Nga “học” Mỹ ở Trung Đông: chiến tranh hạn chế, chiến quả tối đa

Trang National Interest có bài Lowdown: Making Sense of Russia's Syria Strategy, phân tích chiến lược của Nga ở cuộc nội chiến Syria của giáo sư trợ giảng Andrey Sushentsov ở Viện các vấn đề quốc tế Moscow.
Nga “học” Mỹ ở Trung Đông: chiến tranh hạn chế, chiến quả tối đa

Người Nga một lần nữa chứng tỏ là các chiến lược gia máu lạnh. Hành động mới đây của Điện Kremlin ở Syria khiến cả quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) lẫn giới tình báo và các nhà phân tích bị bất ngờ.

Rất cần đánh giá cao khả năng xoay sở tình hình chiến lược ngay tại chỗ của Nga, vốn chỉ mất chút nỗ lực nhưng lại áp dụng trọn vẹn thuật nghi binh (maskirovka, tiếng Nga). 

Nhưng việc Moscow đánh IS là một vấn đề thực tiễn của an ninh quốc gia Nga.

Mối quan hệ an ninh Nga với Syria

Ít nhất từ năm 2013, Nga đã cân nhắc sự liên quan vào nội chiến Syria. Ban đầu họ đề nghị thay thế quân gìn giữ hòa bình Úc ở cao nguyên Golan bằng quân Nga.

Từ năm 2013, Moscow giữ vai trò lớn trong việc chế độ Tổng thống Syria Bashar Assad đồng ý giải trừ vũ khí hóa học, và từ đó bắt đầu các cuộc liên lạc nghiêm túc với Damascus để đánh IS.  

Bên cạnh đó, Nga tiến hành đối thoại quân sự chiến lược với Iraq, đạt được một hợp đồng bán vũ khí trị giá 4,2 tỉ USD với Iraq năm 2012, cung cấp chiến đấu cơ Su-25 mà Iraq cần hồi năm 2014.  

Tháng 7.2015, Nga cùng Iran đạt thỏa thuận chung nỗ lực đánh thắng IS ở Syria. Từ đó, câu hỏi đánh IS không còn là “nếu”, mà là “khi nào” và “thế nào”. 

Cuộc khủng hoảng Ukraine không thay đổi bài tính này, chỉ làm chiến dịch này phải lùi lại một thời gian.

Theo ước tính của Nga, trong 70.000 quân IS có 5.000 người Nga và ở các nước trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS).  

Nga có suy nghĩ chiến lược là nỗ lực đánh chúng ở Trung Đông sẽ có lợi ích lâu dài lớn hơn, chi phí thấp hơn là đối đầu với chúng ngay tại Nga và CIS.

Chiến lược liên quan hạn chế

Chiến lược ở Syria của Nga trước tiên là hạn chế ở tầm cỡ và phạm vi. Lợi thế là sử dụng tối thiểu nguồn lực, duy trì mức độ thấp nhưng Moscow vẫn lợi rất nhiều:  

Thứ nhất: Nga có thể phá rối cơ sở hạ tầng khủng bố, ngăn chặn chúng chiếm đất mà không nhất thiết phải tiêu diệt chúng hoàn toàn.

Khủng bố ở Bắc Caucasus bị tiêu diệt hoàn toàn, nhưng ở “vùng đất không người” Syria, chúng có thể tái lập các cơ sở huấn luyện và xuất khẩu khủng bố về Nga, như chúng đã làm ở Afghanistan thời Taliban.

Thứ hai: Nga tìm cách duy trì một chế độ bạn bè ở Syria. Tại đây, Nga có thể đầu tư cơ sở hải quân lớn đầu tiên ở Địa Trung Hải, bảo đảm được thế chủ động trong những dự án khai thác khí đốt ở vùng biển Syria, Cyprus và Israel.

Thứ ba: Nga tự thể hiện là một quyền lực hàng đầu ở Trung Đông, có khả năng triển khai hiệu quả các chiến dịch quân sự ở nước ngoài. Trước đó, ngoài Mỹ ra, không ai có thể triển khai quân sự xa khỏi biên giới nước mình.

Tại Syria, Nga thể hiện khả năng tác động vào các sự kiện ở những khu vực xa, từ đó làm thay đổi đáng kể những tính toán ở thủ đô các nước Trung Đông.

Bằng cách phóng tên lửa hành trình từ biển Caspian đến Syria để đánh IS, Nga cũng củng cố sự hiện diện của mình ở khu vực đó.

Cuối cùng, hoạt động ở Syria là dịp triển lãm vũ khí Nga, vệ tinh liên lạc-định vị GLONASS có hiệu quả cao, chính xác và đáng tin cậy.

Cuộc triển lãm này chủ yếu dành cho các nước Trung Đông, khách hàng của những thị trường vũ khí lớn nhất và ngày càng phát triển trên thế giới.

Tuy nhiên, nó cũng xác nhận Nga duy trì được toàn bộ quyền tối cao trong các vấn đề của chiến tranh thế kỷ 21.

Thu hút sự chú ý khỏi Ukraine về Syria không phải là những mục tiêu chính của Moscow. Nhưng đấy là chuyện đã xảy ra, chúng ta cũng có thể xem đấy là một thắng lợi của Nga.

Kỹ thuật viên Nga lắp bom lên chiến đấu cơ
Kỹ thuật viên Nga lắp bom lên chiến đấu cơ

 Khả năng mở rộng sự liên quan

Những mục tiêu nêu trên là những thành quả tối thiểu mà Nga đạt được, giúp chiến dịch không kích khủng bố trơn tru.

Cấp độ cao của chiến lược thứ hai thì lớn hơn và liều lĩnh hơn. Không có nhiều hứa hẹn.

