Mỹ đối diện với rủi ro khủng hoảng nợ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Nhiều người cho rằng Chủ tịch Fed Powell hiện là người đau đầu nhất; nhưng thực tế, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen mới ngày càng lo lắng do đang phải đối mặt với áp lực lớn, đặc biệt sau khi Mỹ công bố dữ liệu nắm giữ trái phiếu.

Nợ quốc gia của Mỹ hiện đã lên tới 33,9 nghìn tỉ USD (Ảnh: Sohu)
Nợ quốc gia của Mỹ hiện đã lên tới 33,9 nghìn tỉ USD (Ảnh: Sohu)

Nợ của Mỹ hiện đã trở thành một vấn đề chung đối với Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và Bộ Tài chính. Mặc dù trước đây Mỹ đã phát hành rất nhiều khoản nợ (trái phiếu) nhưng nước này đã nỗ lực bán nợ của mình cho nước ngoài, bởi vậy một khi cuộc khủng hoảng nợ của Mỹ nổ ra, các quốc gia khác sẽ phải gánh chịu. Nhưng tình thế hiện nay đã khác.

Dữ liệu mới nhất cho thấy ngoài Trung Quốc tiếp tục bán tháo trái phiếu Mỹ, Nhật Bản - chủ nợ lớn nhất - và Vương quốc Anh - chủ nợ lớn thứ ba - cũng đã thay đổi nhịp độ mua trái phiếu Mỹ trong tháng trước và chuyển sang bán tháo quy mô lớn. Chỉ riêng trong tháng 9 năm nay, ba quốc gia nước ngoài nắm giữ lượng trái phiếu lớn nhất của Mỹ này đã cùng nhau bán ra 89 tỉ USD.

Khung hoang no My co nguy co bung no.jpg
Khủng hoảng nợ của Mỹ có nguy cơ bùng nổ (Ảnh: Chinatimes)

Ai mua trái phiếu Mỹ?

Vậy những tổ chức nào đã mua trái phiếu Mỹ trước đây? Đầu tiên là các ngân hàng Mỹ, từng là một trong những thực thể mua trái phiếu Mỹ lớn nhất.

Trong vài năm qua, đặc biệt là sau đại dịch, Mỹ đã phát hành tiền tệ trên quy mô lớn, dẫn đến một lượng tiền tiết kiệm lớn đổ vào các ngân hàng Mỹ. Để phân bổ các tài sản này, nhiều ngân hàng đã mua với số lượng lớn các loại trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu kho bạc Mỹ.

Sau vụ phá sản của Silicon Valley Bank (SVB) hồi tháng 3, các nhà kinh tế đã xem xét vụ khủng hoảng và phát hiện vấn đề chính là ngân hàng này đã mua một lượng lớn trái phiếu của Mỹ sau khi tiền gửi tiết kiệm tăng. Tuy nhiên, họ không ngờ rằng nợ của Mỹ tiếp tục giảm trong 3 năm qua khiến bảng cân đối kế toán của SVB lao dốc, hứng khoản lỗ lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của người gửi tiết kiệm. Sau đó người gửi rút tiền đồng loạt và ngân hàng phá sản.

Gánh nặng khổng lồ trước đây vẫn đang được giải tỏa nên các ngân hàng hiện không thể mua được lượng lớn trái phiếu của Mỹ.

Bên mua lớn thứ hai là các tổ chức quản lý tài sản của Phố Wall. Ví dụ như Vanguard và BlackRock, những công ty quỹ lớn này quản lý lượng tài sản khổng lồ cho khách hàng của họ và nghiễm nhiên trở thành nhà đầu tư lớn trong việc phân bổ trái phiếu của Mỹ, họ nắm trong tay số lượng trái phiếu Mỹ lên tới 300-400 tỉ USD, thậm chí nhiều hơn phần lớn các quốc gia nắm giữ nhiều trái phiếu Mỹ khác.

Tuy nhiên, do nợ của Mỹ liên tục giảm trong mấy năm gần đây, tài sản do các tổ chức quản lý tài sản Phố Wall nắm giữ đã giảm đáng kể, giá trị ròng của quỹ của họ cũng liên tục giảm và một số nhà đầu tư đã mua lại vốn của họ. Ngay cả những nhà đầu tư chưa rút vốn vẫn gây áp lực rất lớn cho các tổ chức quản lý tài sản. Bởi vậy, họ không thể mua được số lượng lớn trái phiếu của Mỹ.

Dữ liệu cuối cùng nói lên tất cả. Sau tháng 6, Bộ Tài chính Mỹ nhận được sự cho phép và bắt đầu bán trái phiếu Mỹ ra thị trường. Lần này, những người mua trái phiếu Mỹ là các hộ gia đình bình thường, tức là các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Họ đã mua gần 70% lượng trái phiếu Mỹ.

Dan chung My se thiet hai nang nhat.png
Các gia đình Mỹ sẽ là những người cuối cùng bị thiệt hại nếu xảy ra khủng hoảng
(Ảnh: Toutiao)

Rủi ro khủng hoảng nợ

Trong trường hợp khủng hoảng nợ xảy ra trong tương lai, các gia đình Mỹ sẽ là những người cuối cùng bị thiệt hại.

Theo các tin trước đây từ Fox BusinessSemafor, Heritage Foundation, một tổ chức tư vấn ở Washington cho biết, vào tháng 6 năm nay, nợ quốc gia của Mỹ là 31,4 nghìn tỉ USD, và hiện đã lên tới 33,9 nghìn tỉ USD, tăng 2,5 nghìn tỉ USD chỉ trong 6 tháng.

Ông E.J. Antoni, nhà nghiên cứu tại Heritage Foundation, một tổ chức tư vấn ở Washington, trong bài viết đăng tải trên tờ Semafor cho hay lãi suất nợ của Mỹ hiện chiếm gần 40% thuế thu nhập cá nhân ở Mỹ. Nguồn thu lớn nhất của chính phủ sẽ ngày càng được sử dụng nhiều hơn để trả nợ, hoặc thậm chí không trả được.

Báo cáo tài chính hàng tháng gần đây nhất do Bộ Tài chính Mỹ công bố cho thấy 88,9 tỉ USD tiền lãi từ trái phiếu của Mỹ đã được chi trả vào tháng 10 năm nay. Con số này cao gấp đôi số tiền được trả so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ Tài chính dự kiến ​​các khoản thanh toán lãi sẽ vượt quá 1 nghìn tỉ USD trong năm tài khoá này, trong khi dự báo số tiền lãi phải trả sẽ tăng lên mỗi tháng.

Theo Toutiao