Nền kinh tế Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden và Donald Trump

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Chỉ còn chưa đầy 1 năm là đến kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ, và các vấn đề kinh tế một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý của các cử tri trên khắp cả nước.

Trước kỳ tranh cử quan trọng trong năm tới, cả ông Donald Trump và Joe Biden đều nêu bật đóng góp của họ cho nền kinh tế Mỹ (Ảnh: Fox News)
Trước kỳ tranh cử quan trọng trong năm tới, cả ông Donald Trump và Joe Biden đều nêu bật đóng góp của họ cho nền kinh tế Mỹ (Ảnh: Fox News)

Bất chấp đà phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế sau đại dịch, Tổng thống Joe Biden vẫn không thể thuyết phục người dân Mỹ rằng các chính sách của ông đang giúp cải thiện tình hình tài chính của họ. Trong các cuộc thăm dò, phần lớn người dân Mỹ vẫn nói rằng họ tin tưởng cách điều hành nền kinh tế của cựu Tổng thống Donald Trump hơn ông Biden.

Những kết quả từ chính sách kinh tế của cả hai đời Tổng thống đều được định hình bởi đại dịch và những hệ quả mà nó để lại. Cuộc khủng hoảng do COVID-19 gây ra đã làm khuấy đảo thị trường việc làm, đẩy lạm phát lên cao và khiến nợ liên bang của Mỹ thêm hàng nghìn tỉ USD.

Nền kinh tế Mỹ ngày nay khác xa so với năm 2017, thời điểm mà ông Trump nhậm chức. Nhưng dữ liệu tổng hợp đã cho thấy mỗi đời chính quyền đã đạt được những gì: ông Biden, thêm 14 triệu việc làm chỉ trong chưa đầy 3 năm, đã làm giảm tỷ lệ thất nghiệp của người da đen xuống mức thấp kỷ lục và giảm hàng tỉ USD nợ sinh viên. Trong khi đó, chính quyền Trump có thể tự hào về một giai đoạn lạm phát thấp, lãi suất thấp và giá khí đốt thấp.

Tờ Washington Post đã đưa ra 12 biểu đồ thể hiện tình hình kinh tế dưới thời Trump và hiện tại.

Việc làm

Thị trường lao động bền bỉ rõ ràng là một trong những chiến thắng lớn của Nhà Trắng ở thời điểm hiện tại. Khi ông Biden nhậm chức, hàng triệu người Mỹ đang thất nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch. Số lượng việc làm tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây đã vượt kỳ vọng của các nhà kinh tế học và thúc đẩy đà tăng trưởng của nền kinh tế.

Đáng chú ý hơn là thị trường lao động Mỹ vẫn duy trì được sự "khỏe mạnh", bất chấp nỗ lực làm chậm nền kinh tế của Cục Dữ trữ liên bang (Fed). Miễn là người dân Mỹ có việc làm, họ vẫn đủ sức chịu đựng lạm phát và tiếp tục chi tiêu, từ đó giúp nền kinh tế tăng trưởng.

Các chủ doanh nghiệp đã tạo thêm 14 triệu việc làm dưới thời chính quyền Biden, trong đó trung bình mỗi tháng có hơn 400.000 vị trí việc làm mới. Gần đây, nhịp độ tạo việc làm đã chậm lại, với khoảng 199.000 việc làm mới trong tháng 11.

Ngược lại, nền kinh tế thêm trung bình 176.000 việc làm mỗi tháng trong giai đoạn 3 năm đầu của chính quyền Trump, trước khi các lệnh phong tỏa do COVID-19 và làn sóng sa thải khiến nền kinh tế mất đi hơn 20 triệu việc làm.

1-1178.png

Tỷ lệ thất nghiệp

Ngoài đợt tăng mạnh do COVID-19 trong giai đoạn 2020-2021, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ được duy trì ở mức thấp dưới cả thời chính quyền Trump và Biden.

Dưới thời chính quyền Trump, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống còn 3,5% vào năm 2020, mức thấp nhất trong nửa thế kỷ. Dưới thời Biden, tỷ lệ này thậm chí còn giảm sâu hơn, xuống còn 3,4% hồi đầu năm nay. Con số ở thời điểm hiện tại là 3,7%.

