của Moscow còn là tiến hành "Phần Lan hóa" đối với đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ của NATO ở Biển Đen, làm cho Thổ Nhĩ Kỳ duy trì trung lập".