Nga hạ gục Mỹ-NATO trong 60 giờ: Siêu cường trở lại

VietTimes -- Với năng lực hiện nay ở Đông Âu, NATO không thể bảo vệ lãnh thổ của các nước thành viên Đông Âu. Trong một loạt các mô hình tập trận giả của RAND, thời gian lâu nhất để Nga tiến tới ngoại ô thủ đô của Estonia hoặc Latvia chỉ trong 60 giờ, National Interest ghi nhận.
Phi đội chiến đấu cơ Nga biểu diễn kỹ năng trên không
Phi đội chiến đấu cơ Nga biểu diễn kỹ năng trên không

(tiếp theo kỳ trước)

Nga đại chiến Mỹ-NATO: Gấu Nga đè bẹp địch thủ trong 60 giờ

National Interest trích dẫn các tin tức của Nga cho biết Nga hiện đang thử nghiệm hệ thống phòng không S-500 có khả năng tấn công mục tiêu cách xa 125 dặm.

Trên không, Nga duy trì dòng máy bay chiến đấu Su-27 được xây dựng từ những năm 1980 và phân bố ở những khu vực chiến lược.

Thường được so sánh với máy bay chiến đấu F-15 Eagle của Mỹ, Su-27 là máy bay chiến đấu hai động cơ được phát triển vào những năm 1980 và chủ yếu được sử dụng cho các nhiệm vụ giành ưu thế trên không.

Mô hình chiến tranh của Rand

Trong khi nhiều chuyên gia cho rằng NATO có sức mạnh hỏa lực, ưu thế trên không và công nghệ của NATO cuối cùng vẫn sẽ thắng thế trong một cuộc đụng độ quân sự lớn với Nga, điều đó vẫn không phủ nhận được nghiên cứu của tập đoàn nghiên cứu Rand đưa ra hồi năm ngoái lý giải rằng NATO sẽ bị đè bẹp nhanh chóng nếu Nga tấn công các nước Baltic.

Cơ cấu lực lượng NATO ở Đông Âu trong những năm qua không thể chịu được một cuộc tấn công của Nga vào các nước Latvia, Lithuania và Estonia, nghiên cứu của Rand kết luận.

Sau khi tiến hành một loạt các trận mô phỏng nơi quân Nga và quân NATO đối đầu trong một loạt các kịch bản chiến tranh ở các nước Baltic, nghiên cứu của Rand với tên gọi “Tăng cường phòng thủ ở sườn đông NATO” đã chỉ ra rằng nếu NATO muốn bảo vệ khu vực thì cần một lực lượng trên bộ và trên không lớn hơn rất nhiều so với lực lượng NATO đang triển khai.

Đặc biệt, nghiên cứu này kêu gọi một chiến lược mới cho NATO, tương tự như học thuyết “Trận chiến không-bộ” thời kỳ Chiến tranh lạnh. Trong những năm 1980, quân đội Mỹ đã đóng ít nhất hàng trăm nghìn quân ở châu Âu trong chiến lược nhằm ngăn chặn cuộc tấn công tiềm tàng của Liên Xô. Các quan chức lục quân Mỹ đặc trách Châu Âu cho biết hiện tại chỉ có khoảng 30.000 lính Mỹ ở châu Âu.

Nghiên cứu của Rand vẫn cho rằng nếu không ngăn chặn với ít nhất 7 lữ đoàn, hỏa lực và không lực hỗ trợ bảo vệ Đông Âu, Nga có thể đánh bại các nước Baltic chỉ trong vòng 60 giờ.

“Với năng lực hiện nay ở Đông Âu, NATO không thể bảo vệ lãnh thổ của các nước thành viên Đông Âu. Trong một loạt các mô hình, thời gian lâu nhất để Nga tiến tới ngoại ô thủ đô của Estonia hoặc Latvia là 60 giờ. Một thất bại nhanh chóng như vậy sẽ khiến NATO không còn nhiều lựa chọn”, nghiên cứu chỉ rõ.

Binh sĩ NATO đang được tăng cường tới các nước thành viên ở Đông Âu
Binh sĩ Mỹ đang được tăng cường tới các nước thành viên NATO ở Đông Âu

“Trận chiến không-bộ” là một khái niệm chiến đấu chiến lược do Mỹ và các nước đồng minh thực hiện thời Chiến tranh lạnh, chiến lược này phụ thuộc vào sự phối hợp chính xác giữa lực lượng triển khai trên bộ lớn và máy bay tấn công trên không. Không kích sẽ tìm cách làm suy yếu các thiết bị hỗ trợ tiền tuyến của đối thủ bằng cách đánh bom vào các nhân tố hỗ trợ ở phía sau. Vì là chiến lược kết hợp không- bộ, các lực lượng thông thường lớn trên bộ có thể tiến lên dễ dàng hơn qua khu vực tiền tuyến của kẻ thù.

Một cuộc tấn công nhanh chóng vào khu vực Baltic sẽ khiến NATO không còn nhiều lựa chọn, NATO có thể đứng trước lựa chọn thực hiện một cuộc phản công nguy hiểm tầm cỡ, đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc đơn giản là đành để mặc Nga sáp nhập các nước này.

Một trong số các lựa chọn hạn chế mà nghiên cứu của Rand đưa ra là câu giờ để huy động và triển khai một lực lượng phản công lớn, có thể dẫn đến một trận chiến đẫm máu kéo dài.

