“Nga lấy lại thế siêu cường sẽ thách thức Mỹ-NATO trên toàn cầu“

VietTimes -- Ngoài các vũ khí quy ước tối tân, Nga tập trung tái vũ trang vũ khí hạt nhân đang được triển khai đến các giai đoạn cao. Nga đã có lợi thế đáng kể so với Mỹ về chất lượng và sự đa dạng các hệ thống vận chuyển và có thể bảo đảm tính hiệu quả chiến lược của các vũ khí hạt nhân trong tương lại gần, National Interest đánh giá.
Siêu tăng Armata của Nga được xem là một cuộc cách mạng về công nghệ
Siêu tăng Armata của Nga được xem là một cuộc cách mạng về công nghệ

Phản ứng của Nga trước Chiến lược đột phá công nghệ của Lầu Năm Góc phải là ưu tiên sự phát triển của vũ khí hạt nhân, đó là lập luận của một báo cáo gần đây từ Viện nghiên cứu chiến lược và quốc phòng (IDSS), Trường nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam tại Singapore.

Nhưng trong khi điện Kremlin đang ưu tiên phát triển các vũ khí hạt nhân mới giữa lúc cuộc chạy đua vũ khí thông thường đang tăng nhanh, Nga cũng đang theo đuổi các sáng kiến quân sự dù ở quy mô nhỏ hơn.

“Phản ứng của Nga đối phó với các sáng kiến này bao gồm hai nhân tố chính: đầu tiên là đối phó Chiến lược đột phá công nghệ thứ ba bằng Chiến lược đột phá thứ nhất, điều này có nghĩa là ưu tiên việc phát triển hàng loạt các hệ thống vũ khí hạt nhân chiến lược và chiến thuật”, ông Michael Raska, một giáo sư tại IDSS và Vasily Kashing, một chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông ở Học viện khoa học Nga đã nhận định như vậy.

Họ nêu rõ: “Đối với Nga, việc duy trì kho vũ khí hạt nhân có thể bù đắp hiệu quả cho các đổi mới quân sự thông thường của Mỹ, NATO và Trung Quốc. Nhân tố thứ hai trong chiến lược đáp trả còn tham vọng hơn và mang nhiều nguy cơ công nghệ lớn hơn. Nga bắt đầu đối phó với nhiều sáng kiến công nghệ của Mỹ thông qua các chương trình tương tự, mặc dù tập trung hẹp hơn và nhỏ hơn về quy mô”.

Quá trình hiện đại hóa hạt nhân của Nga được mở rộng với nhiều chương trình nhằm đối phó với lá chắn tên lửa còn non trẻ của Mỹ đang được xây dựng ở châu Âu. Nga đang triển khai hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới RS-24Yars (SS-27 Mod 2) và tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo (SSBN) lớp Borei mới được trang bị hệ thống tên lửa RSM-56 Bulava (SS-N-32).

Tên lửa hạt nhân liên lục địa Topol-M của Nga
Tên lửa hạt nhân liên lục địa Topol-M của Nga

Đồng thời, Nga cũng đang triển khai thêm ít nhất hai hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa: một hệ thống tên lửa hạng nặng sử dụng nhiên liệu lỏng Sarmat ICBM (RS-28) và hệ thống tên lửa di động tiếp nhiên liệu rắn Rubezh (RS-26), đặc biệt được thiết kế để đánh bại các lá chắn phòng thủ tên lửa trong tương lai của Mỹ ở châu Âu. Việc phát triển hệ thống ICBM trên đường ray nhằm tối đa hóa một trong các loại ICBM hiện nay (có thể là RS-24) cũng đã bắt đầu. Hơn nữa, Nga đang phát triển các phương tiện mang có tốc độ siêu thanh cho các ICBM khi trở lại khí quyển.

Mô hình tiêm kích thế hệ 6 của Nga
Mô hình tiêm kích thế hệ 6 của Nga

Một chương trình mở rộng khác là phát triển phiên bản nâng cấp của máy bay ném bom chiến lược Tu-160 Blackjack, máy bay này sẽ được sản xuất ở Kazan. Mátxcơva sẽ để mắt đến mọi mối đe dọa tới sự hiệu quả của vũ khí hạt nhân, và ngay lập tức bắt tay vào việc lên kế hoạch các biện pháp đối phó”.

Hơn nữa, Nga đã hiện đại hóa các vũ khí hạt nhân chiến thuật, bao gồm tên lửa đạn đạo tầm ngắn, bom trọng lực, tên lửa hành trình và kể cả tên lửa đất đối không có khả năng hạt nhân.

Báo cáo khẳng định: “Tóm lại, các chương trình của Nga tập trung tái vũ trang vũ khí hạt nhân đang được triển khai đến các giai đoạn cao. Nga đã có lợi thế đáng kể so với Mỹ về chất lượng và sự đa dạng các hệ thống vận chuyển và có thể bảo đảm tính hiệu quả chiến lược của các vũ khí hạt nhân trong tương lại gần”.

