Nga đại náo Trung Đông với “liên quân 4+1”

VietTimes -- Liên minh giữa Nga, Iran, Iraq, Syria và Hezbollah trở nên chính thức vào tháng 9/2015. Thoả thuận thành lập liên minh bao gồm các cơ chế hành chính cho hợp tác về các vấn đề chính trị và tình báo cũng như hợp tác quân sự trên chiến trường tại nhiều khu vực ở Trung Đông, đặc biệt tại Syria và Iraq...
Phi công Nga tham chiến tại Syria
Phi công Nga tham chiến tại Syria

James Jeffrey, nguyên cựu đại sứ Mỹ tại Iraq quả quyết rằng liên minh Nga-Iran-Syria mới xuất hiện đang là vấn đề số một ở Trung Đông, Daily Caller cho biết.

Phát biểu trong cuộc thảo luận tại Hội đồng Atlantic về tương lai Iraq, ông Jeffrey từng giữ ghế đại sứ Mỹ tại Iraq giai đoạn 2010-2012 cho rằng Iraq hiện tại tương đối thành công so với phần còn lại của khu vực, nhưng ông này cũng đồng thời cảnh báo về một xu thế mới nổi lên gần đây.

“Chúng ta gặp vấn đề với Iran, Syria, Nga hiện nay tại Trung Đông và đây là vấn đề số một cho toàn bộ khu vực”, cựu đại sứ Jeffrey đánh giá. Ông Jeffrey cho rằng ít nhất IS còn bị chiến dịch của liên quân do Mỹ dẫn đầu đẩy lui tại Iraq. Thành phố Ramadi, cách thủ đô Baghdad chưa đầy 100km đã được tái chiếm vào đầu tháng 1 vừa qua. Thiệt hại nghiêm trọng nhất giáng vào thị trường dầu lậu của IS, một nguồn thu hàng đầu của nhóm khủng bố này. Các cuộc không kích của liên minh chống IS đã đánh trúng kho tiền mặt, thiêu huỷ hàng trăm triệu USD trong ngân quỹ của IS.

Tuy nhiên, Nga, Syria và Iran lại có những bước tiến lớn tại Syria và toàn bộ khu vực Trung Đông. Vào thời điểm cuối năm ngoái, có vẻ việc hạ bệ tổng thống Syria Bashar al-Assad là không tránh khỏi. Nhưng hiện nay, ông Assad đã giữ an toàn mặt trận phía nam và có thể sẵn sàng giải phóng thành phố Aleppo. Với các đồng minh Nga và Iran, ông Assad đang tiến về phía “thủ đô” tự xưng của IS tại Raqqa.

Liên quân Nga-Iran-Syria hiện nay đang mạnh lên nhiều so với hồi năm ngoái. Tổng thống Assad là đồng minh của cả Nga và Iran. Việc đạt được thoả thuận về hạt nhân Iran vừa qua đã cho phép hai quốc gia Nga và Iran thúc đẩy nhiều thoả thuận về kinh tế và quân sự, trong khi tất cả tiếp tục hỗ trợ đồng minh tại Syria.

Nga đã mở rộng ảnh hưởng tại Syria, còn vượt qua cả việc trợ giúp Assad, theo ông Jeffrey, Nga đã hợp tác với lực lượng Hezbollah, lực lượng bị Mỹ coi là tổ chức khủng bố được Iran hậu thuẫn. Hezbollah và Nga đang làm việc nhịp nhàng với nhau trợ giúp đồng minh Assad khi ông tiếp tục chiến đấu chống phiến quân tại Syria.

Dù Iraq và Iran từng là những cựu thù một thời của nhau, Iran đã gây được ảnh hưởng vững chắc đối với chính phủ do người Hồi giáo Shia chiếm đa số tại Iraq. Duy trì kiểm soát thực tế đối với Mặt trận động viên nhân dân Iraq (PMU) là một trong những phương pháp hàng đầu của Iran để củng cố ảnh hưởng của mình. PMU về mặt kỹ thuật nằm dưới ô của lực lượng an ninh Iraq (ISF) trung thành với thủ tướng Iraq Haider al-Abadi. Các chuyên gia phương Tây cho rằng lực lượng dân quân Qod của Iran kiểm soát và hỗ trợ ISF.