Một khả năng khác sẽ là đe dọa sử dụng hạt nhân. Viễn cảnh này khó xảy ra nếu không nói rằng hoàn toàn phi thực tế vì hiện nay Mỹ đang triển khai chiến lược giảm kho vũ khí hạt nhân và giảm mọi khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân, nghiên cứu nhận định.

Lựa chọn cuối cùng mà báo cáo của Rand đề xuất đơn giản là nhượng lại các nước Baltic và đưa liên minh vào thế thậm chí còn khắc nghiệt hơn thời kỳ Chiến tranh lạnh. Lựa chọn này rõ ràng sẽ không được các nước này đồng ý và sẽ khiến liên minh NATO suy yếu nếu bị rạn nứt.

Nghiên cứu đã giải thích chính xác những điều cần thiết để ngăn chặn một cách hiệu quả và có uy tín.

“Các mô phỏng chiến tranh đã chỉ ra rằng một lực lượng gồm bảy lữ đoàn, bao gồm cả ba lữ đoàn thiết giáp hạng nặng, được hỗ trợ bởi không lực, hỏa lực trên bộ và các nhân tố khác trên mặt đất và sẵn sàng chiến đấu ngay khi bắt đầu có hành động thù địch có thể sẽ đủ để ngăn chặn một cú hạ gục nhanh chóng của Nga vào các nước Baltic”, nghiên cứu nhận định.

Trong những kịch bản mô phỏng chiến tranh này, các bên tham gia đã kết luận rằng sức kháng cự của NATO sẽ bị đánh gục nhanh chóng nếu thiếu lực lượng phòng thủ cơ giới lớn hơn.

Binh sĩ Nga hiện nay được trang bị rất đầy đủ và hiện đại
Binh sĩ Nga hiện nay được trang bị rất đầy đủ và hiện đại
Chiến hạm Nga phóng tên lửa hành trình Kalibr tương tự như Tomahawk của Mỹ
Chiến hạm Nga phóng tên lửa hành trình tầm xa Kalibr tương tự như Tomahawk của Mỹ

“Việc thiếu các hệ thống phòng không tầm ngắn ở các đơn vị của Mỹ và hệ thống phòng không tối thiểu trong các đơn vị của NATO có nghĩa là nhiều cuộc tấn công sẽ chỉ được NATO kháng cự lại bằng các cuộc tuần tra chiến đấu trên không, những cuộc tuần tra này hoàn toàn bị đánh bại nếu gặp một đội quân lớn. Kết quả là NATO sẽ phải hứng chịu thiệt hại nặng nề và các đòn phản công cũng bị gián đoạn,” nghiên cứu nhận định.

NATO cho rằng các quốc gia Latvia, Lithuania và Estonia có thể là mục tiêu của Nga vì cả ba nước này đều sát Nga và từng nhiều năm ở trong Liên bang Xô Viết.

“Cũng như Ukraine, Estonia và Latvia đều là những nước có rất đông người Nga sinh sống, họ đều không hoàn toàn hòa nhập vào các dòng chính trị xã hội hậu độc lập và do đó khiến Nga có sự biện minh cho việc can thiệp vào các vấn đề của Estonia và Latvia,” nghiên cứu giải thích.

Nghiên cứu của Rand cũng chỉ ra rằng dù đắt đỏ nhưng việc bổ sung thêm các lữ đoàn tới châu Âu sẽ là một nỗ lực xứng đáng với NATO.

“Việc mua thêm ba ABCT thế hệ mới và bổ sung cho quân đội Mỹ sẽ không thể không đắt đỏ, chi phí ban đầu cho các thiết bị cho các lữ đoàn này cùng với các đơn vị pháo binh, phòng không và các đơn vị khác ước tính lên tới 13 tỷ USD. Tuy nhiên phần lớn những thiết bị này, đặc biệt là các xe tăng Abrams và xe bọc thép chiến đấu Bradley đắt đỏ- hiện đều đã tồn tại”, nghiên cứu cho biết.

Sự hiện diện thực tế của NATO ở Đông Âu vẫn đang được cân nhắc và có thể sẽ thay đổi dưới thời kỳ tổng thống Mỹ Donald Trump. Đã có lúc, NATO và Mỹ xem xét bổ sung thêm quân đến sườn đông như một cách để ngăn chặn Nga.

Sáng kiến trấn an châu Âu của Lầu Năm Góc hồi năm ngoái kêu gọi bổ sung quỹ, lực lượng và luân phiên lực lượng ở châu Âu trong những năm tới, nhưng không rõ là cuối cùng vị thế của lực lượng này sẽ ra sao.

Đồng thời, Lầu Năm Góc cũng đề xuất chi 3,4 tỷ USD trong khuôn khổ Sáng kiến trên nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự ở châu Âu cũng như hỗ trợ hỏa lực, thiết lập các cơ sở, kho tàng dự trữ và căn cứ cho quân đội NATO.

Các quan chức của lục quân Mỹ đặc trách châu Âu cho biết các cuộc tập trận với các đồng minh NATO cũng sắp diễn ra và binh lực cũng sẽ được triển khai nhiều hơn.

Chẳng hạn lực lượng NATO đã tiến hành cuộc diễn tập “Phản công nhanh chóng số 16” từ ngày 27/5 đến 26/6 ở Ba Lan và Đức hồi năm ngoái. Cuộc tập trận này bao gồm hơn 5.000 lính và phi công từ Mỹ, Bỉ, Pháp, Đức, Anh, Ý, Ba Lan, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.