(tiếp theo kỳ trước)
Nga “kết liễu” phiến quân Aleppo giành thế siêu cường, Donald Trump tặng quà ông Putin
Sự thật là thỏa thuận này sẽ như hội nghị Yalta năm 1945 mà Stalin đã qua mặt Mỹ và Anh, đưa Đông Âu vào vòng ảnh hưởng Xô Viết.
Theo Daily Mail, vương quốc Anh sẽ phải đối mặt với một nước Nga táo bạo và quyền lực và không có sự giúp đỡ của Mỹ. Mục tiêu của ông Putin vừa đơn giản vừa không thể nhìn ra: Đó là phương Tây sẽ chấm dứt thời kỳ là một thực thể chính trị và văn hóa thống nhất. Nga rõ ràng phản đối ý tưởng rằng các nền dân chủ giàu có ở Bắc Mỹ và châu Âu vận hành cả thế giới. Nguyên tắc của các nước này dựa trên trật tự quốc tế mà không hề tính đến lịch sử từng là một cường quốc là Nga và Nga cần có một vùng ảnh hưởng dọc biên giới nước này.
Trên lý thuyết, các nước phương Tây có tổng số dân lên đến gần một tỷ và tổng GDP là 35.000 tỷ euro. Trong khi Nga chỉ có dân số 140 triệu, GDP chỉ được 1.000 tỷ euro. Nhưng dự trữ tiền bạc, chiến dịch tuyên truyền, trò chơi đấu trí và các thủ pháp khôn ngoan của ông Putin đã mang lại cho ông sức mạnh khổng lồ.
Trong tuần qua, người ta đã chứng kiến sức ảnh hưởng của Matxcơva vượt ra ngoài biên giới nước Nga. Các ứng viên được Nga ủng hộ đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Bulgaria, một thành viên của NATO và ở Moldova, một nước nghèo nhất châu Âu ở khu vực Biển Đen. Nga cũng là nước ủng hộ vị lãnh đạo mạnh mẽ của Hungary Viktor Orban.
Thực tế là Nga đang tranh thủ nắm lấy cơ hội châu Âu đang bất ổn và chia rẽ vì tình trạng ảm đảm của nền kinh tế khu vực đồng tiền chung và nỗi lo sợ của công chúng về tình trạng di cư không kiểm soát được.
Theo Daily Mail, điểm yếu của ông Trump chính là sự kiêu ngạo. Ông có cái tôi quá lớn và cũng quá tự tin về khả năng của mình và không sẵn sàng chấp nhận sai lầm. Ông Putin đã gọi ông Trump là một cá tính sinh động, nhưng từ đó trong tiếng Nga cũng có nghĩa là thông minh. Và Donald Trump đã hết sức ngạc nhiên trước cách gọi của lãnh đạo Nga dành cho mình.
Tình báo Nga đã thể hiện khả năng của họ trong cuộc bầu cử vừa rồi ở Mỹ. Trong một tuyên bố công khai chưa từng có, giám đốc cơ quan tình báo Mỹ đã đổ lỗi cho các hacker của Nga vì đã xâm nhập vào máy tính tại trụ sở Đảng Dân chủ vào đầu mùa hè. Nga sau đó đã rò rỉ các email thể hiện rằng các lãnh đạo đảng đã cố gắng giúp ứng viên Clinton và cản trở đối thủ trong đảng của bà là thượng nghị sĩ cánh tả Bernie Sanders.
Sau đó ông Trump đã kêu gọi nước Nga tấn công vào những email của bà Clinton, khuyến khích sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử quan trọng nhất thế giới như vậy. Đáng kinh ngạc là chiến dịch của ông Trump còn bao gồm những nhân vật có quan hệ với điện Kremlin.
Một trong số đó là Paul Manafort, người được hưởng lợi từ thỏa thuận kinh doanh trị giá nhiều triệu USD với các nhân vật chính trị hàng đầu ở Nga. Ông ta cũng cố vấn cho Viktor Yanukovych, cựu tổng thống Ukraine và là đồng minh của ông Putin, đã bị lật đổ vào năm 2014. Bị đeo bám bởi những lời buộc tội về quan hệ với xã hội đen, ông Yanukovych đã trốn sang Nga ngay trước khi Kremlin lâm vào cuộc khủng hoảng với Ukraine. Manafort đã dành nhiều năm để đánh bóng hình ảnh của Yanukovych.
Một người phụ tá của Trump cũng bị tố cáo có quan hệ với Nga. Tướng Michael Flynn, một cựu giám đốc tình báo (và dường như sẽ được ông Trump tín nhiệm chọn vào vị trí cố vấn an ninh quốc gia), đã làm kinh ngạc giới quan sát bằng việc tham gia vào các bữa tiệc, trong đó có bữa tối ngồi gần ông Putin trong buổi kỷ niệm 10 năm của RT, mạng lưới tuyên truyền nước ngoài của Nga.
Thậm chí còn gây tranh cãi nhiều hơn là sự nghiệp của Carter Page, một người thân tín của ông Trump đã dành phần lớn sự nghiệp làm cố vấn cho công ty Gazprom. Trên danh nghĩa đây là công ty khí đốt quốc gia của Nga, nhưng thực chất lại bị coi là nhánh chính trị của chính sách đối ngoại điện Kremlin. Page đã bảo vệ các chính sách của tổng thống Nga Putin và chỉ trích các biện pháp trừng phạt lên các ngân hàng, các công ty năng lượng và các công ty sản xuất vũ khí của Nga vì nước này bị cáo buộc đã can thiệp vào Ukraine.
Nhưng theo Daily Mail thì Trump lại là người cổ vũ nước Nga nhiều nhất. Ông Trump từ chối thảo luận về các liên kết kinh doanh bí mật và lâu dài ở đây. Ông tán dương cuộc bút chiến chống phương Tây của Putin là một kiệt tác, và đã liên tục ca ngợi khả năng lãnh đạo của Putin trong việc đem lại sự ổn định và thịnh vượng cho nước Nga.
Một số người băn khoăn liệu mối liên kết giữa ông Trump với Nga có đồng nghĩa với việc ông có phải là một người của điện Kremlin hay không. Theo tờ báo Anh nhìn nhận, rõ ràng hai người đàn ông này có chung thế giới quan, trong đó sức mạnh luôn đúng. Điểm khác biệt là ông Putin là một cựu sĩ quan KGB, có kỹ năng tình báo và tuyển dụng nhân tài. Trong khi ông Trump lại là một người bị xem là thiếu kinh nghiệm chính trị và xuất thân từ một gia đình giàu có và được nuông chiều. Thật dễ nhìn ra rằng hai người này sẽ chọn ra được người giỏi hơn trong cuộc đấu đá về ý chí và sự tài ba.
Daily Mail đánh giá, trong khi ông Putin giữ hầu hết các quân bài, thì viễn cảnh về Bắc Mỹ và châu Âu sẽ đi từ ảm đạm đến kinh hoàng. Với việc không có Mỹ để giữ phương Tây lại với nhau, phương Tây đang chia rẽ và thiếu người dẫn đầu sẽ là đối thủ dễ dàng cho điện Kremlin.
Và với việc xây dựng lại quan hệ với Nga, ông Trump có thể nhún vai và quay lưng với sự hỗn loạn và chủ nghĩa biệt lập của ông đã gây ra. Mỹ có thể tiếp tục phát triển mà không hối tiếc về điều đó. Nhưng trong khi đó, châu Âu sẽ phải trả giá.