Các chuyên gia phương Tây thường chê bai tổng thống Nga Vladimir Putin rằng ông chỉ có “tầm nhìn ngắn”. Họ cũng luôn gièm pha rằng ông Putin có vẻ chỉ khôn ngoan về mặt chiến thuật, nhưng thói quen mạo hiểm về địa chính trị thường đưa ông vào tình trạng tồi tệ hơn.
Theo Warisboring, quyết định của ông Putin can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ có thể là một trong những bước đi khôn ngoan nhất của một nhà lãnh đạo trong thời đại ngày nay, hoặc cũng có thể là một nước cờ vượt tầm kiểm soát đến mức mà chính điện Kremlin cũng chưa chuẩn bị cho kết quả như vậy.
Trong khi kênh truyền hình nhà nước RT America của Nga thể hiện quan điểm ủng hộ cho chiến dịch của ông Trump, kênh này lại đặc biệt chống đối bà Hillary Clinton. Tuy nhiên, chắc chắn là điện Kremlin chẳng thích ai trong số hai người này cả.
Mỹ cáo buộc các hacker của chính phủ Nga đã xâm nhập vào tài khoản email của các quan chức Đảng Dân chủ, và rò rỉ các nội dung trong email cho toàn thế giới thấy. Và ông Putin là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên chúc mừng ông Trump vào đêm ông đắc cử.
Nhưng chiến thắng của ông Trump lại là chiến thắng quá lớn, thậm chí là chiến thắng đậm nhất của Đảng Cộng hòa kể từ khi George H.W. Bush đánh bại Michael Dukakis năm 1988. Và chiến thắng của ông Trump đã khiến những cố gắng thay đổi tỉ số của Kremlin trở nên không cần thiết.
Thậm chí ngay nhiều cố vấn trong chiến dịch của Donald Trump còn không nghĩ rằng ông sẽ giành được sự đề cử của Đảng Cộng hòa chứ đừng nói là trở thành tổng thống Mỹ. Chiến thắng của ông Trump thể hiện một sự tái tổ chức chính trị mang tính lịch sử của Mỹ, cùng với nhiều tầng hệ quả đối với trật tự do do quốc tế sau Chiến tranh Lạnh.
Có lẽ ông Putin nhìn thấy Trump cũng là một nhà lãnh đạo dân túy. Ông Putin chắc chắn không thích bà Hillary Clinton trở thành Tổng thống. Bà Clinton đã góp phần khiến chính quyền ông Obama quyết định kiểm soát đồng minh của Nga Muammar Gaddafi, điều này đã chọc giận Putin và ông đã đổ lỗi cho bà Clinton khi ông quay lại ghế tổng thống vào năm 2011.
Bà Clinton có vẻ không ưa ông Putin. Khi còn là Ngoại trưởng Mỹ, bà đã giữ lập trường dứt khoát về Nga hơn cả ông Obama, trước sự kinh ngạc của các quan chức quốc hội, và trong chiến dịch tranh cử của mình, bà còn đưa ra những biện pháp trừng phạt mạnh hơn và đề xuất vùng cấm bay ở Syria nếu bà trở thành tổng thống.
Ông Trump đã từng khen ngợi ông Putin và đặt câu hỏi về sự cam kết của Mỹ với NATO, thậm chí còn gợi ý dỡ bỏ trừng phạt đối với Nga và công nhận việc Nga sáp nhập Crimea. Tuy nhiên, những lời lẽ tấn công của ông Trump đối với Khizr và Ghazala Khan (gia đình Mỹ gốc Hồi giáo có con trai là quân nhân hy sinh ở chiến trường Trung Đông) đã khiến điện Kremlin tin rằng tâm tính ông không phù hợp để trở thành tổng thống, theo như những báo cáo phản gián của Mỹ do tạp chí Newsweek đăng tải.
Do đó theo Warisboring, vào sáng 9/11 điện Kremlin chắc hẳn đã rất sốc như tất cả mọi người. Có thể chiến thắng của ông Trump chưa bao giờ là vấn đề Nga để tâm, vì vụ đột nhập email của Đảng Dân chủ chỉ nhằm mục đích khiến cho con đường của chính quyền bà Clinton trở nên khó khăn hơn mà thôi.
Nếu bà Clinton đắc cử, bà sẽ dẫn đầu một đất nước bị chia rẽ trong khi hành xử trên trường quốc tế với một tư thế phù hợp với sức mạnh của nước Mỹ. Do đó, việc can thiệp vào quá trình bầu cử có thể ngăn chặn nước Mỹ trong khi nước này vẫn còn có thể dự đoán được.
Tuy nhiên, những báo cáo tương tự từ Newsweek đã chỉ ra rằng các quan chức Nga sợ ông Trump trở thành tổng thống vì ông có vẻ rất thất thường và khó đoán trước. Kế hoạch can thiệp vào bầu cử của điện Kremlin có thể chưa bao giờ khiến cán cân nghiêng quá nhiều về phía một lãnh đạo thế giới sắp nắm quyền lực ở nước Mỹ như vậy.
Kế hoạch đó chỉ nhằm tấn công bà Hillary trong trường hợp bà chiến thắng. Nhưng vẫn không thể biết được hết kế hoạch của Nga. Những công việc nội bộ của chính phủ Nga được sắp đặt hoàn toàn bí mật và các quyết định được đưa ra mà không hề có dự báo trước. Thậm chí những người thân cận giới tinh hoa Nga cũng thú nhận rằng họ không hề biết về kế hoạch của cấp trên. Và sự mập mờ của cả hệ thống khiến họ không thể lên kế hoạch chiến lược lâu dài, chuyên gia về Nga Mark Galeotti nhấn mạnh trên Foreign Policy.
“Rất nhiều người trong giới quyết sách đối ngoại Nga cũng đánh giá rằng sự thất thường của ông Trump có thể khiến ông đưa ra những chính sách khó dự đoán và gây rắc rối cho Nga”, Galeotti nhận xét.
Trong một thế giới với vũ khí hạt nhân và tiềm năng leo thang căng thẳng, tính dễ dự đoán có thể sẽ không được nhận thức một cách đầy đủ. Và với tất cả sự thất bại và mâu thuẫn của trật tự phương Tây sau Chiến tranh Lạnh, các đồng minh và liên minh kinh tế đang suy yếu vào thời điểm này có thể phải đặt lợi ích quốc gia sang một bên, để tránh những cuộc chiến tranh lớn như trong quá khứ.
Hiện nay ở thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI, những liên minh này đã suy yếu, đường biên giới đang được phân chia lại, và các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy hứa hẹn phát triển quân sự và hành động vì lợi ích quốc gia đã nổi lên nắm quyền với sự ủng hộ của các cử tri.