"Nếu tàu ngầm này tấn công một tàu hàng, chúng tôi có trách nhiệm phản ứng"

Tàu ngầm tấn công hạt nhân USS Mississippi của Mỹ đang thực tập để chuẩn bị triển khai theo dõi mọi hoạt động của tàu Trung Quốc ở vùng biển Guam, gần Biển Đông. Phóng viên báo Los Angeles Times lần đầu tiên được cho phép xuống tàu chứng kiến hoạt động bí mật này.
Sĩ quan điều khiển chuẩn bị cho tàu ngầm Mississippi lặn, ở ngoài khơi Hawaii tháng 8.2015 - Ảnh: L.A.Times
Sĩ quan điều khiển chuẩn bị cho tàu ngầm Mississippi lặn, ở ngoài khơi Hawaii tháng 8.2015 - Ảnh: L.A.Times

Trang tin Stripes của quân đội Mỹ ngày 29.9 dẫn bài báo của Los Angeles Times về chuyến đi 7 ngày của phóng viên tờ báo với tàu ngầm tấn công chạy bằng động cơ hạt nhân lớp Virginia mới nhất, chiếc USS Mississippi tháng 8.2015.

Từ bên dưới mặt biển khoảng 122 m ngoài khơi vùng biển Hawaii, một chuyên viên theo dõi định vị thủy âm (sonar) của tàu ngầm Mississippi bỗng nghe trong tai nghe những tiếng động bất thường. Đó là tiếng động của chân vịt loại 7 cánh của một tàu ngầm tấn công lớp Thương của Trung Quốc. Màn hình sonar của nhân viên này định vị tàu ngầm Trung Quốc chỉ cách tàu ngầm Mỹ khoảng 1.000 m phía trước.

"Tiếp xúc sonar, các trạm phân tích ngay”, chuyên viên này kêu lên với 15 sĩ quan và nhân viên trong căn phòng điều khiển mờ mờ ánh sáng. Chỉ trong vài giây, chiếc tàu ngầm dài 115 m Mississippi quẹo phải và chạy hệ thống động cơ đẩy bằng năng lượng hạt nhân của mình cho một trong những thao tác khó khăn nhất: âm thầm tiến lên phía sau chiếc tàu ngầm Trung Quốc và bám sau nó mà không bị phát hiện

May mắn thay, tàu ngầm Mississippi đang đuổi theo một… bóng ma chứ không phải chiếc tàu ngầm thực sự của Trung Quốc, vì đây là cuộc diễn tập. Một âm thanh kỹ thuật số tiếng động của tàu ngầm lớp Thương được phát ra để hệ thống sonar của tàu Mississippi bắt được nhằm thực tập chiến đấu.

Tuy thực tập, nhưng không khí chuẩn bị chiến đấu lại rất khẩn trương như thật: kích cỡ, vị trí tàu ngầm lớp Thương và tốc độ của nó được tự động đưa vào máy tính nhắm mục tiêu của tàu Mississippi, bước đầu tiên để chuẩn bị khai hỏa 1 trong số 27 ngư lôi của tàu.

"Nếu tàu ngầm này tấn công một tàu hàng, chúng tôi có trách nhiệm phản ứng" ảnh 1

Hai quả ngư lôi này nằm trên giá nâng chuẩn bị cho vào ống phóng. Tàu ngầm Mississippi mang 27 quả cùng khoảng 12 tên lửa Tomahawk - Ảnh: L.A.Times

Đây là hiệu ứng lớn chưa từng thấy từ quyết định của chính quyền tổng thống Barack Obama khi gửi các tàu chiến và máy bay chiến đấu mới nhất đến châu Á trong bốn năm qua, trong khuôn khổ chiến lược tái cân bằng ở châu Á - Thái Bình Dương nhằm trấn an các đồng minh châu Á của Mỹ đang lo lắng về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Cuộc chạy đua kiểu mèo vờn chuột giữa hải quân hai nước lớn nhất ở Thái Bình Dương là Trung Quốc và Mỹ, đặc biệt là các hạm đội tàu ngầm, ngày càng tăng. Hai bên theo dõi nhau và huấn luyện để chiến đấu với cường độ tương tự thời tàu ngầm Mỹ từng chuẩn bị để chiến đấu với Liên Xô.

Bên dưới lòng biển, chỉ huy Eric Rozek và khoảng 130 sĩ quan và thủy thủ, tất cả đều là nam giới, thao tác hàng loạt cuộc diễn tập phức tạp mà thông thường là chiến đấu chống lại kẻ thù tưởng tượng là Trung Quốc.

"Đó là bánh mì và bơ của chúng tôi. Bởi vì nếu làm được điều này, chúng tôi mới có thể chuyển sang sử dụng các loại vũ khí của mình”, chỉ huy Rozek nói khi tàu Mississippi đang theo dõi chiếc tàu ngầm tưởng tượng của Trung Quốc.

Cuộc diễn tập này cũng nhằm giúp tàu ngầm Mississippi, một trong 12 chiếc tàu ngầm tấn công nhanh lớp Virginia, chuẩn bị sẵn sàng cho sứ mệnh đầu tiên của nó vào đầu năm 2016 là tuần tra 6 tháng ở vùng biển Tây Thái Bình Dương (từ biển Nhật Bản xuống Biển Đông), trong đó có việc theo dõi tàu ngầm và tàu chiến của Trung Quốc.

