Xem tiếp Mỹ dựng tiền đồn “đấu” Trung Quốc, Đài Loan ở tuyến đầu
Hải quân Trung Quốc có số lượng chiến hạm nổi, tàu ngầm và tàu chiến đổ bộ lớn nhất ở châu Á và thế giới, số lượng chỉ thua sút Mỹ. Trong trường hợp cuộc xung đột bùng phát ở Đài Loan, Hạm đội Đông Hải và Nam Hải sẽ trực tiếp tham gia vào cuộc chiến với Hải quân Đài Loan. Hạm đội Bắc Hải chịu trách nhiệm chủ yếu để bảo vệ Bắc Kinh và bờ biển phía bắc, nhưng có thể cung cấp phương tiện hậu cần kỹ thuật, vận tải để yểm trợ các hạm đội khác.
Không quân PLA và Hải quân có khoảng 2.100 máy bay chiến đấu đang trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Số lượng này bao gồm máy bay tiêm kích đa nhiệm, máy bay cường kích chiến trường, máy bay tiêm kích mang bom và máy bay ném bom.
Ngoài ra, Trung Quốc có khoảng 1.450 máy bay tiêm kích cũ, máy bay ném bom, và máy bay dành cho huấn luyện đào tạo, nghiên cứu phát triển. Hai lực lượng không quân có khoảng 475 máy bay vận tải và khoảng 100 máy bay tuần tiễu giám sát và trinh sát tình báo, kiểm soát truy tìm mục tiêu bề mặt, máy bay trinh sát điện tử và cảnh báo sớm.
Trong tình huống chiến tranh mở rộng, không quân PLA sẽ tăng cường bằng máy bay vận tải quân sự với máy bay vận tải dân sự. Phần lớn lực lượng không quân PLA và máy bay chiến đấu Hải quân PLA đóng quân ở nửa phía đông của đất nước này.
Tại thời điểm hiện tại, đánh giá được nguy cơ Đài Loan, Trung Quốc duy trì khoảng 330 máy bay sẵn sàng chiến đấu tấn công Đài Loan mà không cần tiếp nhiên liệu. Nhưng con số này sẽ tăng lên đáng kể thông qua số lượng máy bay phục vị được triển khai cùng các chiến đấu cơ tiền tiêu, các máy bay được giảm tải trọng vũ khí, hoặc thay đổi yêu cầu nhiệm vụ.
Để đối phó với các mục tiêu tầm gần như Hàn Quốc, Đài Loan, Lực lượng tên lửa chiến lược số có khoảng 1,200 tên lửa đạn đạo tầm gần (SRBMs) đang được bảo quản. Bắc Kinh gia tăng khả năng tấn công của lực lượng tên lửa bằng việc phát triển tên lửa đạn đạo thế hệ mới. Tên lửa DF-16, (NATO định danh là CSS-11) có tầm bắn từ 800-1,000 km. Tên lửa DF - 16 (CSS-11), phát triển song song với tên lửa tầm trung DF-21 (CSS-5) (MRBM), sẽ gia tăng khả năng tấn công bằng tên lửa không chỉ Đài Loan mà còn là các mục tiêu nước khác trong khu vực.
Trung Quốc đang phát triển ngày càng tăng các tên lửa tầm trung MRBM bao gồm tên lửa đạn đạo DF-21D (CSS-5 Mod 5). Tên lửa đạn đạo chống hạm (ASBM). CSS-5 Mod 5, có tầm bắn 1.500 km và đầu đạn cơ động hành trình cho phép Trung Quốc có khả năng tấn công các tàu phía tây Thái Bình Dương. Lực lượng tên lửa số 2 tiếp tục hiện đại hóa lực lượng hạt nhân bằng cách tăng cường các giếng phóng cho các tên lửa đạn đạo liên lục địa của nó (ICBM) và các phương tiện mang – phóng (xe phóng tên lửa) có khả năng cơ động hơn và linh hoạt hơn”.
