Trước hết, CLB Nam Định và bóng đá thành Nam may mắn khi có người con như HLV Văn Sỹ, một ông thầy giỏi “liệu cơm, gắm mắm”. Ông đã làm sống lại những cầu thủ tưởng như hết đát như Lâm Anh Quang, Đỗ Merlo, làm mới Sỹ Minh, dùng được cả những cầu thủ bất lợi về thể hình như Vũ Thế Vương.
Cách làm bóng đá riêng
Khác với nhiều CLB khác, Nam Định rất chắt chiu tiền mua sắm ngoại binh. Khi cần vẫn tung tiền ký hợp đồng dài hạn với trung vệ E.Agbaji thay vì ký ngắn hạn, tốn tiền vào hợp đồng dởm. Những quyết định dùng “lão tướng” Lê Văn Phú, Đỗ Merlo của HLV Văn Sỹ trong 2 mùa giải gần đây đang được giới chuyên môn đánh giá khá cao.
Kinh phí không nhiều nhưng bóng đá Nam Định có những mục tiêu cụ thể, mọi việc đều được công khai để các cổ động viên cùng chung tay gánh vác. Nam Định đích thực là "đội bóng nhân dân" bởi người ta hầu như không thấy ranh dưới giữa đội bóng và hội cổ động viên. Đồng tiền luôn được sử dụng một cách chắt chiu, đúng mục đích!
Nam Định là một trong số ít có các chuyên gia thể lực ngoại, để chăm lo nâng cao thể lực cho cầu thủ. Ảnh NĐFC
|
Nam Định là một trong số ít có các chuyên gia thể lực ngoại, để chăm lo nâng cao thể lực cho cầu thủ, nhất là các cầu thủ nhập tịch đã nhiều tuổi. Sau khi chiêu mộ HLV Mashiedee Sulaiman là người Malaysia, học trò cũ của GĐKT VFF Juergen Gede, mùa giải này Nam Định lại mời chuyên gia thể lực Haccke, sinh năm 1967 đến từ Đức. HLV Haccke đã có nhiều năm kinh nghiệm khi làm việc tại sân cỏ Tây Ban Nha. Trước đó, Nam Định tưởng như đã có cơ hội làm việc với một HLV người Áo nhưng do bận công việc gia đình ông đã phải rời Việt Nam.
Nhìn những bài tập với những động tác tập thể lực từ nhẹ đến nặng và từ thấp đến cao, sau đó chia thành từng nhóm theo thể trạng cho thấy ông thầy người Đức là người có nghề. Những bài tập thể lực của ông tưởng chừng như đơn giản thực sự đó là những động tác rất khó đòi hỏi sự kiên trì, dẻo dai và quyết tâm của từng cầu thủ mới có thể nuốt trọn được giáo án...
Vị chuyên gia người Đức sinh năm 1967 chia sẻ :"Tôi cảm thấy mình đã lựa chọn đúng khi đến làm việc tại Nam Định, mặc dù mới cộng tác với các bạn nhưng tôi cũng phải cảm ơn đơn vị chủ quản của đội bóng (Công ty CPTT DNH Nam Định), cảm ơn BHL và các cầu thủ đã dành cho tôi một sự gần gũi, thiện cảm và rất vui vẻ. Tôi cảm thấy thoải mái và hạnh phúc từ khi đến đây, tôi cũng đã chia sẻ với gia đình về vấn đề này".
Phải còn một thời gian nữa, Nam Định mới có thể chen chân vào tốp có huy chương tại V.League, nhưng người ta đã hiểu vì sao “đội bóng nhân dân” này lại được người dân thành Nam yêu thích đến thế. Ảnh NĐFC.
|
Tình yêu sân cỏ
Khác với những CLB khác, bộ máy quản lý của Nam Định gọn nhẹ, không có nhân sự dư thừa. Trong thi đấu, HLV Văn Sỹ có nguyên tắc nhất định, đặt mục tiêu CLB lên trên hết, mọi người đều phải phục vụ đội bóng. Nên khi đội trưởng Lê Văn Phú từ chối gia hạn hợp đồng thì HLV Văn Sỹ đã không ngần ngại để cầu thủ này lên ghế dự bị để cho các cầu thủ trẻ thi đấu lấy kinh nghiệm. Đây là điều mà các nhà cầm quân V.League non tay không dám làm, vì sợ áp lực thành tích.
Hàng năm, kinh phí được cấp không nhiều nhưng xuất thân từ cầu thủ, HLV Văn Sỹ thấu hiểu “tốn tiền sân thì không tốn tiền thuốc”. Sân Thiên Trường cũng đã có tuổi thọ ngót nghét 2 thập kỷ, mặt sân cỏ gừng không được như loại lá kim Bermuda của sân Mỹ Đình, Thống Nhất…Nhưng những người chăm sóc, bão dưỡng mặt sân có tâm nên các cầu thủ thành Nam luôn được thi đấu trên mặt sân đạt chuẩn.
Khi nghe anh Trần Mạnh Dương cho biết chi phí cho hóa chất bảo dưỡng sân Thiên Trường chỉ tốn khoảng 10 triệu đồng/tháng, cái chính là phải dậy sớm để tưới nước, chống sương muối thì người ta mới hiểu, làm gì cũng cần có tâm. Khí hậu miền Bắc mùa đông rét đậm, rét hại, sương muối, gió mùa đông bắc rất khắc nghiệt, nếu lơ đãng thì chả mấy chốt mặt sân xơ xác.
Bóng đá Nam định đang là niềm tự hào cho quê nhà, niềm vui cuối tuần cho những người thành Nam cuối tuần. Ảnh NĐFC
|
Có những người như anh Dương, nên người ta rất ít thấy cảnh cầu thủ Nam Định chấn thương khi tập luyện. Các đội khách đến Thiên Trường thi đấu đều dành cho đội chủ nhà sự tôn trọng nhất định, không có HLV nào kêu ca, phàn nàn chất lượng sân bãi nơi đây. Bóng đá Nam Định đang là niềm tự hào cho quê nhà, niềm vui cuối tuần cho những người thành Nam.
Cơ hội nâng cấp
Mới đây, UBND tỉnh Nam Định vừa duyệt chi dự án trị giá 185 tỷ đồng cho việc nâng cấp sân Thiên Trường để phục vụ cho SEA Games 31. Theo đó, các hạng mục được nâng cấp gồm khán đài A, B - nâng cấp thêm 1 tầng nữa kèm thêm mái che ở khán đài B, khán đài C, D được lắp thêm 45 ngàn ghế ngồi thay vì bậc thềm như hiện tại. Mặt cỏ sân cũng sẽ được thay thế với chất lượng chuẩn quốc tế, bảng điện tử cũng sẽ được lắp mới, duy nhất chỉ giàn đèn chiếu sáng có thể sẽ vẫn giữ nguyên như hiện tại...
Rất có thể phải còn một thời gian nữa, Nam Định mới có thể chen chân vào tốp có huy chương tại V.League, nhưng người ta đã hiểu vì sao “đội bóng nhân dân” này lại được người dân thành Nam yêu thích đến thế. Bởi nơi sân Thiên trường có những người như người chăm sóc mặt sân tên Dương, có những ông thầy như Văn Sỹ, những cú đánh đầu không thể ngăn như Đỗ Merlo. Bóng đá Nam Định tồn tại và phát triển như một minh chứng, không phải cứ phải có nhiều tiền mới có được niềm vui sân cỏ!