Nếu chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc bất ngờ bùng nổ, Lầu Năm Góc sẽ điều tàu ngầm Mississippi hoặc các tàu cùng lớp Virginia đến sát Trung Quốc, theo các nhà phân tích và sĩ quan hải quân thân cận với các kế hoạch chiến tranh của Bộ Quốc phòng Mỹ. Các tàu ngầm này sẽ phóng tên lửa hành trình tấn công các dàn phóng tên lửa diệt hạm của Trung Quốc ở ven biển, và dùng ngư lôi tấn công các tàu chiến Trung Quốc trước khi chúng có thể tấn công các nhóm tàu sân bay Mỹ.

Khả năng chống ngầm của Trung Quốc đã được cải thiện trong nỗ lực hiện đại hóa quân đội, và gia tăng hạm đội tàu ngầm một cách ấn tượng và làm tăng mối đe dọa, theo nghiên cứu mới của tổ chức Rand Corp. về năng lực quân sự Mỹ và Trung Quốc.

Tuy nhiên báo cáo dày 389 trang này cũng cho hay các tàu ngầm Mỹ có khả năng sẽ tạo ra sự “trừng phạt khủng khiếp” nếu Trung Quốc cố chiếm Đài Loan, hòn đảo đồng minh của Mỹ, hoặc tiến hành hoạt động hải quân quy mô khác.

Tàu ngầm Mississippi từ căn cứ ở Groton, bang Connecticut được điều đến Trân Châu Cảng từ tháng 11.2014 trong chiến lược tái cân bằng của Mỹ. Hiện Hải quân Mỹ đã điều động 43 trong số 71 tàu ngầm của Mỹ sang Thái Bình Dương.

Có 20 tàu ngầm tấn công, hầu hết không mang vũ khí hạt nhân, đang trú đóng ở Trân Châu Cảng khiến nơi này thành căn cứ tàu ngầm lớn nhất của Mỹ. Ngoài ra còn có 4 tàu ngầm tấn công khác đang hoạt động tại Guam, gần Biển Đông.

Các tàu ngầm khác đậu tại các căn cứ ở bờ đông Thái Bình Dương, tại San Diego (bang California) và bang Washington, gồm 8 tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio dài 171 m mang tên lửa hạt nhân Trident II. Chúng sẽ ẩn sâu dưới lòng biển để tấn công khi xảy ra chiến tranh hạt nhân.

Trong khi đó Trung Quốc có ít nhất 62 tàu ngầm chạy bằng động cơ điện – diesel và cả hạt nhân, và sẽ tăng lên 78 chiếc trong 5 năm tới, theo báo cáo của Lầu Năm Góc hồi tháng 5.2015.

Trong số này có 4 tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn được cho có thể mang tên lửa hạt nhân tầm trung. Trung Quốc dường như sẽ bắt đầu cho tàu ngầm hạt nhân tuần tra với khả năng giáng trả đòn răn đe vào thời điểm nào đó trong năm 2015 này, theo báo cáo của Lầu Năm Góc.

"Nếu tàu ngầm này tấn công một tàu hàng, chúng tôi có trách nhiệm phản ứng" ảnh 2

Tàu ngầm Mississippi rời Trân Châu Cảng tháng 8.2015 để diễn tập săn tìm tàu địch trên biển, chuẩn bị cho đợt bố trí ở Tây Thái Bình Dương đầu năm 2016 - Ảnh: L.A.Times

Trung Quốc đã mở rộng tuần tra bằng tàu ngầm thông thường đến Ấn Độ Dương và biển Ả rập, và đến tận vùng Sừng châu Phi. Việc giám sát theo dõi các tàu ngầm này được thêm vào hoạt động của Hải quân Mỹ, theo tư lệnh lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương, đô đốc Harry Harris nói ngày 17.9 trước Ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ.

Để theo dõi mối đe dọa này của tàu ngầm Trung Quốc, Hải quân Mỹ đã triển khai các tàu trinh sát và máy bay tuần biển săn ngầm P-8A Poseidon thả các phao định vị sonar dò tìm tàu ngầm cùng các thiết bị nghe ngóng dưới biển. Tuy nhiên Hải quân Mỹ vẫn lệ thuộc vào các tàu ngầm tấn công của mình.

"Nếu tàu ngầm này tấn công một tàu hàng, chúng tôi có trách nhiệm phản ứng" ảnh 3

Hai sĩ quan tàu ngầm trên tháp quan sát của tàu ngầm Mississippi, tại Trân Châu Cảng tháng 8.2015 - Ảnh: L.A.Times

Ngoài khơi Hawaii, các sĩ quan tàu Mississippi lại tiếp tục cuộc diễn tập khác, đó là tình huống bùng nổ chiến tranh ở Thái Bình Dương. Một tàu ngầm lớp Tấn của nước “Churia” (không phải Trung Quốc) mang vũ khí hạt nhân đang tiến về một nước đồng minh của Mỹ, giả lập đó là Nhật Bản.

Tàu Mississippi có 36 giờ để dò tìm, phát hiện và cần thiết thì tấn công tiêu diệt tàu ngầm của Churia. Sĩ quan Ray Wiggin phụ trách vũ khí đã chuẩn bị sẵn sàng cho loạt phóng tên lửa hành trình tiêu diệt các mục tiêu trên bộ ở Churia.

Việc khai hỏa chỉ diễn ra nếu tàu ngầm lớp Tấn có thái độ thù địch. “Nếu tàu ngầm này tấn công một tàu hàng, chúng tôi có trách nhiệm phản ứng”, một sĩ quan nói.

Nếu không có vụ tấn công nào thì tàu ngầm Mỹ chỉ theo dõi và chờ lệnh tấn công do Hạm đội 7 đưa ra một khi xác định cuộc chiến với xứ Churia đã bắt đầu.

"Chúng tôi luôn sẵn sàng cho 2 tình huống là đánh đắm hay không đối với tàu ngầm địch”, sĩ quan Milsom nói.

Theo Anh Sơn - Thanh Niên