Hoạt động tuyển dụng kéo dài nhiều năm đặc biệt có lợi cho những người thường ít hiện diện trong lực lượng lao động. Tỷ lệ thất nghiệp đối với công nhân gốc Tây Ban Nha, phụ nữ da màu và người khuyết tật đều đạt mức thấp kỷ lục dưới thời Biden.

Tỷ lệ thất nghiệp của người da màu – điều mà ông Trump hay nêu ra như một thành tựu trong nhiệm kỳ tổng thống của mình – đã giảm dưới thời cả hai chính quyền, nhưng lại đạt mức thấp nhất mọi thời đại dưới thời Biden vào đầu năm nay.

2-7206.png

Tăng trưởng kinh tế

Nền kinh tế Mỹ nhìn chung đều tăng trưởng với tốc độ ổn định dưới cả thời chính quyền Trump và Biden. GDP, thước đo tất cả hàng hóa và dịch vụ của một quốc gia, đã tăng trưởng khoảng 22% kể từ khi ông Biden nhậm chức. Dưới thời Trump, con số này là 14%, tại thời điểm mà đại dịch đẩy nền kinh tế vào một cuộc suy thoái bất ngờ. Mặc dù vậy, nền kinh tế đã phục hồi nhanh chóng – một phần nhờ vào các gói kích thích hàng nghìn tỉ USD – và tiếp tục tăng trưởng sau khi ông Trump rời nhiệm sở.

Hiện tại, dưới thời Biden, nền kinh tế Mỹ đã trải qua 5 quý tăng trưởng liên tiếp, sau khi trải qua 6 tháng suy giảm trong năm ngoái. Đợt tăng trưởng gần đây chủ yếu là nhờ hoạt động chi tiêu tiêu dùng hết sức sôi động, đóng góp tới 70% nền kinh tế, cùng với các dự án cơ sở hạ tầng và năng lượng xanh mới. Tuy nhiên, các nhà kinh tế học nhấn mạnh rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện tại – 4,9%, tính tại tháng 9 – là không bền vững, và nhiều người dự báo rằng đà tăng trưởng sẽ giảm trong năm tới.

3-5290.png

Giá khí đốt

Cả hai đời Tổng thống đều ít kiểm soát giá khí đốt. Nhưng đây là một lĩnh vực mà chính quyền Trump làm tốt hơn cho người dân Mỹ - và có thể giúp lý giải về bầu không khí u ám mà một số người dân Mỹ đang cảm thấy.

Tác động của đại dịch, cuộc chiến ở Ukraine và các đợt nhu cầu tăng mạnh đã khiến giá khí đốt tăng mạnh kể từ năm 2020. Giá khí đốt đã tăng hơn gấp đôi trong khoảng thời gian từ tháng 4/2020 đến tháng 4/2022, từ 1,84 USD/gallon lên 4,11 USD/gallon. Vào tháng 6/2022, giá khí đốt đạt đỉnh lên mức cao kỷ lục là 5 USD/gallon, và kể từ đó bắt đầu giảm. Giới phân tích nói rằng giá khí đốt có thể giảm xuống dưới 3 USD/gallon vào cuối năm nay, nhờ sản lượng tăng và nhu cầu giảm.

Giá khí đốt ảnh hưởng trực tiếp tới quan điểm của người dân Mỹ về nền kinh tế, và giá xăng cao hơn tại trạm bơm đã gây nên tâm lý u ám của nhiều người tiêu dùng dưới thời chính quyền Biden.

4-4179.png

Giá nhà

Sở hữu nhà là một trong những cách tốt nhất để người dân Mỹ tích luỹ tài sản, và đợt tăng giá gần đây là một con dao hai lưỡi: Nhiều người mua nhà lần đầu tiên bị loại khỏi thị trường, trong khi những người đã sở hữu nhà lại được hưởng lời từ giá bất động sản tăng.

Nhìn chung, sở hữu nhà trở nên khó khăn hơn dưới thời chính quyền Biden. Giá nhà đã tăng mạnh trong giai đoạn đại dịch, gần 49% trong giai đoạn từ mùa Xuân năm 2020 đến mùa Thu năm 2022. Chi phí tăng khiến cho khả năng mua nhà bị đẩy xuống mức thấp kỷ lục, theo Goldman Sachs. Nhà hiện đang bán ở mức giá trung bình 431.000 USD – thấp hơn mức 480.000 USD trong năm ngoái, nhưng vẫn cao hơn mức trung bình trước đại dịch.

