Năm 2020, 40% dân số ở nông thôn có tài khoản tiết kiệm

VietTimes -- Đó là một trong những mục tiêu của đề án “Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho kinh tế” mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.
Đến năm 2020, khoảng 35-40% dân số ở nông thôn có tài khoản tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng - (Ảnh minh họa).
Đến năm 2020, khoảng 35-40% dân số ở nông thôn có tài khoản tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng - (Ảnh minh họa).

Ngày 5/9 vừa qua, Thủ tướng đã ký quyết định 1726/QĐ-TTg về Đề án Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho kinh tế.

Quyết định nêu rõ Ngân hàng Nhà nước phải chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương liên quan thực hiện Đề án; định kỳ hằng năm phải có báo cáo trình Thủ tướng về kết quả thực hiện, đề xuất các biện pháp tháo dỡ vướng mắc; tổ chức tổng kết  vào cuối năm 2020.

Đề án nhằm nâng cao  khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng cơ bản phù hợp với nhu cầu, có chất lượng, có chi phí phù hợp với đại bộ phận dân cư ở độ tuổi trưởng thành và doanh nghiệp, nhất là dân cư ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, dựa trên hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, lành mạnh, có trách nhiệm và phát triển bền vững.

Đề án nêu rõ, đến năm 2020, 70% dân số trưởng thành phải có tài khoản thanh toán tại hệ thống ngân hàng; ít nhất 20 chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng thương mại trên 100.000 dân số trưởng thành; 30.000 máy ATM (4 máy trên 100.000 dân số trưởng thành); 300.000 máy POS (40 máy trên 100.000 dân số trưởng thành); tỷ lệ chi nhánh, phòng giao dịch của các ngân hàng thương mại tại địa bàn nông thôn đạt 15%; khoảng 35-40% dân số ở nông thôn có tài khoản tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng; 50-60% doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động vay vốn của các tổ chức tín dụng; tăng gấp đôitỷ trọng thu  nhập dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các ngân hàng thương mại.

Đề án cũng chỉ rõ nguyên tắc và giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế như: mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng, khuyến khích sự tham gia của nhiều loại hình tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ ngân hàng, đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong hiện đại hóa và phát triển đa dạng  sản phẩm, dịch vụ ngân hàng….

Đồng thời yêu cầu thực hiện đồng bộ 7 nhóm giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế.

Cụ thể:

Hoàn thiện thể chế chính sách, tạo lập môi trường thuận lợi để phát triển đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, nhất là sản phẩm dịch vụ ngân hàng phi tín dụng, lành mạnh về tài chính trong quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng

Mở rộng mạng lưới tín dụng ngân hàng của các tổ chức tín dụng, chú trọng nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Ngân hàng chính sách xã hội, có lộ trình hợp lý phát triển hệ thống quỹ tín dụng nhân dân và các tổ chức tài chính vi mô.

Chú trọng ứng dụng công nghệ tin học và công nghệ viễn thông để phát triển sản phẩm dịch vụ nhằm nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của dân cư ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ của các tổ chức tín dụng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nâng cao chất lượng thông tin về khách hàng, hỗ trợ các tổ chức tín dụng tiếp cận thông tin đầy đủ để nâng cao chất lượng tín dụng

Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về ngành ngân hàng, quảng bá sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đến đông đảo người dân.

Cuối cùng là có các giải pháp hỗ trợ như hoàn thiện các cơ chế chính sách có liên quan, xây dụng kế hoạch phát triển doanh ngiệp vừa và nhỏ,…