Nga “đại náo” Trung Đông giành được những gì?

VietTimes -- Nga tuyên bố đã đạt được hầu hết các mục tiêu sau chiến dịch quân sự kéo dài 5 tháng tại Syria. Truyền thông Nga điểm lại những chiến quả của Nga về quân sự, chính trị và cả đạo đức như sau:
Chiến đấu cơ Su-30SM của Nga tham chiến tại Syria
Chiến đấu cơ Su-30SM của Nga tham chiến tại Syria

Sự can thiệp của Nga đã phá hỏng kế hoạch của Mỹ lập một vùng cấm bay chống chính quyền Syria. Ngăn chặn tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập một vùng đệm an toàn ở phía bắc Syri, bằng cách xâm chiếm một phần lãnh thổ Syria.

Thay đổi động lực và cục diện của cuộc xung đột, chuyển lợi thế trên chiến trường từ sự áp đảo của phiến quân thánh chiến sang các lực lượng trung thành với chính phủ Syria.

Từng bước buộc Mỹ từ bỏ hoặc giảm thiểu tham vọng lật đổ chính quyền Syria. Đem lại một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời và có thể một nền hòa bình thực sự cho Syria.

Đây có thể nói là những thắng lợi lớn của Nga về chính trị hơn là quân sự và về chiến lược hơn là chiến thuật. Không quân Nga đã hỗ trợ quân đội Syria và lực lượng dân quân người Kurd giành thắng lợi.

Chính quyền Syria và các lực lượng trung thành đã đẩy lùi phiến quân khỏi các khu vực giáp ranh khu vực tộc Alawite tại Latakia, bảo đảm an ninh và mở rộng địa bàn xung quanh thành phố lớn nhất Syria là Aleppo, cũng như cắt đứt các tuyến tiếp tế quan trọng nhất của phiến quân kết nối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Đáng nói là tất cả việc này đã diễn ra sau khi phiến quân và lực lượng khủng bố IS liên tục giành chiến thắng này đến chiến thắng khác trước quân đội chính phủ Syria.

Cuối cùng, bên cạnh các thắng lợi về chính trị và chiến thắng mang tính chiến thuật, Moscow còn giành những thắng lợi về đạo đức.

Bằng việc giành thắng lợi trước IS và Al Qaeda, Nga đã giành được thiện cảm của nhiều người tại phương Tây vốn không thể hiểu tại sao chính phủ của họ lại không nghiêm túc đối phó với các lực lượng khủng bố này tại Syria, mà thay vào đó lại chỉ quan tâm đến việc làm thất bại và làm suy yếu đối thủ chính là quân đội và chính phủ Syria.

 Thực tế này đặt Nga vào vị thế một người bảo vệ các bộ tộc thiểu số Syria và trật tự thế tục của đất nước này. Và Nga là cường quốc duy nhất nghiêm túc xử lý các mối đe dọa đối với cộng đồng người Thiên chúa giáo, Shia và Alawite.

Nga cũng khiến phương Tây rốt cuộc thừa nhận những kẻ cực đoan và bản chất cực kỳ tàn bạo của phiến quân thánh chiến do Al Qaeda thống lĩnh. Bằng cách chỉ hành động theo yêu cầu của chính phủ Syria, Nga phân biệt sự can thiệp của mình với sự can thiệp bừa bãi bất chấp luật pháp quốc tế của phương Tây.

Thậm chí với việc rút quân của Nga cũng là một thắng lợi đạo đức, trong đó nhấn mạnh hơn nữa sự khác biệt giữa nỗ lực giới hạn thời gian cuộc chiến của Nga và sự leo thang phiêu lưu của phương Tây.

Nó cho thấy Nga quan tâm đến việc đẩy lui những kẻ Hồi giáo cực đoan được Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và CIA hậu thuẫn, trong khi một cường quốc (ám chỉ Mỹ) lại không cảm thấy vị thế của mình và không hài lòng trong việc củng cố lại trật tự của Assad.