(tiếp theo kỳ trước)
Nga "ra chiêu" với Mỹ-NATO thế nào
Tương tự trong chiến dịch can thiệp quân sự tại Syria, Nga đã triển khai máy bay và tên lửa một cách hiệu quả để làm ổn định lại quân đội chính phủ Syria đang rối loạn, giúp quân đội chính phủ tổ chức phản công giành lại nhiều khu vực lãnh thổ.
Cuộc khủng hoảng tại Ukraine có thể chứng minh tốt nhất tính toán an ninh của Nga. Việc lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych đe dọa sẽ dựng lên một chính phủ thân phương Tây gần Nga, giật Ukraine khỏi vùng ảnh hưởng của Matxcova và đe dọa sẽ tiếp cận căn cứ Hạm đội Biển Đen. Những sự kiện này gây ra nguy cơ kinh tế và chính trị nghiêm trọng đối với ông Putin.
Ngoài ra, ông Putin còn có thể cho rằng phương Tây sẽ không ngăn cản ông vì Ukraine không có nhiều giá trị đối với NATO. Điều này cho thấy NATO sẽ không dễ gì can thiệp vào đây, như khi Nga lâm chiến với Georgia năm 2008. Hơn nữa, tổng thống Putin cũng có thể quyết định rằng ông cần một sự kiện bên ngoài để củng cố quyền lực của ông sau khi có dấu hiệu bị sụt giảm. Sự sụp đổ của chính quyền Yanukovych rõ ràng đã gây ra nhiều mối đe dọa và cả cơ hội cho Matxcơva.
Năm 2014, Nga đã sử dụng sức mạnh quân sự mới được nâng cấp của mình để sáp nhập bán đảo Crimea vì Nga coi đây là lợi ích vô cùng quan trọng và tin rằng lợi ích lớn hơn chi phí bỏ ra. NATO đã phản đối lại hành động của Nga bằng một loạt các lệnh trừng phạt và các biện pháp ngoại giao, tuy nhiên điều này chỉ càng củng cố sự ủng hộ của công chúng nước Nga dành cho ông Putin và chống lại NATO.
Theo quan điểm của ông Putin, các lệnh cấm vận của phương Tây giống như sự tiếp tục của cuộc chiến tranh kinh tế trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Còn từ góc độ quân sự, sự suy giảm các loại vũ khí công nghệ cao trong năng lực chiến đấu của NATO sẽ khiến NATO không thể sử dụng biện pháp quân sự hiệu quả để đối phó với hoạt động quân sự của Nga.
Trước khi sáp nhập, giới quan sát Nga đã xem xét kỹ lưỡng các hoạt động và tương tác của NATO với các thành viên và thuyết phục các lãnh đạo Nga về việc các thành viên NATO sẽ không sẵn sàng đối đầu và NATO cũng khó tiến hành các hoạt động phòng thủ tập thể. Hơn nữa, các thành viên NATO còn phải dựa vào nguồn khí đốt tự nhiên của Nga, đỉnh điểm là vào tháng 9/2014 khi nguồn cung tới Đức, Ba Lan và Slovakia sụt giảm nghiêm trọng. Cuối cùng, một số thành viên NATO đã phải bày tỏ quan ngại về người nhập cư ở Đông Âu và cho rằng họ có những khó khăn trong nước trong việc mở rộng các nguồn lực để bảo hộ cho các nước Đông Âu.
Không gây chiến trước
Strategy Bridge đánh giá, hành vi sáp nhập của Nga xuất phát từ phép tính chi phí-lợi ích dựa trên thế giới quan của các nhà lãnh đạo Nga. Cho dù họ không thích sự mở rộng của NATO, họ chưa bao giờ gây chiến trước. Thay vào đó, hành vi quân sự của Nga là một phần của cách tiếp cận tổng thể của chính phủ khi nước này đã đủ lông đủ cánh về phương tiện và động lực.
Việc chấp nhận lập luận rằng sự mở rộng của NATO đã kích động nước Nga cần chấp nhận hai điều sau: Thứ nhất, sự mở rộng của NATO thiên về kinh tế đã khiến nước Nga tái vũ trang, nhưng với lịch sử của Nga và việc họ luôn coi mình như một nước lớn thì điều này rõ ràng là vô lý. Thứ hai, sự bành trướng của NATO chứ không phải là lợi ích của Nga đã buộc Nga can thiệp quân sự vào Georgia, Ukraine và Syria.
Trước logic này, nếu như NATO không mở rộng thì Nga sẽ không tham gia vào những cuộc xung đột này. Thay vào đó, hành động của Nga có thể được coi như sự theo đuổi lợi ích và tham vọng để kiểm soát các khu vực được xem thuộc ảnh hưởng của Nga như đã tuyên bố trong Chiến lược an ninh quốc gia năm 2015.
Quan trọng hơn, thế giới quan của Nga nhấn mạnh một vấn đề quan trọng về dài hạn. Các lãnh đạo phương Tây sẽ không ngăn chặn sự mở rộng của EU hay sự thúc đẩy dân chủ vì họ tin các chương trình này sẽ thúc đẩy sự tự do kinh tế, chính trị, tôn giáo và quyền con người. Các nước phương Tây cảm thấy có trách nhiệm phải khuyến khích và ủng hộ các nước khác ủng hộ các giá trị này. Trong khi đó, Nga lại coi chính sách đối ngoại này là mối đe dọa trực tiếp đến Nga vì các chính sách này có thể gây ra cách mạng màu. Ông Putin coi đó chính là mục tiêu của phương Tây.
Strategy Bridge cho rằng, phương Tây phải giải quyết các vấn đề với Nga một cách thấu đáo, theo cách mà Nga nhận thức sự việc. Ngoài ra, nếu NATO muốn ngăn chặn những động thái quân sự mạnh hơn, NATO cần một công cụ ngăn chặn đáng tin cậy để khiến Nga nhận thức rõ hơn về chi phí và nguy cơ.
Quân đội NATO không có khả năng ngăn chặn Nga thực hiện điều mà nước này coi là lợi ích tối quan trọng. Tuy nhiên, NATO càng hiện diện quân sự mạnh ở châu Âu thì càng khiến tính toán chi phí- lợi ích của Nga nghiêng sang hướng từ bỏ biện pháp quân sự. Hơn nữa, với những mục tiêu quan trọng hơn, khả năng quân sự mạnh của NATO sẽ cho các nước thành viên nhiều lựa chọn hơn nếu Nga lựa chọn sử dụng biện pháp quân sự.