Kho vũ khí tên lửa đạn đạo liên lục địa ICBM của Trung Quốc hiện có khoảng 50-60 tên lửa ICBM, bao gồm các tên lửa DF – 5 (CSS-4 Mod 2) và các tên lửa cơ động trên phương tiện mang (MIRV) DF-5 Mod 3; Tên lửa trong containers DF-31 và DF-31A (CSS-10 Mod 1 và 2); tên lửa tầm gần DF-4 (CSS-3). DF-31 (CSS-10 Mod 2), có tầm bắn vượt quá 11.200 km, có thể tấn công hầu hết các địa điểm trên lãnh thổ Mỹ. Trung Quốc đang phát triển một tên lửa đạn đạo tầm xa di động mới ICBM DF-41 (CSS-X-20), có thể phóng từ phương tiện mang (xe phóng).
Do khoảng cách giữa đảo và đất liền không xa. Trong cuộc xung đột, Trung Quốc có thể tấn công Đài Loan bằng hàng trăm tên lửa chiến thuật "DF-11" và "DF-15 SSC-6”. Ngược lại, Đài Loan có thể sử dụng lực lượng không quân và tấn công bờ biển Trung Quốc bằng các tên lửa hành trình Hsiung Feng IIA và Hsiung Feng IIE có tầm bắn đến 300 km (theo một số nguồn tin khác có thể đến 500 km).
Ngoài ra, Trung Quốc còn sở hữu khoảng gần 1.500 tên lửa hành trình chống tàu các loại, những tên lửa hành trình này có thể được sử dụng để tấn công các chiến hạm nổi và mục tiêu mặt đất trên đảo Đài Loan.
Trong thực tế, với tiềm lực quân sự vượt trội hơn gấp nhiều lần, lực lượng hải quân Trung Quốc trong một cuộc xung đột vũ trang có thể chiếm ưu thế vượt trội hơn hẳn lực lượng không quân, hải quân của Đài Loan và có thể gây thiệt hại nặng nề trong một trận chiến không cân sức. Nhưng “vấn đề Đài Loan” sẽ gặp khó khăn nghiêm trọng đối với Trung Quốc khi có sự can thiệp của Mỹ và đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc vào cuộc chiến này và đẩy Trung Quốc vào thế bị bao vây, phong tỏa.
Trong khi đó, nền kinh tế của Trung Quốc và cả Đài Loan đều phụ thuộc chủ yếu tuyến đường thương mại hàng hải. Khả năng tự cung tự cấp nguồn nguyên liệu, nhiên liệu cho nền kinh tế Trung Quốc nhỏ hơn 30%, và Đài Loan là khoảng 32%.
Điều đó có nghĩa là: Nếu Đài Loan trụ vững trong một cuộc tấn công bằng hỏa lực không quân, hải quân, tên lửa của Trung Quốc trong một thời gian đủ dài, các chuyên gia phân tích quân sự Mỹ dự kiến khoảng 5 ngày. Mỹ có thể kịp thời triển khai lực lượng yểm trợ đảo Đài Loan và lôi kéo các quốc gia đồng minh khác trong khu vực như Nhật, Úc và các quốc gia đồng minh bên ngoài triển khai lực lượng bao vây phong tỏa. Trung Quốc sẽ gặp khó khăn vô cùng lớn.
Trong tình huống hải quân Trung Quốc buộc phải đổ bộ lên đảo để giải quyết vấn đề, tình thế sẽ chuyển sang trạng thái chiến tranh khu vực và nền kinh tế đang phát triển của Trung Quốc sẽ chuyển sang tình trạng chiến tranh. Cuộc chiến trên đảo Đài Loan sẽ là cuộc chiến bộ binh đất liền và đó không phải là ưu thế của quân đội Trung Quốc khi có sự can thiệp của Mỹ, Nhật.
So sánh tương quan lực lượng cho thấy, Đài Loan trên thực tế là tiền đồn chủ lực của Mỹ và đồng minh trong một liên minh quân sự phong tỏa Trung Quốc. Với lực lượng hiện có, không quân – hải quân Đài Loan không đủ sức để tấn công đại lục hoặc phòng thủ hiệu quả chống lại cuộc tấn công quy mô lớn của Trung Quốc nếu không có sự chi viện, hỗ trợ của Mỹ và các nước đồng minh. Nhưng ngược lại, cuộc xung đột của Trung Quốc với Đài Loan cũng sẽ gây ra cho Trung Quốc những hậu quả không thể dự đoán được.
Lực lượng Không quân - Hải quân Hàn Quốc
Dựa trên hình thái địa chính trị bán đảo Triều Tiên, không quân - hải quân Hàn Quốc có mục đích chủ yếu là phòng thủ bờ biển.