Lãi suất vay thế chấp đã tăng hơn gấp đôi trong vòng 2 năm – từ 3,1% lên 7% - khiến cho việc mua nhà đắt đỏ hơn nhiều và khiến thị trường nguội lạnh. Giá nhà hiện vẫn ở mức cao do nhu cầu nhà ở vẫn vượt cung.

5-6197.png

Lạm phát

Lạm phát trở thành một thách thức dai dẳng đối với chính quyền Biden. Giá cả tăng mạnh sau đại dịch đã đẩy lạm phát lên mức cao nhất trong hơn 40 năm qua. Người dân Mỹ phải đối diện với giá cả tăng cao ở mọi mục hàng hóa, bao gồm tạp hóa, khí đốt, xe ô tô và chăm sóc y tế.

Mặc dù lạm phát gần đây đã giảm so với mức đỉnh hồi mùa Hè năm ngoái, nhưng giá cả vẫn cao hơn khoảng 3% so với cách đây 1 năm. Nhiều người dân Mỹ nói rằng chi phí cao hơn đã ảnh hưởng đến đánh giá của họ về nền kinh tế, trong đó nhiều cử tri chỉ ra rằng lạm phát là vấn đề mà họ quan ngại nhất về nền kinh tế.

6-1645.png

Lãi suất

Tổng thống Mỹ có rất ít quyền kiểm soát đối với lãi suất. Mặc dù Chủ tịch Fed và các thống đốc được chỉ định bởi Tổng thống và phê duyệt bởi Quốc hội, nhưng Ngân hàng Trung ương Mỹ lại hoạt động một cách độc lập.

Trong khi đó, những động thái mà Fed đưa ra lại có tác động sâu rộng tới nền kinh tế. Dưới thời chính quyền Biden, ngân hàng trung ương đã nâng lãi suất 11 lần trong nỗ lực chống lạm phát, đưa lãi suất cơ bản lên khoảng 5,25%-5,5%, cao nhất trong vòng 22 năm.

Mỗi lần Fed nâng lãi suất, hoặc đánh tín hiệu rằng họ có thể nâng lãi suất, sẽ có tác động lên toàn nền kinh tế, khiến chi phí vay mượn tăng cao đối với tất cả loại hình vay, bao gồm cả vay thế chấp (hiện ở 7%), vay cá nhân (12%) và vay tín dụng (trên 20%).

7-7305.png

Thu nhập khả dụng

Người dân Mỹ có sức mua ít hơn so với giai đoạn đầu nhiệm kỳ của ông Biden. Việc chính quyền giảm gói kích thích, cộng thêm giá cả gia tăng, đã gây ra những dao động lớn trong thu nhập hộ gia đình kể từ năm 2020. Thế nhưng, người dân Mỹ kết thúc năm 2023 trong trạng thái tốt hơn so với 1 năm trước, do tăng trưởng lương vượt lạm phát.

Dưới thời chính quyền Trump, người dân Mỹ có sức chi tiêu tăng ổn định cho đến khi đại dịch bắt đầu. Nhìn chung, thu nhập khả dụng thực tế - tức thu nhập sau khi đã trừ thuế và điều chỉnh lạm phát – tăng khoảng 10% trong khoảng từ tháng 1/2017 đến tháng 1/2020.

8-9701.png

Thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán đã tăng trưởng nhanh chóng dưới thời chính quyền Trump và tiếp tục tăng trưởng dưới thời chính quyền Biden. Sau một khoảng chững hồi năm ngoái – do dự báo về chi phí vay mượn tăng và sự bất ổn – giá cổ phiếu đã tăng trở lại do sự lạc quan rằng Fed đã kết thúc chu kỳ nâng lãi suất. Chỉ số Dow Jones và Nasdaq đều đạt những mốc cao mọi thời đại trong tháng này, và chỉ số S&P 500 cũng tăng theo.