Với sự hỗ trợ của Syria, Iraq và Iran, Nga có thể đánh bại, tiêu diệt IS gồm các tay súng CIS ở Syria. Nếu đạt được, thành công tầm cỡ này sẽ mở đường cho sự phục hồi biên giới truyền thống của Syria và Iraq, và bảo đảm được mối liên minh của họ với Nga cho tương lai.

Đem lại sự ổn định cho Syria và Iraq sẽ có nghĩa nuôi dưỡng các điều kiện bình thường hóa cuộc sống ở đó. Động thái này sẽ kéo giảm khủng hoảng dân Syria tỵ nạn ở khu vực này và ở EU.

Tuy nhiên về mặt thực tế, những thách thức này có thể chỉ giải quyết được, bằng cách sử dụng nhiều nguồn lực hơn, và có sự điều phối với một liên minh lớn hơn. Liên minh này phải gồm các cường quốc phương tây, các nước Ả rập ở Vịnh Persic.

Quản lý nguồn lực cho cuộc chiến chống IS

Nga có đủ nguồn lực để theo đuổi cuộc chiến này ở Syria? Moscow nhận được sự ủng hộ đầy đủ của Syria, Iran  và Iraq, nên nay có thể hành động độc lập khỏi phương tây.  

Các đồng minh của Nga nhất tâm đánh IS như Nga. Tính về số lượng, Nga là đối tác ít liên quan nhất trong liên minh này, nhưng sự tham gia của Nga lại mang tính quyết định.  

Nguồn lực quân sự Nga đủ để duy trì một hoạt động dài hơi và hiệu quả tại Syria. Giới chỉ trích quên rằng Nga từng liên quan sâu trong việc xử lý xung đột ở Gruzia, Moldova và Tajikistan trong những năm 1990, khi kinh tế Nga cực kỳ suy yếu.

Điều quan trọng nhất, là lãnh đạo cộng đồng Hồi giáo dòng Sunni ở Nga (khoảng 14 triệu tín đồ) ủng hộ hành động của Điện Kremlin và thách thức IS.

Hồi tháng 9, Nga khánh thành Giáo đường Sunni lớn nhất châu Âu ở Moscow, củng cố sự ủng hộ của các giáo sĩ Hồi giáo.  

Khi dự lễ khánh thành, Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ sự tin tưởng, rằng cơ sở này sẽ giúp phổ biến những ý tưởng nhân văn và giá trị thực của đạo Hồi tại Nga.

 Những nguy cơ của sự liên quan

Những lợi ích của Nga từ việc liên quan cuộc nội chiến Syria xem ra được củng cố. Nhưng cũng có những nguy cơ. Đường vào Syria tuyệt vời, nhưng đường thoát ra có thể khó khăn hơn.

Trước hết, Nga có thể làm hỏng quan hệ với một đối tác khu vực quan trọng là Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara muốn tổng thống Syria phải ra đi, sử dụng cuộc chiến chống IS để đàn áp dân quân Kurd ở biên giới Syria.

Bất chấp những tuyên bố-rằng chính trị không can thiệp vào quan hệ kinh tế Nga-Thổ, sự khởi động dự án đầy tham vọng đường ống dẫn dầu vắt qua Thổ đã phải lùi qua năm 2017.

Đây không phải lần đầu Nga-Thổ bất đồng về những vấn đề khu vực, nhưng trong quá khứ, hai bên luôn tránh đối đầu.

Kế tiếp, Nga có thể sa lầy ở Syria, như Liên Xô từng sa lầy ở Afghanistan. Đó là lý do Moscow hành động sau khi suy xét cẩn thận, cùng với các đồng minh khu vực và có chiến thuật rút khỏi Syria rõ ràng.

Từng có kinh nghiệm ở Afghanistan và Chechnya, Nga đã chuẩn bị kỹ cho một cuộc chiến có cường độ rất thấp.

Nhưng nguy cơ quan trọng nhất, là Nga có thể bị lôi vào một cuộc xung đột tôn giáo giữa hai dòng Hồi giáo Shiite (Iran, Syria) và Sunni.

Với đa số tín đồ dòng Sunni ở Nga, Moscow sẽ phải thật cẩn thận. Giới chỉ trích nói khi đánh IS, Nga sẽ đối đầu với toàn bộ tín đồ Sunni tại Trung Đông. Nhưng hoàn toàn không đúng nếu cho rằng tất cả người Sunni ủng hộ IS.

Vấn đề này đưa chúng ta đến việc sự thiếu vắng trong chiến lược của Nga ở Syria: một cánh quân Sunni chống IS.

Ý thức rõ kinh nghiệm chống quân ly khai Chechnya, Nga sẽ cần tìm một giải pháp cho nội chiến Syria, bằng cách liên minh với các lãnh đạo Sunni địa phương tham gia chống khủng bố IS.

Nếu có một thủ lĩnh Sunni nổi lên là người chiến thắng, người này sẽ lấp đầy khoảng trống quyền lực mà IS để lại, như đã có Ramzan Kadyrov ở Chechnya. 

Vận dụng một kịch bản Chechnya vào Syria là rất liều lĩnh, nhưng đấy là cách duy nhất để đạt được một thỏa thuận sâu sắc và dễ hiểu ở đất nước bị chiến tranh tàn phá này.  

Đó là lý do Nga nghĩ về một đề nghị của Pháp-chính phủ Syria nỗ lực liên minh với nhóm quân “nổi dậy lành mạnh” là Đạo quân Syria tự do-là một ý tưởng thú vị và đáng thử”.

Vĩnh Thụy - Lược dịch từ The National Interest, Một thế giới