Theo báo Mỹ Wall Street Journal ngày 5/4, các quan chức Bộ Quốc phòng Séc tiết lộ, cho đến nay hơn 10 chiếc xe tăng T-72M được nâng cấp và hiện đại hóa đã được chuyển cho Ukraine; ngoài ra các xe chiến đấu bộ binh lội nước BMP-1 và đạn pháo cũng đã được bàn giao cho Kiev. Tin cho biết số vũ khí này được chính phủ Séc và các tư nhân tham gia vào các chiến dịch quyên góp tài trợ. Xét về cường độ của cuộc chiến, các quốc gia thành viên bên sườn phía đông của NATO thường lo lắng nguồn cung cấp vũ khí và đạn dược của phương Tây còn lâu mới đáp ứng được nhu cầu của Ukraine. Một quan chức Ba Lan chỉ ra rằng lượng vũ khí đạn dược Ukraine tiêu thụ trong một ngày tương đương số lượng họ nhận được trong cả một tuần.
Một quan chức khác của Bộ Quốc phòng Séc nói rằng nếu chiến tranh tiếp tục, các thiết bị bị hư hỏng sẽ cần được sửa chữa, nhưng các cơ sở sửa chữa của Ukraine bận rộn đến mức Kiev phải tìm kiếm sự hỗ trợ từ các đồng minh gần đó. Mặc dù Slovakia không cung cấp xe tăng cho Ukraine, nhưng nước này đang xem xét cùng với Cộng hòa Séc mở các cơ sở công nghiệp-quân sự để hỗ trợ sửa chữa và cải tiến các thiết bị quân sự bị hư hỏng của Ukraine.
Cộng hòa Séc đã bí mật chuyển giao hơn chục xe tăng T-72M cho Ukraine. |
Được biết đây chỉ là một phần trong kế hoạch viện trợ lớn của Mỹ và NATO cho Ukraine. Theo một bài viết trên tờ New York Times, chính quyền Joe Biden đã quyết định hợp tác với các nước NATO để cung cấp hơn 900 xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 cho quân đội chính phủ Ukraine nhằm tăng cường sức mạnh quân sự ở khu vực Donbass. Đây cũng là lần đầu tiên Mỹ và châu Âu sẵn sàng cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine từ trước đến nay trong cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine. Hơn 900 xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 này có thể tiến vào Ukraine bằng đường bộ nên sẽ không gây ra tranh cãi như việc bàn giao máy bay chiến đấu, cơ hội thành công cũng sẽ cao hơn.
Nguyên nhân khiến chính quyền Joe Biden nóng lòng đồng ý cung cấp cho Ukraine hơn 900 xe tăng chiến đấu chủ lực trong thời gian ngắn chủ yếu là do quân đội Nga hiện đang có những điều chỉnh quân sự lớn. Một số lượng lớn quân đội Nga đã bắt đầu rút khỏi các vùng Sumy, Kiev và Chernihiv. Có điều, số quân Nga này không rút về lãnh thổ của quân Nga, mà tiến về hướng Donbass, chuẩn bị bao vây và tiêu diệt các binh đoàn quân Ukraine được trang bị nặng còn cố thủ ở hướng Donbass.
Với 942 chiếc T-72 được các nước NATO viện trợ, sức mạnh của Quân đội Ukraine sẽ gia tăng đáng kể. |
Vào thời gian đầu sau khi cuộc chiến nổ ra, một trong những đơn vị mạnh nhất của quân chính phủ Ukraine ở Donbass đã bị quân đội Nga và lực lượng vũ trang thân Nga ở Donbass kìm chân, không thể hỗ trợ cho các khu vực Mariupol và Kyiv. Tính đến nay, quân đội Ukraine vẫn có quy mô từ 70.000 đến 80.000 người.
Khi bắt đầu cuộc chiến, Tổng thống Nga Putin đã tuyên bố “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine có hai mục đích chính, một là nhằm "phi phát xít hóa" Ukraine. Sau khi chiếm được Mariupol, cứ điểm của Tiểu đoàn Azov, mục tiêu này coi như đã hoàn thành hơn một nửa. Mục tiêu thứ hai là đạt được "phi quân sự hóa" Ukraine. Trước đây Quân đội Nga đã phá hủy hầu hết các cơ sở công nghiệp-quân sự quan trọng ở Ukraine; tiếp theo, nếu có thể gây thiệt hại nặng cho lực lượng quân đội Ukraine cố thủ ở hướng Donbass, về cơ bản, mục tiêu này cũng sẽ đạt được.
Xe tăng T-72M4CZ do Liên Xô chế tạo hiện mang cờ NATO. |
Đối với Mỹ và châu Âu, hiện Ukraine đã hoàn toàn mất khả năng tự sản xuất xe tăng chiến đấu. Nếu để cho quân đội Nga tiêu diệt được binh đoàn chủ lực của quân đội Ukraine, thì sau chiến tranh Mỹ và châu Âu sẽ cần phải đầu tư nhiều kinh phí và sức lực để khôi phục sức mạnh quân sự của nước này. Do đó, Mỹ và châu Âu muốn giải cứu binh đoàn hạng nặng này của Ukraine bằng cách cung cấp hơn 900 xe tăng chiến đấu chủ lực.