Nhưng Nga không từ bỏ vũ khí thông thường và còn nghiên cứu thêm nhiều công nghệ giống của Mỹ để đối phó với Chiến lược đột phá công nghệ thứ ba, nhưng với quy mô nhỏ hơn do Nga còn hạn chế về các nguồn lực. “Công nghệ của Nga ở một số lĩnh vực vẫn còn đang ở trong những giai đoạn đầu. Tuy nhiên, trong các lĩnh vực khác như vũ khí năng lượng, phương tiện siêu thanh, phương tiện không người lái dưới nước đang bước vào những giai đoạn cao”, báo cáo cho biết.

Nga đã đạt trình độ cao trong tác chiến điện tử
Nga đã đạt trình độ cao trong tác chiến điện tử
Một robot chiến đấu của Nga
Một robot chiến đấu của Nga
Robot Nga có thể chở binh lính trên chiến trường
Robot Nga có thể chở binh lính trên chiến trường

Theo National Interest, về lâu dài, Nga có xu hướng tập trung vào các công nghệ sau đây:

- Các hệ thống robot và điều khiển từ xa gồm UAV, cũng như các phương tiện trên mặt đất như phương tiện chiến đấu, trinh sát, vận tải hiện đang trải qua quá trình thử nghiệm.

- Thế hệ các hệ thống tác chiến điện tử mới và các khả năng mở rộng trong chiến tranh mạng.

- Triển khai các hệ thống chỉ huy và kiểm soát tiên tiến, bao gồm cả chiến trường internet.

- Các hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không tiên tiến tầm xa và tầm  siêu xa với các khả năng ASAT, những khả năng này sẽ được sử dụng không chỉ để phòng không mà còn để giành được ưu thế trên không, bù cho các lợi thế mà đối thủ phương Tây sở hữu.

- Thế hệ các phương tiện thiết giáp mới được bảo vệ cực kỳ tốt, những phương tiện này sẽ giúp làm giảm đáng kể những thiệt hại trong các cuộc xung đột.

- Máy bay chiến đấu tiên tiến có khả năng đối phó với các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của phương Tây.

- Phát triển các vũ khí siêu thanh như biện pháp chủ chốt để đánh bại những phát triển trong các hệ thống phòng thủ tên lửa và các hệ thống chống không của nước ngoài trong tương lai.

- Các chương trình vũ khí năng lượng trực tiếp được thiết kế để tạo cơ sở cho những phát triển trong tương lai.

Đáng chú ý, dự án như tàu khu trục khổng lồ sử dụng năng lượng hạt nhân lớp Lider hoặc các tàu sân bay mới đều không nằm trong danh sách. Đó là bởi vì các phương tiện truyền thông nhà nước của Nga thường tập trung vào các chiến dịch tuyên truyền ra bên ngoài, họ đưa ra các thông tin chính xác về các chiến lược của Mátxcơva. Trong khi đó, các nhà phân tích và phương tiện truyền thông phương Tây thường lờ đi nhưng thông tin đó, có thể là do rào cản ngôn ngữ giữa hai bên.

“Quan trọng là phải hiểu sự khác biệt giữa chính sách quốc phòng của Nga được truyền thông chính thống Nga khắc họa, chính sách quốc phòng Nga được phương Tây mô tả, và chính sách quốc phòng Nga trong thực tế. Ba điều này chủ yếu tồn tại trong ba môi trường khác nhau và hầu như không liên quan gì đến nhau.

Các chương trình phát triển công nghệ quốc phòng và xây dựng quân đội thực tế sẽ xác định quân đội Nga trong tương lai và định hình sự cân bằng chiến lược ở các khu vực xung quanh Nga. Các chương trình này hầu như không cần giữ bí mật, chúng đều được mô tả trong các tuyên bố của các quan chức quốc phòng Nga và trong các ấn phẩm của các chuyên gia quốc phòng nước này.

Một góc trung tâm điều hành tác chiến của Bộ Quốc phòng Nga, nơi chỉ huy chiến dịch quân sự của Nga tại Syria
Một góc trung tâm điều hành tác chiến của Bộ Quốc phòng Nga, nơi chỉ huy chiến dịch quân sự của Nga tại Syria

Tuy nhiên, những chương trình này hiếm khi nhận được sự chú ý và quan tâm trong các ấn phẩm của truyền thông chính thống Nga. Truyền thông nước này dường như chỉ tập trung vào các vũ khí cao cấp, nhưng phần lớn đó chỉ là các vũ khí không có thật. Đáng nói là những vũ khí này phần lớn bị phương Tây ngó lơ. Trong khi phần lớn nhận thức phương Tây vẫn mô tả Nga là một cường quốc toàn cầu đang hồi sinh sẽ thách thức Mỹ và phương Tây trên tất cả các mặt trận trên toàn thế giới”.

Tựu chung lại, điện Kremlin có vẻ như đang theo đuổi một chiến lược khá khôn ngoan chỉ với các nguồn lực công nghệ và vật chất có hạn của Nga.