Nga bắn thử tên lửa đến biển Hawaii có thể phá hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ?

VietTimes -- Tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc ngày 2/7 dẫn tờ Izvestia Nga ngày 1/7 cho biết Nga đã tiến hành chuẩn bị chu đáo cho việc bắt đầu bắn thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hạng nặng RS-28 Sarmat. Tên lửa này dự định biên chế chính thức vào năm 2018.
Tên lửa xuyên lục địa cơ động Topol-M của Nga.
Tên lửa xuyên lục địa cơ động Topol-M của Nga.

Cựu Tham mưu trưởng Lực lượng Tên lửa chiến lược Nga, tướng Victor Yesin tiết lộ, loại tên lửa này sẽ thay thế tên lửa đạn đạo uy lực mạnh nhất RS-20B Voevoda (NATO gọi là SS-18 Satan). 

Tên lửa RS-20B đã phục vụ được trên 25 năm, mỗi quả tên lửa có thể lắp 10 đầu đạn độc lập, bắn xa tới 11.000 km, giúp Nga có thể đáp trả kẻ thù khi bị xâm lược. Nhưng, những tên lửa này cần được thay thế toàn bộ.

Tướng Victor Yesin cho biết: "Yêu cầu chủ yếu đối với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tương lai là nâng cao tính năng động lực để bảo đảm chọc thủng hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có và tương lai của Mỹ. 

Động lực của tên lửa phải giúp cho nó không chỉ có khả năng bay xuyên qua Bắc Cực, mà còn có thể vượt qua Nam Cực tiến hành tấn công mục tiêu. Vì vậy, tầm bắn của tên lửa mới sẽ tăng mạnh so với tên lửa cũ. 

Ngoài ra, do tính năng động lực được cải tiến, còn có thể tăng thêm nhiều đạn dược hơn cho tên lửa chọc thủng bất cứ hệ thống phòng thủ tên lửa nào. Trong tương lai, tên lửa mới còn có thể đối phó với vũ khí tấn công hàng không vũ trụ".

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Topol-M Nga. Ảnh: Tin tức Tham khảo, Trung Quốc.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Topol-M Nga. Ảnh: Tin tức Tham khảo, Trung Quốc.

Thứ trưởng Quốc phòng Nga phụ trách ngành công nghiệp quân sự, ông Yuri Borisov trước đó tuyên bố, tầm bắn của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới sẽ trên 11.000 km.

Tướng Victor Yesin cho biết: "Chỉ tiêu này hoàn toàn có thể đạt được, bởi vì, có thể tiến hành hoàn thiện cách điều chế nhiên liệu và cấu tạo của Sarmat để tăng hiệu quả động cơ. Nhưng làm thế nào để kiểm nghiệm tên lửa mới có thể bắn trúng thực sự mục tiêu ở nửa bán cầu khác hay không còn là một vấn đề chưa rõ".

Thông thường, Nga bắn thử tên lửa ở bãi phóng Plesetsk hoặc Baikonur, tên lửa sẽ bay tới bãi thử Kula ở Kamchatka. Khoảng cách bay này không hơn 7.000 km, trong khi đó, nhiều loại tên lửa Nga có thể bay tới 12.000 km.

Trong tình hình này, Quân đội Nga cần bắn tên lửa ở lãnh thổ phía bắc Nga tới vùng biển quần đảo Hawaii. Việc thử nghiệm như vậy rất phức tạp, nhưng lại không thể thiếu.

Giáo sư Vadim Kozyulin từ Viện Khoa học quân sự Nga đã nhìn lại một trường hợp trong lịch sử của Lực lượng Tên lửa chiến lược Nga. Khi đó, tất cả các hoạt động bắn thử của tên lửa đạn đạo UR-100 chỉ hoàn thành ở bãi bắn Kula. 

Tên lửa được quân đội tiếp nhận, đưa vào sản xuất hàng loạt và trực ban chiến đấu. Sau đó, các nhà lãnh đạo đất nước muốn kiểm tra tầm bắn lớn nhất của nó. Kết quả, tên lửa không với tới mục tiêu. 

Khi bay ở đoạn cuối, tên lửa đã tiêu hao rất nhiều nhiên liệu khiến cho thân tên lửa bị rung, từ đó đã phá hoại kết cấu của tên lửa. Đây là một vụ bê bối nghiêm trọng. UR-100 khi đó là một trong những tên lửa bắn từ giếng phóng được triển khai nhiều nhất của Lực lượng Tên lửa chiến lược.

Học viên Nga tập luyện kiểm tra linh kiện tên lửa xuyên lục địa. Ảnh: Tin tức Tham khảo, Trung Quốc.
Học viên Nga tập luyện kiểm tra linh kiện tên lửa xuyên lục địa. Ảnh: Tin tức Tham khảo, Trung Quốc.

Đương nhiên, cuối cùng các kỹ sư tên lửa cũng đã tìm được vấn đề, đổi vòi phun dầu động cơ cải tiến cho tên lửa trực ban chiến đấu, vấn đề được giải quyết. 

Cho đến nay, kiểm tra tầm bắn lớn nhất vẫn là một trong những giai đoạn bay thử phức tạp nhất của tất cả các tên lửa đạn đạo Nga. Lần cuối cùng tiến hành loại thử nghiệm này diễn ra trong thời gian diễn tập vào năm 2008. 

Khi đó, tên lửa đạn đạo R-29RMU2 Lainer được bắn từ tàu ngầm, đã lập kỷ lục thế giới về tầm bắn của tên lửa cấp độ này, đó là 11.500 km. Tên lửa này đã bắn thử ở vùng biển Barents và đã bay đến vùng biển phía tây của Hawaii.