Dưới thời chính quyền của mình, ông Trump theo dõi rất sát thị trường cổ phiếu, thường xuyên lên mạng xã hội để khoe về thành tích của mình. Ông cũng từng cảnh báo người dân Mỹ rằng chính quyền Biden sẽ gây ra hậu quả là “sự sụp đổ thị trường chứng khoán theo dạng mà các bạn chưa từng thấy”.

Nhưng điều đó đã không xảy ra, và đây là lý do mà ông Biden phản kích trên mạng xã hội X: “Tốt lắm, Trump”.

9-7317.png

Nợ sinh viên

Các khoản nợ sinh viên đã tăng lên trong gần 2 thập kỷ - cho đến tận bây giờ.

Tổng thống Biden nhậm chức cùng với cam kết sẽ giảm gánh nặng nợ cho sinh viên và những người đã tốt nghiệp. Mặc dù kế hoạch tham vọng nhất của ông – bao gồm kế hoạch xóa nợ 400 tỉ USD – đã bị chặn bởi Tòa tối cao và các nhà lập pháp đảng Cộng hòa, nhưng chính quyền của ông vẫn tìm ra cách để thực hiện kế hoạch đó.

Tính đến thời điện hiện tại, Nhà Trắng đã xóa khoảng 132 tỉ USD nợ sinh viên cho khoảng 3,6 triệu người Mỹ. Họ cũng tăng hỗ trợ tài chính (Pell Grants) cho sinh viên thuộc hộ có thu nhập thấp và trung bình, cho phép họ giảm bớt gánh nặng nợ. Kết quả là, khoản nợ sinh viên giảm liên tục suốt 6 tháng. Người dân Mỹ có khoản nợ sinh viên khoảng 1,74 nghìn tỉ USD tính đến tháng 10, giảm từ mức kỷ lục 1,77 nghìn tỉ tại thời điểm đầu năm nay.

10-4807.png

Tâm lý người tiêu dùng

Bất chấp sức khỏe của nền kinh tế, người dân Mỹ dường như vẫn tỏ ra tiêu cực về vấn đề tài chính trong nhiệm kỳ của ông biden. Tâm lý người tiêu dùng giảm xuống mức thấp nhất từ trước đến nay trong tháng 6/2022, thời điểm mà giá khí đốt cao kỷ lục. Kể từ đó, tâm lý đã được cải thiện đôi chút nhưng vẫn thấp hơn so với thời chính quyền Trump.

Nhưng mặc dù than vãn về tình hình kinh tế, người dân Mỹ vẫn tiếp tục chi tiêu mạnh tay. Lượng tiền chi tiêu đó – để mua nhiều loại hàng hóa và dịch vụ bao gồm xe ô tô, du lịch và ăn tối nhà hàng – đã tiếp sức mạnh cho nền kinh tế.

11-7136.png

Thâm hụt liên bang

Thâm hụt liên bang đã đạt đỉnh dưới thời chính quyền Trump, mặc dù cả ông và ông Biden đều thêm hàng nghìn tỉ USD vào nợ quốc gia. Thâm hụt liên bang – hay khoảng cách giữa thu nhập và chi tiêu của chính phủ - tăng lên mỗi năm trong nhiệm kỳ của ông Trump. Các đợt cắt giảm thuế rộng lớn, tiếp theo là cách chính phủ phản ứng trước đại dịch, đã thêm 7,8 nghìn tỉ USD vào khoản nợ quốc gia.

Kể từ đó, mức thâm hụt đã giảm trong 2 năm đầu của nhiệm kỳ ông Biden. Nhưng năm nay, nó lại tăng trở lại, thêm 23%, khiến nước Mỹ thâm hụt khoảng 1,7 nghìn tỉ USD.

Tình trạng thâm hụt ngày càng tăng, cùng với tình trạng rối loạn trong Quốc hội, đã làm dấy lên hồi chuông cảnh báo đối với các hãng xếp hạng uy tín. Fitch Ratings đã hủy mức xếp hạng AAA của Mỹ trong tháng 8. Đến tháng 11, Moody’s hạ viễn cảnh nợ quốc gia của Mỹ, cảnh báo rằng “sự phân cực chính trị tiếp diễn” đang đe dọa sức mạnh tài chính của quốc gia.

12-5154.png

Theo The Washington Post