Nga báo thù, các nhà xuất khẩu Thổ Nhĩ Kỳ nguy cơ phá sản

Các công ty Thổ Nhĩ Kỳ chuyên kinh doanh bán buôn trái cây và rau quả bắt đầu bị phá sản vì những biện pháp hạn chế của Nga, vốn có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, tờ Today’s Zaman đưa tin.
Rau quả, trái cây Thổ Nhĩ Kỳ nay không thể xuất khẩu sang Nga
Rau quả, trái cây Thổ Nhĩ Kỳ nay không thể xuất khẩu sang Nga

Các công ty ở tỉnh Antalya bị ảnh hưởng nhiều nhất. Sắp tới là một mùa đông khó khăn với các nhà xuất khẩu, tác giả bài báo nhận xét.

"Những người bán buôn ở Antalya bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Có cả những người từ bỏ kinh doanh, các xe tải phải quay lại. Trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng, chúng tôi buộc phải chuyển sang thị trường trong nước, nhưng chúng tôi không biết là nó sẽ chịu được bao lâu", báo Today's Zaman dẫn lời nhà xuất khẩu Ali Yandrik.

Hiện nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ không có quá nhiều cơ sở để lạc quan, xuất khẩu trong năm 2015 đã giảm 8,4%. Trong năm 2016, tính đến thực tế là những lệnh trừng phạt của Nga chống Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu có hiệu lực, chỉ số xuất khẩu sẽ tiếp tục giảm với tốc độ nhanh hơn, tờ Asia Times cho biết.

Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, năm 2015 là một năm thất bại, vì nước này đã bỏ lỡ nhiều cơ hội do sự suy thoái trong tình hình địa chính trị mang lại, nhà kinh tế trưởng phụ trách Trung và Đông Âu của UniCredit Bank AG Lubomir Mitov cho biết khi trả lời phỏng vấn trên CNBC.

Nhà phân tích cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể thu được lợi ích to lớn từ tình hình ở châu Âu, nơi mà các ngân hàng trung ương tích cực mua tài khoản để cố giữ cho nền kinh tế thịnh vượng. Hơn nữa, nhẽ ra Thổ Nhĩ Kỳ đã có thể kiếm được khoản tiền lớn khi giá dầu xuống thấp. Tuy nhiên, xung đột chính trị nội bộ và các cuộc đụng độ trên trường quốc tế đã tước mất tất cả những lợi thế mà nhẽ ra Ankara đã có thể tận dụng,  ông Lubomir Mitov nói.

Mặc dù trước đó chính phủ đã liên tục cố gắng duy trì mối quan hệ tốt với các nước láng giềng, hôm nay Thổ Nhĩ Kỳ gần như không có hàng xóm nào mà nước này không đối đầu, sau xung đột ngoại giao giữa Ankara với Iraq, Syria và Ai Cập.

Tình hình này ngày càng trầm trọng hơn sau những căng thẳng gia tăng trong quan hệ với Nga do sự cố bắn rơi máy bay Su-24. Moscow giáng đòn vào lĩnh vực nông nghiệp và du lịch Thổ Nhĩ Kỳ và xiết chặt chế độ thị thực với nước này, ông Mitov nói.

Peter Toogood, người quản lý tài sản của City Financial Company Limited cho biết rằng một trong những lý do kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ không hiệu quả là thiếu cải cách cơ cấu. Theo chuyên gia, năm nay Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy ví dụ nổi bật nhất về việc có thể ngay lập tức mất tất cả những lợi ích kinh tế. "Với giá dầu sụt giảm hiện nay, lẽ ra Thổ Nhĩ Kỳ phải thể hiện sự tăng trưởng đột xuất đầy ấn tượng, nhưng không có điều gì như thế xảy ra", ông Peter Toogood nói.

T.H