Trong thập kỷ qua, chúng ta đã tạo ra những dụng cụ tuyệt diệu đem lại khả năng quan sát những vì sao sâu thẳm và phát hiện ra nhiều hành tinh xoay quanh chúng. Những phát hiện này như đổ thêm dầu vào lửa cho công cuộc tìm kiếm những dạng sống khác ngoài Trái Đất. Trong đó có dự án SETI chú trọng vào tìm kiếm trí thông minh ngoài vũ trụ. Nếu sự sống có thể nảy sinh trên các hành tinh khác, một câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta không tìm dấu hiệu khác ngoài dấu hiệu hóa học như sự có mặt của oxy?
Chúng ta có thể tìm thấy các dấu hiệu về công nghệ. Những thứ như sóng radio, thậm chí là các siêu kiến trúc - các vật thể với kích thước khổng lồ. Một ví dụ điển hình là giả thuyết về Dyson Sphere - kiến trúc khổng lồ có kích thước ngang bằng một ngôi sao, xoay quanh ngôi sao và sử dụng chính năng lượng do sao đó phát ra để vận hành. Theo báo cáo đầu tuần này, lần đầu tiên trong lịch sử tổ chức, NASA đã âm thầm bắt đầu một cuộc tìm kiếm các siêu kiến trúc ngoài hành tinh.
Các cuộc thăm dò tìm kiếm dấu hiệu sinh học đã được tài trợ nhiều trong các thập kỷ trước. Đối ngược lại thì việc tìm dấu hiệu công nghệ lại trải qua nhiều thăng trầm. Năm 1993, NASA bỏ dở một dự án thăm dò tìm kiếm các tín hiệu vi sóng có nguồn gốc nhân tạo trong vũ trụ. Sự kiện này khiến công cuộc tìm kiếm dấu hiệu về công nghệ bị tạm ngưng trong vài thập kỷ.
Kể từ cuối năm 2019, NASA đã trao bốn khoản tài trợ để tài trợ cho việc tìm kiếm các cấu trúc công nghệ. Vào tháng 11 năm 2020, NASA đã trao một khoản tài trợ cho Ann Marie Cody thuộc Trung tâm Nghiên cứu Ames của NASA và Croft. Hai nhà khoa học này có nhiệm vụ quan sát toàn bộ bầu trời để nhận biết liệu có các vật thể bất thường nào trong vũ trụ.
Cody nghiên cứu các nguyên nhân tự nhiên của khiến cho các ngôi sao lập lòe trên nền tối của Vũ trụ. Chúng có thể là do có vật thể bay quanh quỹ đạo sao hoặc các điểm đen trên bề mặt thiên thể. Đây là một trong nhiều cách thăm dò xem liệu có vật thể nào ở xung quanh các vì sao, và biết đâu có những vật thể bay quanh sao là một siêu kiến trúc do người ngoài hành tinh xây dựng.
Có một số lý do tại sao NASA đang bắt đầu chuyển hướng tài trợ nghiên cứu. Năm 2015, nhà đầu tư tư nhân Yuri Milner bắt đầu tài trợ 100 triệu USD cho Breakthrough Listen để thực hiện nghiên cứu trong 10 năm. Số tiền cho phép tạo ra nhiều tiến triển, một số thậm chí được đăng trên nhiều tạp chí thiên văn học hàng đầu.
Thậm chí Quốc Hội Mỹ cũng tỏ ra hứng thú, do đó NASA đã tổ chức hội thảo về Dấu hiệu Công nghệ vào tháng 9 năm 2018.
Ông Croft cho rằng thiên văn học đã phát triển đủ để thúc đẩy công cuộc tìm kiếm trí thông minh ngoài vũ trụ. Nhờ các kính thiên văn như Kepler và TESS, các nhà thiên văn học tin rằng cứ 5 hành tinh ắt sẽ có 1 có đủ điều kiện tiềm năng cho sự sống. NASA cũng đã tiêu hàng tỉ USD cho các nghiên cứu sinh học - thiên văn học năm ngoái, bao gồm xe thăm dò Mars Rover, với mục đích thăm dò sự sống trên sao Hỏa.
Chiến lược của nhóm nghiên cứu là “tìm những điểm dị thường” - nói cách khác là những thay đổi về ánh sáng bất thường từ các vì sao. Khó khăn nằm ở lượng dữ liệu quá lớn. Nhóm đang phát triển các thuật toán machine learning để tự động phân loại từ dữ liệu do kính thiên văn vũ trụ TESS thu lại được. Nhờ đó các nhà khoa học có thể nhanh chóng phát hiện những điểm bất thường.
Đương nhiên, cũng có các dấu hiệu công nghệ khác cần được để ý. Năm 2019, NASA đã tài trợ Adam Frank từ Đại học Rochester và các đồng nghiệp để truy tìm xem liệu có hành tinh nào có dấu hiệu ô nhiễm, hay có pin mặt trời phủ kín bề mặt. Đây là dự án tìm kiếm dấu hiệu công nghệ ngoài sóng radio đầu tiên NASA tài trợ. Frank cho biết: “Điều bạn cần là một danh sách các dấu hiệu tiềm năng, để khi nhìn vào dữ liệu bạn có thể đặt câu hỏi: liệu có thứ gì khác thường, một dấu hiệu công nghệ?”
Nhóm của Croft cho thuật toán học danh sách các dấu hiệu này sau đó đọc dữ liệu. “Nếu chúng tôi không thể phát hiện ra chúng, có thể thuật toán không đủ nhạy cảm với dữ liệu, hoặc chúng tôi cần điều chỉnh lại thông số thuật toán,” theo Croft. Thuật toán này đã thành công trong việc phát hiện ra tín hiệu radio của tàu vũ trụ Voyager 1 trong một dữ liệu hỗn tạp nhiều sóng radio nền.
Dựa trên quá khứ các nghiên cứu khác, nếu bất kỳ phát hiện nào cũng không nên chắc chắn đó là do người ngoài hành tinh ngay. Tuy nhiên, chúng lại đem tới những kiến thức mới về các hiện tượng lạ trong tự nhiên. “Bất kỳ là phát hiện gì, thì cũng sẽ rất thú vị.”
Theo Vice