Từ ba khu vực nhận dạng phòng không Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, có thể nhận thấy vị thế vô cùng quan trọng của eo biển Tsusima trong chiến lược phòng thủ và ngăn chặn của Mỹ với Trung Quốc. Đồng thời dễ dàng nhận thấy, các lực lượng Không quân Hải quân Hàn Quốc chỉ có nhiệm vụ then chốt là bảo vệ bờ biển và chống ngầm.
Xét tổng quan lực lượng Hải quân Trung Quốc và Hải quân Hàn quốc, ưu thế chiến trường hoàn toàn thuộc về Trung Quốc, không tính đến sức ép tiềm năng từ phía Triều Tiên khiến Hàn Quốc không thể chia sẻ một lực lượng lớn để có thể chống trả và ngăn chặn các đòn tấn công quy mô lớn của phía Trung Quốc. Do đó, Trung Quốc chỉ cần sử dụng lực lượng Hạm đội Biển Bắc và một phần không lớn của quân khu Tế Nam để gây sức ép nghiêm trọng lên Seoul.
Tính đến năm 2015. Hải quân Hàn quốc có khoảng 160 hạm tàu các loại, trong đó có 14 tàu ngầm, 120 tàu mặt nước và tàu tuần biển, 10 tàu đổ bộ, 10 tàu quét mìn, 10 tàu hậu cần kỹ thuật. Hải quân có khoảng 60 máy bay cánh quạt và trực thăng.
Khu trục hạm Hải quân Hàn Quốc: 25 chiếc có trọng tải từ 1.500 tấn đến 7.650 tấn. Tàu tuần biển mang tên lửa 35 chiếc có trọng tải từ 440 tấn đến 950 tấn. Máy bay chống ngầm P3C Orion 16 chiếc, 27 máy bay trực thăng chống ngầm AW159 Wildcat và Westland Lynx.
Lực lượng Không quân Hàn Quốc có 478 máy bay chiến đấu các loại, chủ lực là F – 15 K và F-16 Falconl, T-50 và 4 chiếc E-7A AEW&C. Hệ thống tên lửa phòng không, 6 khẩu đội Patriot PAC-2, 24 khẩu đội tên lửa phòng không tầm gần MIM-23 Hawk, 214 khẩu đội tên lửa phòng không tầm gần và 376 tổ hợp súng phòng không cỡ nòng 20 mm và 30 mm.
Tương tự như trường hợp với Đài Loan, khoảng cách bờ biển giữa Hàn Quốc và Trung Quốc ngăn cách bởi Biển Vàng có khoảng cách khoảng khoảng từ 300 – 400 km, do đó hầu hết các loại vũ khí tầm gần và tầm trung của Trung Quốc đều có khả năng tấn công sâu vào nội địa của Hàn Quốc.
Trong tình huống xung đột, Hàn Quốc phải đối mặt ngay với lực lượng quân sự Triều Tiên, do đó không có khả năng tấn công cao với lực lượng Hải quân Trung Quốc.
Mặc dù các tàu khu trục hạm và tàu ngầm Hàn Quốc có năng lực tác chiến trên bán kính đến 1.500 hải lý, nhưng do sự đe dọa trực tiếp từ Triều Tiên và khả năng tấn công của các tên lửa đạn đạo, hành trình tầm gần của Trung Quốc, nhiệm vụ mà Hàn Quốc có thể thực hiện được là bảo vệ bờ biển và không phận Hàn Quốc, yểm trợ cho các cuộc tấn công của Mỹ và đồng minh chống Trung Quốc. Thực hiện nhiệm vụ chống ngầm trên Biển Vàng và eo biển Tsusima hỗ trợ Nhật Bản.
Ngược lại, Trung Quốc cũng không thể phong tỏa được đường vận tải biển của Hàn Quốc do eo biển Tsusima quá hẹp và dễ dàng kiểm soát. Do đó, trong một cuộc xung đột tiềm năng khu vực, Hàn Quốc sẽ phải cần đến sự yểm trợ, chi viện hỏa lực trực tiếp từ đồng minh, gần hơn hết là Nhật Bản, sau đó là lực lượng Không quân và lực lượng Hạm đội 7 Mỹ.
(Còn tiếp)