Đặc biệt về chiến lược của Iran, cựu đại sứ Jeffrey lưu ý rằng hầu hết các nhà quan sát đều tin rằng Iran đang cố gắng thiết lập vị thế cường quốc khu vực. Mục tiêu của Iran là thống nhất tất cả người Hồi giáo Shia về quan hệ ngoại giao như một nhà nước và về ý thức hệ chính trị như một chính đảng.

Liên minh giữa Nga, Iran, Iraq, Syria và Hezbollah trở nên chính thức vào tháng 9/2015. Tổng biên tập tờ nhật báo Arab là ông Ibrahim al-Amin cho rằng nhóm 5 này đã bí mật thảo luận và lập ra một liên minh quân sự theo phương thức “4+1”. “Thoả thuận thành lập liên minh bao gồm các cơ chế hành chính cho hợp tác về các vấn đề chính trị và tình báo cũng như hợp tác quân sự trên chiến trường tại nhiều khu vực ở Trung Đông, đặc biệt tại Syria và Iraq”, al-Amin viết.

Ông al-Amin nhận định thoả thuận nay là sự kiện “quan trọng nhất của khu vực và thế giới trong nhiều năm qua”. Trong khi liên minh bề ngoài được thành lập để chống IS, nhưng người ta không rõ và không thể biết đó có phải là mục đích duy nhất của họ hay không, đặc biệt có bằng chứng cho thấy Nga, Syria và Hezbollah trực tiếp tham chiến đánh phiến quân Syria.

Trong một bài viết trên tờ Haaretz của Israel, Ely Karmon thuộc Viện chống khủng bố ám chỉ khả năng Iraq trở nên quan hệ mật thiết với liên minh này có thể diễn ra qua thời gian. “Chiến dịch quân sự của Nga tại khu vực càng kéo dài, liên minh với Iran và Hezbollah sẽ trở nên mạnh mẽ hơn và có khả năng cả với chế độ người Hồi giáo Shia ở Baghdad”, ông Karmon nhận định.

Chuyên gia Sergey Aleksashenko ở Viện Brookings mô tả xung đột lợi ích đang diễn ra tại Syria và toàn bộ khu vực Trung Đông như một “thảm hoạ ba bên” giữa Mỹ, Nga và Iran. “Điều này có thể gây ngạc nhiên, nhưng bên yếu nhất trong tam giác này chính là Mỹ”, Aleksashenko nhận xét. Ông lý giải Mỹ đã suy yếu năng lực duy trì liên minh chính trị, trong khi lợi ích chung chia sẻ giữa Nga, Syria và Iran cho phép các nước này giành được vị thế ngày càng tăng khiến Mỹ khó lòng ngăn chặn.

Chiến đấu cơ Su-34 của Nga tham chiến tại thành phố Aleppo, Syria    ảnh: RT
Chiến đấu cơ Su-34 của Nga tham chiến tại thành phố Aleppo, Syria ảnh: RT

Cựu đại sứ Jeffrey nhấn mạnh vị thế ngày càng khó khăn của Mỹ trong khu vực. Tuần qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và nhiều nước đã kêu gọi ngừng bắn trong một tuyên bố chung. Mặc dù Nga là một bên đàm phán, Moscow không hề cam kết ngừng không kích các lực lượng phiến quân. Trên thực tế, Nga đang tăng cường chiến dịch quân sự trong khi các cuộc hoà đàm diễn ra, một phát ngôn viên quân đội Mỹ cáo buộc.

Tướng Mỹ hồi hưu Wesley Clark viết trên Washington Post, tin rằng việc ngăn chặn Nga tại Syria có thể bắt đầu với việc NATO tăng cường sức mạnh ở các khu vực biên giới vùng Baltics và Ukraine, đồng thời tăng cường các biện pháp trừng phạt mới chống Nga.

Ông Aleksashenko cho rằng trước khi một chiến lược giải quyết vấn đề ra đời, các nhà hoạch định chính sách Mỹ cần phải có một mục tiêu. “Chính sách “cứ chờ xem” của Mỹ sẽ không giúp tạo lập những lợi ích và mục tiêu chiến lược rõ ràng tại Syria. Chung quy, không thể tạo lập một chiến lược để đạt được một mục tiêu mà các ngài không có”, ông nói.

T.N