So với số lượng hạn chế các máy bay chiến đấu do Liên Xô sản xuất, nhiều nước châu Âu hiện có rất nhiều xe tăng chiến đấu chủ lực T-72. Cộng hòa Séc sẵn sàng hỗ trợ 30 chiếc T-72M4CZ và 86 chiếc T-72M1; Hungary sẵn sàng hỗ trợ 30 chiếc T-72M1 và 75 chiếc 7-72M; Ba Lan sẵn sàng hỗ trợ 135 chiếc T-72M1Z và 586 chiếc T-72M1, T-72MD. Tổng cộng, các nước có thể viện trợ cho Ukraine 942 xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 các loại.
Xe bọc thép chở quân BMP-1 cũng sẽ được CH Séc chuyển giao cho Ukraine. |
Trong số hơn 900 xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 này, hầu hết thuộc dòng T-72M/M1, là phiên bản 1979 và 1983 của xe tăng chiến đấu chủ lực T-72A được cấp phép cho Ba Lan và Tiệp Khắc sản xuất các năm đó. Tiên tiến nhất là xe tăng chiến đấu chủ lực T-72M4CZ của Cộng hòa Séc, đây cũng là mẫu cải tiến T-72 hiếm có được tích hợp nhiều công nghệ liên quan của NATO.
Tổng cộng chỉ có 30 xe tăng loại T-72M4CZ được sản xuất, pháo chính là pháo nòng trơn 2A46M 125mm, tương thích với việc phóng tên lửa từ nòng pháo. Loại tăng này sử dụng động cơ CV-12-1000 TCA của Perkins, hộp số tự động XTG 411-6-N của Công ty Mỹ Allison, hệ thống điều khiển hỏa lực TURMS-T của Italy và giáp phản ứng nổ DYNA-72 của Ba Lan. Nó được cho là hoàn toàn có khả năng đối đầu với xe tăng chiến đấu chủ lực T-72B3 hiện đang được trang bị số lượng lớn trong quân đội Nga.
Ngoài hàng trăm xe tăng chiến đấu chủ lực T-72, Cộng hòa Séc cũng đồng ý tặng Ukraine 56 xe chiến đấu bộ binh Pbv-501. Pbv-501 là một biến thể của xe chiến đấu bộ binh BMP-1 do Liên Xô sản xuất, ban đầu được sản xuất cho Quân đội Đông Đức, sau đó cũng được Quân đội Séc mua và sử dụng. Do có liên quan với Đông Đức nên việc chuyển giao các xe chiến đấu bộ binh này cần nhận được sự chấp thuận của chính phủ Đức hiện nay. Vì vậy, việc Cộng hòa Séc sẵn sàng tặng 56 xe chiến đấu bộ binh này cũng có thể coi là chứa đựng thiện chí hiến tặng của Đức.
Gần 1.000 xe chiến đấu bọc thép này nghe thì rất đáng sợ, nhưng chúng có lẽ chẳng giúp ích được gì nhiều cho quân đội Ukraine ở Donbass. Mặc dù Không quân Nga hiện vẫn chưa hoàn toàn kiểm soát được trên không ở chiến trường Ukraine, nhưng phần lớn các khu vực vẫn nằm trong phạm vi tấn công của Không quân Nga. Gần 1.000 xe chiến đấu bọc thép này phải di chuyển từ miền tây sang miền đông Ukraine, dù vận chuyển bằng đường bộ hay đường sắt, dự tính đều có thể bị Không quân Nga tiêu diệt một số lớn.
Thứ hai, quân đội Ukraine ở khu vực Donbass rất khó sử dụng những xe chiến đấu bọc thép này để đánh được những trận thắng đẹp. Ngoài các loại máy bay cường kích Su-34, Su-24 và Su-25 của Không quân Nga có thể gây ra mối đe dọa rất lớn đối với các xe chiến đấu bọc thép này, số lượng lớn trực thăng vũ trang Ka-52 và Mi-28 của quân đội Nga cũng có thể coi các xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 này là các tấm bia di động.
Ka-52 - "sát thủ diệt Tăng" của Quân đội Nga. |
Đừng nhìn vào thực tế một số máy bay trực thăng vũ trang của Nga đã bị tên lửa phòng không vác vai của Ukraine bắn hạ trong các trận chiến trước đây. Nếu tác chiến chống tăng trên địa hình đồng bằng, các máy bay và trực thăng Nga có thể sử dụng tên lửa chống tăng tầm xa rất hữu ích, không cần phải tiếp cận để tấn công bằng tên lửa.
Ngay cả khi xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 của Ukraine thoát khỏi các đợt tấn công của máy bay chiến đấu và trực thăng vũ trang Nga, ngoại trừ 30 chiếc T-72M4CZ, hầu hết những chiếc T-72 còn lại của Ukraine đều không địch lại được T-72B3 của Nga, chứ đừng nói đến số lượng rất nhiều xe tăng chiến đấu chủ lực T-80 có trong tay họ.